Trang Chủ

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Đột quỵ và những điều cần biết: Phần 3: Biến chứng sau đột quỵ và cách phục hồi sau đột quỵ.

Đột quỵ và những điều cần biết:


Kỹ thuật đặt stent động mạch cảnh. (nguồn: Khoa A9-BV Bạch Mai)
(VOV) - Phục hồi diễn ra phần lớn trong 3 - 6 tháng đầu… Bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị liệt vận động nặng.
Làm thế nào để phòng tránh được các biến chứng sau đột quỵ là vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ quan tâm. Theo TS Mai Duy Tôn, Khoa Hồi sức Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, người bị đột quỵ thường gặp phải những vấn đề sau đây:
Loét da do bất động
Triệu chứng này thường gặp ở các bệnh nhân bị liệt vận động nặng hoặc hôn mê sau đột quỵ. Việc tập vận động sớm, thay đổi tư thế nằm của bệnh nhân thường xuyên (từ 1 – 2 giờ) và sử dụng các loại nệm có bơm hơi có tác dụng tốt trong việc hạn chế biến chứng này.
Viêm phổi, ho hít sặc
Đây là nguyên nhân có thể gây tử vong sau đột quỵ. Nó thường gặp ở các bệnh nhân bị hôn mê, hoặc mất chức năng nuốt. Sau khi đánh giá chức năng nuốt, thầy thuốc có thể chỉ định đặt ống nuôi ăn khi cần thiết. Đối với các bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt lâu dài, việc mở dạ dày ra để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày qua thành bụng có tác dụng hạn chế nguy cơ viêm phổi do hít sặc với độ an toàn cao.
Khi cho ăn qua đường ống, dung dịch dinh dưỡng nên được truyền nhỏ giọt qua ống nuôi ăn, cần cho bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao, và duy trì tư thế này sau khi ăn ít nhất 1 giờ sau đó.
Phục hồi vận động sau đột quỵ
Hồi phục sau một cơn đột quỵ là một quá trình xảy ra tự nhiên. Một phần ba bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi các chức năng vận động một cách hoàn toàn, 1/3 cải thiện chức năng vận động 1 phần, và 1/3 còn lại không có cải thiện.
Quá trình phục hồi vận động xảy ra phần lớn trong 3 – 6 tháng đầu, và có thể tiếp tục cho đến 2 năm hoặc hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị liệt vận động nặng. Sau đột quỵ, nên bắt đầu điều trị phục hồi các chức năng vận động tại thời điểm sớm nhất khi có thể.
Mục tiêu của việc tập phục hồi chức năng với sự trợ giúp của kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bao gồm:
-Phục hồi các chức năng vận động tại phần cơ thể bị liệt: tập ngồi, đứng, đi bộ…
-Phục hồi các chức năng khác: ăn uống (chức năng nuốt), ngôn ngữ giao tiếp, tự thay quần áo, tắm rửa…
-Cải thiện các rối loạn về mặt tâm thần, cảm xúc.
Tái phát sau đột quỵ
Tỷ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát sau đó. Để làm giảm mức độ tái phát đột quỵ, người bệnh cần uống thuốc đúng theo toa bác sĩ và đi tái khám đều đặn. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng tái phát có thể giảm thiểu tối đa bằng chế độ điều trị thích hợp, liên tục, và được duy trì một cách lâu dài.
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể điều chỉnh với chế độ điều trị hợp lý:
-Cao huyết áp
-Hút thuốc lá
-Bệnh tim mạch
-Nghiện rượu
-Béo phì
-Tiểu đường
-Sử dụng thuốc ngừa thai
-Tình trạng căng thẳng (stress).
Làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ bằng cách nào?
Có nhiều cách để có thể làm giảm nguy cơ tái phát của đột quỵ. Trong đó là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sống. Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ là cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường và hút thuốc lá.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, tăng hàm lượng mỡ trong máu cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa. Các yếu tố nguy cơ này sẽ được giảm bớt một cách tối đa bằng các thuốc điều trị thích hợp và thay đổi lối sống.
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp ở mức 120/80mmHg là trị số bình thường. Được gọi là cao huyết áp khi huyết áp cao hơn 140/90 mmHg. Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ rất cao.
Bệnh nhân bị cao huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 – 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường. Cao huyết áp làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch máu, gây tăng áp lực lên thành mạch máu, và có thể làm vỡ mạch máu.
Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress, và uống các thuốc thích hợp. Cần lưu ý rằng các thuốc huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Không nên tự ý ngưng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Nếu cao huyết áp được kiểm soát tốt, sẽ làm giảm được 38% nguy cơ đột quỵ và giảm 40% nguy cơ tử vong gây ra do đột quỵ.
Bệnh tim
Là nguy cơ quan trọng thứ hai sau cao huyết áp, bệnh lý tim nguy hiểm nhất liên quan đến đột quỵ là rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng co bóp bất thường của tâm nhĩ trái. Ở bệnh nhân rung nhĩ, tâm nhĩ trái co bóp nhanh gấp 4 lần so với các buồng tim còn lại. Điều này dẫn đến sự bất thường của dòng chảy trong cách mạch máu, tạo điều kiện thành lập các cục huyết khối trong buồng tim và nhanh chóng di chuyển đi nơi khác, có thể gây tắc nghẽn các mạch máu não.
Sử dụng thuốc kháng đông lâu dài có thể làm giảm 67% nguy cơ gây ra đột quỵ tái phát của rung nhĩ.
Tiểu đường
Khi bệnh nhân có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc phải đột quỵ sẽ tăng gấp 3 lần. Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng của tiểu đường.
Tăng cholesterol trong máu
Tăng cholesterol trong máu có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng của cholesterol lên thành của các mạch máu, từ đó tạo thành các mảng xơ vữa. Kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (kiêng mỡ, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol), tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Ngưng hút thuốc lá
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất nguy hiểm của đột quỵ. Thuốc lá làm tăng thêm quá trình xơ vữa mạch máu và các chất gây đông máu (như fibrinogen). Việc ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ tái phát.

Sử dụng thuốc ngừa thai
Các thuốc ngừa thai, đặc biệt những loại chứa hàm lượng estrogen cao, có khả năng làm tăng nguy cơ tạo huyết khối. Bệnh nhân có thể tham khảo với bác sĩ sản khoa để có cách thay đổi phương pháp ngừa thai khác nếu bệnh nhân có kèm theo các nguy cơ đột quỵ khác.
Giảm stress
Cuộc sống với nhiều áp lực thường xuyên làm tăng huyết áp và có thể dẫn đến đột quỵ. Biết giải tỏa các áp lực trong công việc, tạo một cuộc sống lành mạnh bên người thân và gia đình có thể là phương pháp giảm stress hữu hiệu nhất.
Thay đổi chế độ ăn
Chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và muối có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ Mai Duy Tôn cũng đưa ra lời khuyên là các bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý như sau:
-Tránh ăn quá nhiều chất béo: Các chất béo, cholesterol có thể làm nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Hạn chế sử dụng các dầu mỡ khi nấu ăn, nên bỏ phần mỡ và da của các loại thịt, dùng các thức ăn có hàm lượng chất béo, thức ăn chế biến bằng cách nướng hay hấp tốt hơn chiên xào, không ăn quá 3 quả trứng trong một tuần.
-Giảm muối: ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp. Không sử dụng muối trên bàn ăn thêm vào thức ăn đã được chế biến.
-Hạn chế uống rượu: uống nhiều bia, rượu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nên hạn chế việc sử dụng các loại bia rượu, đặc biệt khi bệnh nhân có tình trạng cao huyết áp kèm theo.
Giảm cân
-Tình trạng béo phì có liên quan đến các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Duy trì trọng lượng vừa phải bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ độ quy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét