Cô gái ngồi xe lăn thắng kiện
Thứ bảy 22/06/2013 07:07
ANTĐ - Kết thúc phiên tòa sơ thẩm cách nay gần một năm, ngỡ tưởng Phạm Ánh Nguyệt đã được thừa hưởng một phần di sản do ông bà nội cô để lại. Ai dè phải đến tận hôm qua, cô gái bị di chứng chất độc da cam này mới chính thức được pháp luật công nhận quyền lợi.
Tòa vào nghị án, chị gái Nguyệt tranh thủ chăm sóc em
Hôm qua (21-6), TAND Tối cao tại Hà Nội đã tiến hành phiên xét xử phúc thẩm đối với vụ kiện đòi quyền thừa hưởng di sản thừa kế kế vị, trong đó chị Phạm Ánh Nguyệt (SN 1980, trú ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) giữ vai trò nguyên đơn. Bị đơn trong vụ án là bà Phạm Thị Thuận (SN 1957), ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Cũng như ở phiên tòa trước, bà Thuận không đến phiên xét xử mà ủy quyền cho người con rể tham gia tố tụng. Phía bên kia, do Nguyệt bị bại liệt vì di chứng chất độc da cam từ người cha đi kháng chiến nên ủy quyền cho mẹ đẻ là bà Đào Minh Phượng cùng đến tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.
Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội ngày 23-8-2012 thể hiện, vợ chồng cụ Phạm Công Mẫn và Nguyễn Thị Giáp mất năm 2006 để lại một căn nhà 6 tầng trên diện tích 53,7m2, tại số 25 ngõ 630 đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Vợ chồng cụ Mẫn có hai người con là ông Phạm Công Cảnh (cụ Mẫn và cụ Giáp nuôi ông Cảnh từ nhỏ) - thương binh hạng 3/4 (bố đẻ Nguyệt), bị tâm thần bỏ nhà đi từ năm 1994 (tòa án tuyên bố là đã chết) và bà Phạm Thị Thuận. Năm 2004, vợ chồng cụ Mẫn lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất và căn nhà (thời điểm ấy là nhà 1 tầng) cho con gái, sau khi hai cụ qua đời. Ngay trước khi mất, vợ chồng cụ Mẫn đồng ý để bà Thuận phá bỏ căn nhà cũ và xây một căn nhà mới 6 tầng trên toàn bộ diện tích đất vốn có. Cũng vào thời điểm đó, bà Thuận hứa hẹn với cháu gái rằng xây nhà xong sẽ cho hai chị em Nguyệt một khoản tiền để kiếm chỗ ở khác. Vậy nhưng sau này bà Thuận bội ước, không cho hai cháu gái một đồng nào.
Không còn ông bà nội để bấu víu, trong khi đó mẹ đẻ ngày một già yếu do bệnh tật nên cô gái sống dựa vào chiếc xe lăn, ở nhờ trong chùa buộc phải đội đơn đến tòa nhờ phân xử. Trước những chứng cứ cùng lập luận mà các bên đương sự đưa ra, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên bố Phạm Ánh Nguyệt được thừa hưởng hơn 25m2 đất và tầng 1 của căn nhà 6 tầng mang tên bà Thuận hiện nay, theo khoản 2, Điều 669-BLDS, chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Không đồng ý với quyết định của cấp tòa sơ thẩm, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Sửa một phần bản án
Ôm đơn kháng cáo ra trước HĐXX phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của bà Thuận đề nghị tòa án bác đơn khởi kiện của mẹ con chị Nguyệt với các lý do thời điểm cụ Mẫn và cụ Giáp lập di chúc, ông Cảnh đã chết; bản di chúc do hai cụ xác lập hoàn toàn hợp pháp; không có căn cứ để xác định ông Cảnh là con của vợ chồng cụ Mẫn và mẹ con chị Nguyệt không có tư cách đứng đơn khởi kiện đòi quyền lợi. Về phía nguyên đơn, mẹ con bà Phượng tỏ rõ mong muốn Tòa án Tối cao giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm và công nhận cô gái bị di chứng chiến tranh được sử dụng hơn 25m2 nhà đất, tại số 25, ngõ 630 đường Trường Chinh. Đến phiên tòa thứ hai, cả hai bên đương sự đều không xuất trình thêm tài liệu gì mới nhằm bảo vệ yêu cầu của mình.
Mở lại hồ sơ vụ án thì thấy thời điểm vợ chồng cụ Mẫn lập di chúc cho con gái được hưởng toàn bộ nhà và đất (ngày 10-8-2004), ông Phạm Công Cảnh chưa được TAND quận Đống Đa tuyên bố là đã chết. Trong khi đó, ông Cảnh lại là một thương binh bị chấn thương sọ não dẫn đến tâm thần và mất khả năng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lập di chúc phải ý thức được là họ vẫn còn có một người con trai nữa. Mặt khác, cho dù cụ Mẫn và cụ Giáp không muốn cho ông Cảnh tài sản của mình thì pháp luật vẫn buộc những người như hai cụ phải để lại 2/3 kỷ phần của một suất được thừa hưởng di sản, bởi người thân của họ không còn khả năng tự sinh sống.
Cũng chính vì lý do này mà cấp tòa sơ thẩm đã xác định bản di chúc của cụ Mẫn cùng cụ Giáp thiết lập không hoàn toàn hợp pháp và hợp lệ. Đối với nội dung phía bị đơn cho rằng không có căn cứ để xác lập ông Cảnh là con của cụ Mẫn và cụ Giáp thì không phải đợi đến phiên tòa phúc thẩm mà ngay tại cấp sơ phẩm đã được làm rõ quan hệ giữa họ là quan hệ bố mẹ và con cái. Nó được chứng minh không chỉ bằng giấy khai sinh của ông Cảnh, sổ hộ khẩu gia đình cụ Mẫn mà còn được chứng minh bởi chính lời khai của bà Thuận trong hồ sơ vụ án và đông đảo người dân nơi gia đình hai bên đương sự từng cùng nhau chung sống. Và với những căn cứ ấy, chị Nguyệt hội đủ tư cách để yêu cầu pháp luật phân chia di sản thừa kế kế vị, không phụ thuộc vào di chúc.
Quá trình tòa giải quyết vụ án, phía nguyên đơn còn chỉ ra rằng xét về trình tự, thể thức của bản di chúc mà vợ chồng cụ Mẫn lập ra không phù hợp với các quy định của luật pháp. Còn đại diện bị đơn thì yêu cầu phải định giá lại tài sản, do giá trị nhà đất “tụt dốc”. Tuy nhiên, các yêu cầu này đều không được tòa án chấp nhận… Xem xét lại vụ án, cấp tòa phúc thẩm nhận thấy về cơ bản cấp tòa sơ thẩm đã phân xử “thấu lý đạt tình”. Tuy vậy, việc TAND TP Hà Nội tuyên bố cho chị Nguyệt được ở tầng 1 của căn nhà tranh chấp với diện tích hơn 25m2 mặt sàn là không thỏa đáng vì rất có thể sau này sẽ phát sinh ra những mâu thuẫn mới. Vì lẽ đó, TAND Tối cao quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm và tuyên bố cho bà Phạm Thị Thuận được quản lý, sử dụng toàn bộ căn nhà, đất do vợ chồng cụ Mẫn để lại. Còn đối với chị Phạm Ánh Nguyệt, thay vì sống trong căn nhà của ông bà nội sẽ nhận 4,1 tỷ đồng (tương ứng với kỷ phần di sản được hưởng) mà bà Thuận là người phải có nghĩa vụ thi hành.
Trịnh Tuyến
Nguồn Báo an ninh thủ đô online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét