Đi khám phụ khoa, nữ sinh 'bắt đền' bác sĩ vì mất trinh
Để có tiền trang trải cuộc sống, N.T.Y, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội sẵn sàng biến mình thành "nạn nhân" để lấy cớ tống tiền phòng khám tư với giá 120 triệu đồng. Thế nhưng cô đâu biết rằng, việc tống tiền ấy đã biến cô trở thành tội phạm.
Cũng như những cô bạn khác của mình, đang học năm thứ 2 đại học, Y. cũng tìm cho mình được một người yêu lý tưởng. Đó là T. (Việt Trì, Phú Thọ), một chàng trai hào hoa, con nhà giàu, hơn cô 2 tuổi. Từ ngày có người yêu, những ngày lên thư viện đọc tài liệu của Y. biến thành những ngày lang thang quán xá. Những địa điểm: Quán bar, nhà hàng, những nơi cô chưa từng đặt chân đến thì nay lại là chốn dung thân hàng ngày.
Chỉ trong thời gian ngắn, việc học hành của cô giảm sút hẳn, có kỳ, cô phải học lại mất hai môn chuyên ngành. Nhiều đêm lê tấm thân mệt mỏi về nhà, Y. chỉ biết lăn ra giường ngủ một giấc dài đến tận sáng hôm sau mà quên mất các buổi lên giảng đường. Tuy nhiên, Y. không thể bỏ những buổi đi chơi thâu đêm suốt sáng với T. bởi cô quá yêu T. Hơn nữa, những gì quý giá nhất của người con gái, cô đã bị T. lấy đi trong một lần say rượu cách đây 2 tháng.
Hôm ấy, vừa đi học về, cô nhận được điện thoại của T. nói sẽ qua đón cô đi bar. Được đi chơi cùng người yêu, Y. như quên hết mệt mỏi của một ngày học hành vất vả. Mặc chiếc váy mới mua vào người, Y. thấy mình rực rỡ hẳn lên. Khác với những lần đi bar trước, lần này chỉ có cô và T.. Sau khi gọi hai ly rượu nặng, T. bảo Y. uống cho khoẻ hơn. Thế nhưng Y. đâu ngờ ly rượu ấy đã bị T. bỏ thêm một loại thuốc kích thích vào. Rượu vào đến đâu, Y. cảm thấy cơ thể mình nóng bừng, rạo rực đến đó.
Nữ sinh viên dễ trở thành tội phạm khi túng tiền. Ảnh minh hoạ
Nói đến đây, luật sư Hoè tâm sự: "Kể ra cũng tội cho Y., từ đầu đến cuối, Y. chỉ là nạn nhân mà thôi". Sau khi T. nói lời chia tay được gần 1 tháng, Y. phát hiện mình có biểu hiện của bệnh phụ khoa. Để đảm bảo sức khoẻ của mình, Y. quyết định đi khám. Ngại khám ở bệnh viện, Y. chọn một phòng khám tư. Sau khi làm thủ tục khám chữa bệnh, vào gặp bác sỹ, Y. mô tả lại bệnh lý của mình, Y. được đưa vào phòng, khám siêu âm bằng hình ảnh.
Theo thói quen thông thường, bác sỹ mời Y. nằm lên giường bệnh, sau đó sử dụng kỹ thuật khám siêu âm đầu dò với mong muốn chẩn đoán chính xác bệnh cho bệnh nhân. Trong quá trình đưa đầu dò vào, Y. không hề có biểu hiện lâm sàng như đau đớn liên quan đến việc mất trinh. Khám xong, bác sỹ kết luận Y. mắc bệnh phụ khoa và kê đơn thuốc điều trị. Tuy nhiên, khám xong buổi sáng, buổi chiều Y. quay lại phòng khám để "bắt đền" bác sỹ vì bị mất trinh trong quá trình khám bệnh.
Tội phạm... tống tiền!
Trở lại phòng khám vào buổi chiều, Y. dẫn theo một người phụ nữ trung niên. Người phụ nữ này xưng danh là bác sỹ của một bệnh viện trực thuộc quân đội. Xưng danh xong, người phụ nữ tự xưng bác sỹ yêu cầu được gặp Trưởng phòng khám để đề nghị phòng khám phải có trách nhiệm bồi thường cho nữ sinh viên Y. 120 triệu đồng "vì rách màng trinh trong quá trình khám".
Sau khi nghe Y. cùng người phụ nữ kia kể lại quá trình khám bệnh để xảy ra tình huống kia, trưởng phòng khám xin lỗi Y., sau đó đề nghị Y. lên thanh tra sở Y tế lấy giấy giới thiệu đi giám định lại xem có đúng bị mất trinh do khám bằng đầu dò không. Bởi lúc này, Y. khẳng định vùng kín của mình hiện rất đau đớn, chắc chắn bị rách màng trinh khi khám.
Nếu đúng có chuyện Y. bị rách màng trinh trong quá trình khám bằng đầu dò, phòng khám sẽ chịu trách nhiệm bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bệnh nhân Y. nhất quyết không chịu đi khám, luôn miệng đòi phòng khám phải bồi thường.
Để đảm bảo quyền lợi cho chính mình và cho bệnh nhân Y., trưởng phòng khám còn ra sức giải thích: Quy định khám rách màng trinh diễn ra trong vòng 3 ngày, nếu quá 3 ngày, các kết luận không còn độ chính xác. Tuy nhiên không bên nào nhường bên nào, xung đột xảy ra, bệnh nhân và người tự xưng bác sỹ trở về, hẹn sáng mai tới nói chuyện tiếp.
Sáng hôm sau, bệnh nhân Y. và người phụ nữ kia quay lại phòng khám gặp lãnh đạo phòng khám. Tại đây, bệnh nhân Y. dứt khoát không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình là đi giám định, do đó không có căn cứ để phòng khám bồi thường. "Sau khi giải thích cặn kẽ và coi Y. là bị hại, tôi bảo Y. nên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thì mới có căn cứ bồi thường, nhưng Y. vẫn không chịu.
Nghe vậy tôi nói với Y.: "Nếu em không chứng minh mình là người bị hại, em có thể trở thành tội phạm do có hành vi tống tiền phòng khám. Với số tiền 120 triệu đồng, xét theo khoản 2, Điều 133, em có thể bị phạt từ 7 - 15 năm tù". Nghe tôi nói xong, Y. yêu cầu phòng khám bồi thường… 50 triệu đồng". 50 triệu đồng không phải là số tiền lớn, xong đây là một yêu cầu quá vô lý, Trưởng phòng khám không chấp nhận vì không có căn cứ.
Ngày hôm sau, bệnh nhân Y. tiếp tục rút số tiền bồi thường xuống còn 30 triệu đồng. Lúc này, bệnh nhân kể cho mình nghe hoàn cảnh bi đát của mình, người yêu bỏ, cha mẹ ở quê biết con gái đua đòi theo chúng bạn nên đã cắt tiền ăn học hàng tháng. Trong khi đó, chỉ còn hơn một năm nữa ra trường, thế nên để có tiền học cho xong, Y. mới làm liều.
Nghe Y. nói vậy, trưởng phòng khám đồng ý cho Y. 20 triệu đồng bởi trong chuyện này, phòng khám cũng có lỗi bởi theo quy định của luật Khám chữa bệnh, trong trường hợp sử dụng kỹ thuật cao khám chữa bệnh, phải có sự đồng ý của bệnh nhân. Áp dụng vào trường hợp dùng đầu dò để khám cho Y. mà không hỏi ý kiến của Y. là sai bởi Y. chưa có gia đình.
Nếu vụ việc vỡ lở, phòng khám mất uy tín và sẽ bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một bài học đắt giá cho phòng khám tư nọ, không nên chủ quan mà bỏ qua các công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh.
Vân Thanh
Theo nguoiduatin.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét