Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Thần y' chân đất là khắc tinh của loài rắn độc


Thần y' chân đất là khắc tinh của loài rắn độc

Người dân trong vùng gọi ông là "khắc tinh của rắn độc" bởi ông có thể giải được nọc độc của bất kỳ loại rắn độc nào chỉ với phương thuốc gia truyền đơn giản của mình.


   
Cứu mạng hàng trăm người

Sinh sống tại một vùng quê nghèo ở xứ Thanh, cuộc sống của gia đình ông Hà Xuân Tỉnh, 53 tuổi, ở thôn Trảy, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa vẫn rất nghèo khổ. Quanh năm dãi nắng dầm mưa bên ruộng đồng cũng chỉ bữa đói bữa no, thế nhưng vị "thần y" quanh năm chân lấm tay bùn chưa từng từ chối một trường hợp bệnh nhân bị rắn độc cắn nào.

Nói về biệt tài của mình, ông Tỉnh khiêm tốn cho biết: "Tổ tiên ông có một phương thuốc gia truyền có thể giải được nọc độc
của mọi loài rắn và chữa được một số căn bệnh nan y, do đó dù không học trong ngành y nhưng đến nay ông đã cứu mạng sống cho rất nhiều người".
Trong lúc trò chuyện, "thổ địa" của tôi cho biết, vì đặc thù địa hình ở vùng núi, rắn độc nhiều vô kể. Mỗi lần đi rừng, chỉ cần sơ sẩy tý chút là rất dễ "dính chưởng" rắn độc. Loài rắn tuy khá lành, nhưng nếu bị xâm phạm hoặc vô tình dẫm phải thì nó trở nên hung dữ vô cùng. Vì vậy, mỗi năm địa phương có từ vài chục đến hàng trăm người đi rừng bị rắn độc cắn. Mặc dù ở Cẩm Thuỷ đã có bệnh viện đa khoa khu vực, nhưng mỗi lần bị rắn cắn, người dân vẫn quen tìm đến với ông Tỉnh hơn.
Ông Lê Văn Quảng, cán bộ y tế Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa xác nhận: "Chuyện ông Hà Xuân Tỉnh giải được nọc độc của mọi loài rắn là có thật. Tôi và bà con trong thôn đã tận mắt chứng kiến rất nhiều trường hợp bị rắn độc cắn được ông cứu sống". Ông Quảng cũng xác nhận, trường hợp bị liệt nửa người như bà Bướm được ông Tỉnh chữa khỏi là có thật.
Dù không tiết lộ về bí kíp gia truyền, nhưng ông Tỉnh không ngần ngại chia sẻ những cách sơ cứu khi bị rắn cắn, kể tên một số loại lá cây trên rừng có thể giúp hạn chế nọc độc chạy vào cơ thể cho chúng tôi biết. Đang nói chuyện vui vẻ thì nhà ông Tỉnh lại có khách đến chơi. Hôm ấy, ngoài chúng tôi ra ông có thêm một người khách đặc biệt khác.
Đó là ông Phạm Văn Đỏ, trú tại xã Cẩm Thạch - Cẩm Thuỷ. Ông Đỏ là bệnh nhân mới nhất được ông Tỉnh cứu sống. Gặp lại ân nhân cứu mạng đang chia sẻ với nhà báo, ông Đỏ hồ hởi kể về phút giây được "thần y" giải cứu khỏi lưỡi hái tử thần. Hôm đó ông đi rừng bị rắn độc cắn, người thân liền đưa ông Đỏ đến nhà ông Tỉnh trong tình trạng rất nguy kịch. Ai cũng nghĩ là phen này ông Đỏ sẽ không thể qua khỏi.
Thế nhưng chỉ một lúc sau khi ông Tỉnh cho uống chén thuốc ông Đỏ đã dần dần bình phục. "Hôm ấy tôi không biết gì nữa, người nhà đã chuẩn bị hậu sự, may mà gặp được thần y, tôi đã được cứu khỏi tay thần chết", ông Đỏ cười khà khà cho biết.
Ông Đỏ cũng cho biết thêm, ngoài ông ra còn có nhiều người được ông Tỉnh giải cứu nọc rắn độc, như anh Phạm Văn Thanh, cũng ở huyện Cẩm Thuỷ. Anh Thanh bị rắn hổ mang chúa cắn khi thò tay lấy ổ trứng của nó trong cây luồng. Chỉ mấy phút sau, nạn nhân đã mê man bất tỉnh, người nhà vội khiêng đến nhà ông Tỉnh. Thật kỳ lạ, chỉ uống một bát thuốc là anh Thanh đã dần hồi tỉnh, hai ngày sau trở lại bình thường.
Nhiều lần, đang đi làm, nghe tin có người bị rắn độc cắn đến nhà để nhờ ông chữa trị là ông bỏ việc để về nhà ngay. Ông Tỉnh nhớ lại "có hôm đang đi cày ngoài ruộng, nghe điện thoại rung, vừa bắt máy nghe tiếng con gái bảo "bố ơi, có người bị rắn độc cắn, bố về ngay", tôi liền bỏ trâu, bỏ cày để về nhà, cứu người như cứu hỏa mà".
Ông Tỉnh lên rừng hái thuốc.
"Thần y" cương quyết từ chối tiền bồi dưỡng
Theo những người dân ở xã Cẩm Thạch tiết lộ, dù cứu rất nhiều người khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng ông Tỉnh chưa bao giờ lấy tiền của bất kỳ ai. Hễ có người đến nhờ ông chữa bệnh thì dù ban ngày hay ban đêm, dù trời nắng hay mưa ông đều lên rừng hái thuốc cho người bệnh mà không đòi hỏi một đồng tiền công.
Ngoài việc giải được nọc độc của mọi loài rắn, ông Tỉnh còn có thể chữa được một số bệnh khác, từ những bệnh nhẹ như: Trúng gió, suy nhược cơ thể, kém ăn, mất ngủ, các bệnh ngoài da,... đến những căn bệnh mà nền y học hiện đại bây giờ cũng chịu thua như bệnh bại liệt, bằng  phương thuốc riêng của mình. Tất cả những người mắc căn bệnh này đều bị bệnh viện trả lại, chỉ còn nước phó mặc cho số phận  nhưng khi đến với ông Tỉnh, chỉ với vài thang thuốc nam ông lấy trên rừng là người bệnh đã hồi phục.
Người dân xã Cẩm Thạch vẫn chưa quên trường hợp của bà Trương Thị Bướm, 55 tuổi, ở thôn Trảy, Cẩm Thạch, là trường hợp đầu tiên mắc bệnh liệt nửa người được ông Tỉnh chữa khỏi. Từ khi mắc bệnh bà đã đi khắp các bệnh viện trong tỉnh để khám và chữa trị nhưng vẫn không có kết quả gì, uống đủ thứ thuốc tây nhưng căn bệnh của bà cũng chỉ suy giảm một thời gian ngắn rồi lại tái phát và ngày một nặng hơn.
Bà nằm liệt giường, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều do con cái phục vụ. Bà tâm sự "trong suốt thời gian mắc bệnh tôi chỉ nằm một chỗ, không ra được khỏi giường, gia đình phải bán mất một đàn trâu để tôi chữa bệnh nhưng vẫn không khỏi. Đứa con trai của tôi phải bỏ học để chăm sóc mẹ, lúc đó tôi chỉ muốn chết đi cho đỡ khổ con cái".
Bà cho biết thêm: "Thời gian đó chưa ai biết ông Tỉnh có khả năng chữa bệnh này, mọi người chỉ biết đến ông là người giải được nọc độc rắn và chữa trị một số bệnh về suy nhược cơ thể, bệnh ngoài da. Khi tôi nhờ ông Tỉnh chữa trị, ông nói uống thuốc của ông thì  bệnh sẽ suy giảm và ông đi hái  thuốc rồi dặn dò tôi cách uống. Tôi cũng làm theo với hi vọng mong manh là sẽ khỏi bệnh. Sau năm tháng uống thuốc căn bệnh của tôi đã khỏi hoàn toàn".
Ông Tỉnh không thích khoe mẽ về tài năng y học của mình, mà âm thầm cống hiến sức lực để cứu người. Ông tâm sự: "Tôi không bao giờ tự xưng mình có thể chữa được bệnh này bệnh kia, vì tôi chỉ là một người nông dân bình thường, nhưng khi chữa trị khỏi cho một người thì nhiều người khác mắc căn bệnh như vậy  biết đến họ đã tìm nhờ tôi giúp đỡ. Khi uống thuốc họ đều khỏi bệnh, tôi chữa trị cho người bệnh chỉ vì mong muốn họ được khỏe mạnh trở lại".
Cứu sống cho hàng trăm mạng người nhưng ông Tỉnh không hề nhận bất cứ một sự đền đáp công ơn nào. Ông Đỏ, anh Thanh, chị Hiếu và nhiều người khác được ông cứu sống đã có ý định hậu tạ, nhưng ông đã từ chối tất cả, ông bảo "cứu người là việc nên làm mà, chứ ơn với nghĩa cái gì?”

Văn Điển - Hà Khê
                        

                                                 Nguồn http://www.nguoiduatin.vn    

Không có nhận xét nào: