Trang Chủ

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Chuyện nhà Lê Lựu

NGHIÊM THỊ HẰNG   -Thứ Năm, 11/07/2013, 15:32 (GMT+7)
Dân gian xưa có câu : “Oai oái như Phủ Khoái xin cơm”. Giờ đây người Phủ Khoái không “oai oái xin cơm”, mà “oai oái kêu oan”. Một trong những nỗi oan của họ là đất đai, là sổ đỏ.
Đại tá, nhà văn Lê Lựu là một trong những nạn nhân đang“oai oái” kêu oan trên mảnh đất tổ tiên mẹ cha để lại.
Ngày về cố hương nước mắt nhà văn đã tuôn trào vì đất. Lê Lựu không đòi đất, không đuổi bà vợ cả ra đường, ông chỉ đòi trả lại tên mình trên mảnh đất tổ tiên cho ông là người thừa kế, trả lại tên ông chính chủ trên sổ đỏ là cái lí, sau đến cái tình, ông cho ai thì cho, dẫu biết ngày về gặp tổ tiên, ông cũng chẳng thể mang theo mảnh đất này…
Chuyện nhà Lê Lựu
Lê Lựu có 2 vợ và 3 con. Hai người vợ ấy đem lại hạnh phúc và khổ đau như thế nào chỉ mình nhà văn rõ. Những người bạn, những người quý mến nhà văn, chỉ nhìn và nghe kể lại, e sẽ không tránh khỏi thiên lệch, muốn cứu người mà hoá ra lại “thêm lửa đổ vào dầu”, nếu không lấy sợi dây pháp luật và tình cảm căng chiếu.
Chẳng ai muốn vạch áo cho người xem lưng, rồi chịu lời đàm tếu của thiên hạ.
Cực chẳng đã, tháng 3/2013 nhà văn nổi tiếng Lê Lựu gửi đơn đến Báo Người cao tuổi đề nghị giúp đỡ đòi lại ngôi nhà 2 tầng và mảnh đất 545 m2 tại xóm Trung Hòa, thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là tài sản của bố mẹ để lại, ông là người thừa kế hợp pháp, nhưng bị bà Hoàng Thị Mỹ (người vợ ông đã li hôn ngày 11/4/1974 tại bản án số 38/PT-LH) đứng tên chiếm đất thừa kế của ông.
Bà Mỹ được UBND tỉnh Hải Hưng cũ cấp sổ đỏ số 0856461 ngày 30/11/1994, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1046/QSDĐ…
Là người giải quyết đơn, cũng là đồng đội cũ của nhà văn ở Báo Trường Sơn Đoàn 559 (năm 1974), tôi đã gặp nhà văn khuyên giải. Sau lần Báo Công an đăng bài “Nhà văn Lê Lựu: Cái Tết buồn nhất trong đời người” ngày 2/2/2010, những người yêu mến nhà văn và tác phẩm của ông, đồng đội cũ, cánh nhà văn nhà báo, thấy xót xa cho thảm cảnh nhà Lê Lựu. Chỉ chuyện này thôi đã đủ lời đàm tiếu dở hay trong thiên hạ.
Nay vì chuyện đòi lại tên trên sổ đỏ mảnh đất tổ tiên để lại, rồi báo chí lại đăng bài, chuyện nhà Lê Lựu lại đủ điều đồn thổi tai tiếng cùng nổi tiếng.
Lê Lựu khóc khi nhắc đến cô con gái tên Lương.
Tôi gặp nhà văn Lê Lựu, gặp con gái ông (chị Lê Thị Lương huyện ủy viên, Trưởng phòng Giáo dục huyện), gặp Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu ngày 18/4/2013, nhờ huyện giúp đỡ, khuyên cha con, những người trong gia đình Lê Lựu hãy cùng nhau hòa giải chuyện này.
Thế nhưng huyện không giúp, gia đình không tự hoà giải được, nên nỗi đau “Về cố hương nhà văn Lê Lựu nước mắt trào vì đất”mới được đăng trên báo Người cao tuổi số 69 ngày 8/6/2013 giúp nhà văn kêu thấu "Thiên đình", để người kí số đỏ trái pháp luật cho bà Hoàng Thị Mỹ phải trả lại đất, để nhà văn Lê Lựu mến yêu của chúng ta có thể yên lòng nhắm mắt trên mảnh đất tổ tiên để lại?
May thay bài báo đăng đúng dịp Quốc hội đang họp. Chuyện nhà Lê Lựu lại một lần nữa nóng lên giữa cái nóng của nghị trường về những sai phạm những gian dối của một số lãnh đạo các trường đại học thuộc ngành giáo dục. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đã lên tiếng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về việc này.
Hoà giải nhằm mục đích chuyển tên sổ đỏ cho chị Lê Thị Lương
Sau khi Báo Người cao tuổi đăng bài “ Về cố hương, nhà văn Lê Lựu nước mắt trào về đất” luật sư của nhà văn có đơn đề nghị xã Tân Châu tổ chức hòa giải trả lại tên Lê Lựu trên phần đất nhà văn được thừa kế (hiện bà Mỹ đứng tên sổ đỏ).
Ngày 25/6/2013 cùng luật sư chúng tôi về dự buổi hoà giải. Trên đường đi Lê Lựu kể: Ngày 28/11/2009, tôi đồng ý bán nhà ngôi nhà 50 m2 quân đội phân cho
tôi ở Lý Nam Đế theo yêu cầu của vợ con. Ngôi nhà này trong thâm tâm khi qua đời tôi dành cho 2 đứa con bà vợ (hai). Dù đã sống li thân với vợ hơn 10 năm, nhưng bao giờ ngày cuối năm tôi cũng trở về ngôi nhà này vào đêm Ba mươi tết để thờ cúng tổ tiên. Tôi cũng có ý định sau này mất đi thì cho Lương (con vợ cả) phần tài sản đất đai tôi được hưởng thừa kế tại quê hương và tài sản tiền bạc những gì còn lại của tôi đều thuộc về Lương, nhưng tôi chưa thể làm giấy tờ chia tài sản cho con, vì đất đai thừa kế ở quê chưa mang tên tôi. Sau khi bán nhà tôi thường năng về quê thờ cũng tổ tiên vì ở Hà Nội tôi bán nhà rồi không còn nơi thờ cúng. Tôi cũng bỏ tiền mua đất làm nhà cho người con trai (con nuôi của bà Mỹ) để sau này khỏi có chuyện thừa hưởng đất đai của tổ tiên tôi để lại nếu vợ chồng người con nuôi cứ ở tại ngôi nhà của cha mẹ tôi để lại. Hoá giải được chuyện cho người con nuôi đi ở chỗ khác tôi đâu có ngờ chính mảnh đất tổ tiên cùng ngôi nhà tôi bỏ tiền sửa sang xây dựng lại ở quê đã bị bà Mỹ đứng tên sổ đỏ mất rồi.
Buổi hoà giải đất đai cho gia đình nhà văn Lê Lựu.
Luật sư Quang hỏi nhà văn vì sao lại để 3 ông nhà văn nhà báo đến thăm rồi ghi âm, có cả văn bản do Lê Lựu kí với những điều kiện mang về cho con gái ông có liên quan đến đất đai sổ đỏ? Giọng Lê Lựu đượm buồn ông bảo đó là nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà báo Hữu Tính, Đỗ Quang Hạnh (vốn là đàn em của tôi từ hồi còn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) hôm 20/6/2013 đến thăm tôi ở Hà Nội, họ nói rằng tuổi tôi đã cao, sức đã yếu, điều cần nhất giờ đây là sức khỏe, sống bình tâm, thanh thản để hi vọng còn có thể cầm bút viết tiếp. Tôi không mặn mà với những lời khuyên của họ, mà cởi lòng tâm sự với họ như với những người em, về nỗi đau bị người vợ cả sau li hôn chiếm đất đai thừa kế ở quê, tôi quyết “đòi lại” sổ đỏ. Họ rủ về quê chơi, tôi không về, chỉ viết vào giấy nhờ nhà báo Hữu Tính một việc có nội dung tôi muốn có “quyền trồng cây cối hoa màu (trên) mảnh đất ấy” và bà Mỹ “phải viết giấy cam đoan là không phá hoại hoặc ngăn cấm”. Vì theo lời khuyên của bác sĩ, tôi phải ăn nhiều rau quả, nên bảo các cháu ở nhà trồng rau cho tôi thế nhưng bà Mỹ cấm và tuyên bố đây là đất của bà, sổ đỏ đứng tên bà. Bà Mỹ còn không cho tôi về quê để thắp hương tổ tiên. Tôi phải đứng ngoài sân mà vái vọng vào. Người chịu nhiều bất hạnh, đắng cay như tôi còn thấy bất công thì người ngoài sẽ nhận ra tôi cay đắng thế nào?
Người ta nói mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Lê Lựu và gia đình ông không muốn thế, cả 3 người con “gà vịt” của ông cũng không muốn thế, nhưng chân lí thì chỉ có một, còn tình cảm thì có đôi đường dăm ngả.
Chuyện nhà Lê Lựu, phải nói về pháp luật trước, nhà văn đòi quyền sử dụng đất trên mảnh đất tiên tổ mình để lại là hoàn toàn đúng.
Bà Mỹ người vợ cả ông đã li hôn 40 năm trước, TAND tỉnh Hải Hưng đã tuyên: về tài sản Lê Lựu phải bồi thường có đền bù tài sản công lao cho bà Mỹ, nhưng vẫn cư trú ở lại nhà của bố mẹ Lê Lựu để lại cho nhà văn để kê khai số đỏ đứng tên mình. Thử hỏi các nhà văn, nhà báo, các nhà luật pháp, thương yêu bà Mỹ đến mấy, cũng không thể tìm ra theo điều khoản nào cho bà Mỹ được thừa kế mảnh đất của tổ tiên ông Lê Lựu để lại? Phải trả lại tên cho Lê Lựu sổ đỏ mảnh đất thừa kế của mẹ cha, theo pháp luật rồi mới đến chuyện tình cảm nhà văn thương con gái ruột của mình ra sao mà cho tặng, đấy là chuyện đằng sau bản án Lê Lựu đòi trả lại sổ đỏ đất đai.
Dẫu biết giờ đây sức khoẻ nhà văn “trời đày như thế”, dẫu biết hạnh phúc gia đình nhà văn “ nhân quả nào hay”, xin đừng chạm vào nỗi đau của con người “ cùng khổ”.
Buổi hoà giải đúng ra người ta phải phân tích việc bà Mỹ đứng tên sổ đỏ đất thừa kế của nhà văn Lê Lựu là sai, bây giờ bà Mỹ chỉ cần viết giấy chuyển tên mình thành tên Lê Lựu trên mảnh đất thừa kế của nhà văn, thế là mọi chuyện tốt đẹp, Lê Lựu khỏi phải kiện bà Mỹ ra toà lần thứ 2, phiên toà xử người gian dối chiếm đoạt đất đai tài sản của người khác trái pháp luật và chuyện nhà của Lê Lựu không phải lên báo, không phải ra toà cho thiên hạ thêm lời đàm tiếu.
Thế nhưng cả 9 thành viên đại diện cho chính quyền và các đoàn thể của xã Tân Châu với bà Mỹ, đều cố tình biến phiên hoà giải xác định rõ chủ đất đai là nhà văn Lê Lựu thành nội dung để bà Mỹ kể công nuôi con, kể tội người chồng phụ bạc.
Bà Mỹ người vợ của “Thời xa vắng”, 40 năm trước Lê Lựu đã li hôn, nay lên giọng nghĩa tình, ban ơn, mời ông về quê sống để con gái báo hiếu chăm nom. Ông có thể về chính ngôi nhà của mẹ cha để lại, nhưng là kẻ ở nhờ, vì người chủ đứng sổ đỏ hiện nay là bà Mỹ sau li hôn vẫn lưu cư ở nhờ nhà ông, nay đứng tên khai sổ đỏ chiếm đất hương hoả của nhà văn.
Lạ thay toàn bộ lời bà Mỹ, một người đàn bà nông thôn 72 tuổi thông trơn như “có mớm lời” sành sõi hơn cả luật sư, lên tiếng: “Đến như người dân thuyền chài không có đất ở, lên bờ còn được địa phương cấp đất, huống hồ tôi đã ở đất này trên 60 năm, nếu ông Lựu khăng khăng đòi đất thì đuổi tôi ra đường ư? Tôi ơn nhờ Đảng có được người con với ông Lựu, ơn nhờ Đảng con tôi được học hành, bây giờ là huyện ủy viên là Trưởng phòng giáo dục huyện, đem lại vinh danh cho gia đình. Ông Lựu không có công nuôi con, nhưng nhờ tôi nuôi mà có đứa con hiếu thảo. Nay tôi chỉ biết ơn nhờ và trông cậy vào chính quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôi, người phụ nữ bị chồng phụ bạc, ở vậy nuôi mẹ chồng, con chồng, hiếu thuận với gia đình nhà chồng cả cuộc đời…”.
Lê Lựu không nói được rành mạch trơn chu như bà Mỹ, nhưng lời ông dứt khoát, “Tôi không đòi đất, không đuổi bà Mỹ ra đường, bà Mỹ vẫn sống ở nhà này, chết thờ ở nhà này, nhưng bà Mỹ phải trả lại tên tôi trên sổ đỏ mà bà gian dối đứng tên”.
Vậy ai đó trước và trong buổi hòa giải vẫn bảo bà Mỹ đứng tên sổ đỏ là đúng, rằng “Lê Lựu bạc tình bạc nghĩa, tuổi già bệnh tật cái chết đã kề bên, đòi đất là cạn tàu, ráo máng. Lê Lựu không thể cướp sạch công lao bà Mỹ bằng việc đòi lại sổ đỏ. Nói cái lí, cái phải cho mình thì cũng phải nghĩ đến cái lí cái phải của người vợ đã 60 năm gắn bó với mảnh đất này, nay cũng tuổi cao, sức yếu, phải ra đường ở ư?”, là oan sai cho Lê Lựu mất rồi.
Những lời bà Mỹ nói tại buổi hoà giải sao giống in nguyên như lời bà Mỹ và chị Lương con gái Lê Lựu than phiền với nhà báo Hữu Tính rằng “Thực tế tôi chưa bao giờ ngăn cản ông và đến nay tôi vẫn cam kết và mong muốn ông Lê Lựu về cùng con cháu cúng giỗ tổ tiên, trồng rau ở vườn, không bao giờ tôi ngăn cản”.
Chị Lương nói rằng, gia đình luôn tha thiết mong ông về quê nhà tĩnh dưỡng, và còn tờ “Biên bản họp gia đình bàn về quyền sử dụng đất thổ cư” ngày 18/4/2012 của gia đình ông Lê Lựu tổ chức tại thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên, có đủ chữ kí của mọi người trong gia đình, hàng tộc và con dấu chữ kí của người lãnh đạo chính quyền xã huyện.
Lê Lựu nói: “Tôi không nói về quyền sử dụng đất thổ cư mà nói về quyền sở hữu đất thổ cư của tổ tiên tôi để lại. Biên bản ấy có chữ kí của tôi nhưng nội dung thì do mẹ con bà Mỹ soạn thảo. Biên bản thì thế nhưng bà Mỹ có thực hiện đâu, tôi về nhà vẫn bị cản trở. Thế nên tôi phải đòi lại quyền sở hữu đất đai thừa kế của tôi, đó là sự thật đúng pháp luật. Báo Người cao tuổi đã viết đúng”.
Cán bộ tư pháp xã ông Lê Văn Hải (anh trai chồng chị Lương) cũng như mọi thành viên trong ban hoà giải đều nói: “Bây giờ ông bà già rồi, chết cũng chẳng mang được đất đai đi thế thì tên ai cũng được, trước sau cũng chuyển tên cho chị Lương”.
Bà Mỹ không đồng ý vì sợ chuyển tên cho Lương ngộ nhỡ Lương lại đuổi bà ra khỏi nhà, còn nhà văn Lê Lựu chua chát “Tôi là người được hưởng thừa kế, tôi chưa có tên chủ sở hữu thì có gì để chuyển đất cho Lương ?”.
Vậy là kịch đã hạ màn. Núp sau vụ việc bà Mỹ đứng tên chiếm đất đai tổ tiên để lại cho nhà văn Lê Lựu là người con gái danh giá của nhà văn đã dựng lên màn kịch để mẹ đứng tên tài sản đất đai của nhà văn Lê Lựu ở quê, rồi một khi bà Mỹ mất đi, tài sản này sẽ thuộc về Lương.
Éo le thay bà Mỹ lại có người con nuôi, thế nên mới ép bà Mỹ phải chuyển tên cho Lương.
Cũng như thế vì không muốn nhà văn chia tài sản ở quê cho con vợ hai hoặc các cháu, nên Lương đã mượn cái ban hoà giải ở làng quê ép Lê Lựu phải chuyển tên nhường tài sản thừa kế cho mình.
Buổi hoà giải bất thành, nhà văn sẽ đệ đơn ra toà, nhưng màn kịch đất đai nhà Lê Lựu thì đã hạ màn.
                                                                                        Theo nongnghiep.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét