Những giá trị đích thực trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ sẽ tiếp tục được khơi dậy và tỏa sáng
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ ra đi trong một vụ tai nạn giao thông oan nghiệt và đau đớn. 25 năm ấy, có biết bao thay đổi, bao sự kiện đã diễn ra. Đối với gia đình chúng tôi, anh chị và cháu dường như không bao giờ mất. Họ vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống, trong muôn vàn kỷ niệm, trong nỗi nhớ thường ngày của chúng tôi.
Từ trái sang, hàng đứng trước: Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ 7) và tác giả Lưu Quang Vũ (thứ 2)
sau đêm diễn vở Ông vua hóa hổ của Đoàn Chèo Hải Phòng trước đây Ảnh: TƯ LIỆU
sau đêm diễn vở Ông vua hóa hổ của Đoàn Chèo Hải Phòng trước đây Ảnh: TƯ LIỆU
Ghi nhận và tri ân
Với tư cách là những nghệ sĩ có đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, cuộc đời và tác phẩm của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vẫn luôn được bạn bè trong giới văn nghệ, người đọc, người xem đón nhận và yêu mến. Tuy không còn xuất hiện rầm rộ như lúc sinh thời nhưng những năm qua, các tập tuyển thơ của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh vẫn đều đặn được xuất bản; kịch của Lưu Quang Vũ vẫn được các đoàn sân khấu trong cả nước dàn dựng lại.
Sau khi Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mất, mẹ tôi là người trực tiếp giữ gìn di cảo của anh chị. Những năm cuối đời, khi đã già yếu, bà giao lại toàn bộ cho tôi cất giữ. Cuối năm 2012, sau khi tìm hiểu, tôi đã trao một phần bản thảo cho Trung tâm Lưu trữ III - Cục Lưu trữ Quốc gia bảo quản, vì đó là nơi có điều kiện giữ gìn tư liệu một cách tối ưu.
Trao tài liệu rồi, tôi nghĩ thế là xong. Nhưng ít lâu sau, nhân viên của trung tâm cho biết họ muốn mời gia đình và bạn bè của 2 tác giả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đến dự lễ tiếp nhận - bàn giao bản thảo của anh chị tôi. Dự buổi lễ hôm đó, cùng với gia đình có NSND Doãn Châu và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Cũng như gia đình chúng tôi, các anh đều bất ngờ vì lễ tiếp nhận được tiến hành trang trọng, công phu, khoa học.
Lúc đó, tất cả chúng tôi đều có ý nghĩ là sang năm 2013, sẽ phải có các hoạt động để kỷ niệm 25 ngày mất của anh chị. Rất may mắn là ý nguyện của chúng tôi với dự kiến của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam gặp nhau, trực tiếp là NSND Tiến Thọ - chủ tịch hội, NSƯT Lê Chức - phó chủ tịch thường trực - rất ủng hộ. Kế hoạch tổ chức "Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ" đã được khởi động từ đầu tháng 5-2013. Thông báo được gửi đến các đơn vị sân khấu trong cả nước với nội dung: "Năm 2013 là kỷ niệm 25 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ (1948-1988) cùng với 2 người ruột thịt thân yêu của ông. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có vị trí rất riêng biệt trong thi ca và nhất là trong lĩnh vực sân khấu, với số lượng lớn, chất lượng cao của các kịch bản mà ông là tác giả.
Có một giai đoạn khá dài, các kịch bản của Lưu Quang Vũ đã chiếm lĩnh sân khấu cả nước, tạo ra uy tín nghề nghiệp với nhiều đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ… và nhiều đơn vị sân khấu. Nhiều vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ đã nhận huy chương vàng ở các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc và ở nước ngoài (Nga, Mỹ). Tới năm 2013, vẫn có một số đơn vị sân khấu tiếp tục dàn dựng vở diễn mới từ kịch bản của Lưu Quang Vũ.
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa - nghệ thuật ở lĩnh vực sân khấu. Lưu Quang Vũ mất đi đã để lại một khoảng trống lớn về kịch bản có chất lượng nghệ thuật cao đối với sân khấu Việt Nam đương đại.
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn và gia đình cố tác giả Lưu Quang Vũ tổ chức liên hoan các vở diễn sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của ông, để một lần nữa giới sân khấu ghi nhận và tri ân những đóng góp đặc biệt vào sự phát triển sân khấu Việt Nam đương đại của Lưu Quang Vũ".
Đồng loạt dựng vở
Ngay sau đó, một số đoàn đã liên hệ với chúng tôi để hỏi ý kiến và xin kịch bản. Mở màn sớm nhất là Đoàn Chèo Hải Phòng với kịch bản Ông vua hóa hổ. Đây là vở diễn đã được đoàn dàn dựng và biểu diễn gây tiếng vang trong dư luận.
Tại buổi làm việc của gia đình chúng tôi với lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu vào đầu tháng 6-2013, đã có 12 đơn vị đăng ký tham dự liên hoan (Đoàn Chèo Hải Phòng, Kịch Nam Định, Nhà hát Trần Hữu Trang - TP HCM, Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Trung ương, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn Dân ca Huế…). Mới đây nhất, Đoàn Kịch Công an đã xin kịch bản Người trong cõi nhớ để nghiên cứu dàn dựng.
Điều đáng lưu ý là sau một thời gian tìm hiểu, cân nhắc và lựa chọn kịch bản, Nhà hát Kịch Trung ương đã quyết định dựng lại vở Hồn Trương Ba da hàng thịt - một vở diễn tiêu biểu trong gia tài kịch mục của Lưu Quang Vũ. Một trích đoạn của vở cũng đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12.
Tôi hiểu đây là một quyết định khó khăn và có cả sự… liều lĩnh của những người chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, khi bắt tay vào dàn dựng vở diễn, ê-kíp thực hiện sẽ phải chịu áp lực rất lớn về nhiều mặt. Đây là một vở diễn được đánh giá mẫu mực từ kịch bản (Lưu Quang Vũ), đạo diễn (NSND Nguyễn Đình Nghi), âm nhạc (nhạc sĩ Phó Đức Phương), trang trí (NSND Doãn Châu) và đặc biệt là dàn diễn viên "gạo cội" với hàng loạt tên tuổi chói sáng: NSND Trọng Khôi, Trần Tiến, NSƯT Mỹ Dung, Bích Thu, Phạm Bằng, Anh Dũng…
Ngay từ khi mới ra mắt khán giả cho đến nhiều năm sau, Hồn Trương Ba da hàng thịt đã trở thành một dấu ấn đặc biệt của Nhà hát Kịch Trung ương nói riêng và nền sân khấu Việt Nam hiện đại nói chung. NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Trung ương, đã mời chúng tôi đến dự buổi giới thiệu vở diễn vào ngày 27-6. Đạo diễn Tú Mai cũng cho biết Hồn Trương Ba da hàng thịt sẽ được phục dựng lại trên cơ sở chất liệu của phiên bản vở diễn trước đây với dàn diễn viên hoàn toàn mới.
Với những gì đã có trong quá khứ và với sự chuẩn bị tích cực của các đơn vị sân khấu hôm nay, chúng tôi tin rằng những giá trị đích thực trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ sẽ tiếp tục được khơi dậy và tỏa sáng. Đó là "điều không thể mất" - như tác phẩm cùng tên của anh.
Liên hoan Sân khấu Lưu Quang Vũ dự kiến sẽ được tổ chức vào thời gian trước lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ IV (16-9-2013) và dịp kỷ niệm 25 ngày mất của vợ chồng ông (29-8-1988). Cùng với liên hoan sẽ có hội thảo khoa học "Kịch Lưu Quang Vũ với sự phát triển sân khấu Việt Nam".
|
Lưu Khánh Thơ
Theo Báo người lao động online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét