Trang Chủ

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn

Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn

VOV.VN -Tổng Thanh tra Chính phủ nhìn nhận số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng.
Ngày 18/7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước”. Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp điều hành phiên giải trình. Tham dự phiên giải trình có Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan của Quốc hội.
Báo cáo tại phiên giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Tham nhũng trên một số lĩnh vực từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp với những biểu hiện tinh vi, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước như: Lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp…
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng, chủ yếu ở cấp cơ sở.
Số vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý qua kiểm tra, thanh tra còn ít. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng có liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Tính chất các vụ việc tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi về việc ít phát hiện được hành vi tham nhũng qua hoạt động của các cơ quan hành chính.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng: “Phát hiện tham nhũng ít có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, tội tham nhũng là tội ảnh. Chứng minh hành vi tham nhũng rất khó. Thứ hai, chủ thể tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có khả năng che dấu và có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi vi phạm. Thứ ba, thời gian thanh tra ít, hàng năm thanh tra nhiều cuộc nên lực lượng và trình độ cán bộ cũng không chuyên sâu”.
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Công tác thanh tra hướng tới nhiều mục tiêu, nội dung chứ không riêng chỉ phát hiện và xử lý vi phạm. Ngành thanh tra đã chỉ đạo trong hoạt động thanh tra phải quan tâm phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời phát hiện sai phạm đến đâu sẽ chuyển xử lý đến đó không chờ kết luận thanh tra.
Cũng trong phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với ngành Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc để tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực có trách nhiệm kiểm tra và  việc kiểm toán nhiều nhưng ít phát hiện tham nhũng.   
Trả lời vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho rằng: “Trong lực lượng kiểm toán có những trường hợp tiêu cực, còn một số cán bộ chưa làm hết chức trách nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao. Tại kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, Đảng bộ Kiểm toán đã làm rõ vấn đề này. Lãnh đạo chỉ đạo có những quy định rõ ràng về chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu, trong đó quy định rõ trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan”.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình tham nhũng hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng mặc dù đã được quan tâm nhưng công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị:“Chống tham nhũng ở Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập. Đây là vấn đề lớn, lâu dài, cho nên đầu tiên tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan tư pháp đều làm việc này. Hệ thống bộ máy Nhà nước và cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc. Đồng thời việc chống tham nhũng phức tạp khó khăn như Trung ương đã xác định cho nên quyết tâm chính trị phải cao”.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của thực trạng chậm phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong các cơ quan hành chính Nhà nước là thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thường xuyên của người đứng đầu, trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác; cơ chế để quy trách nhiệm khi có vi phạm, tham nhũng xảy ra chưa được củng cố và tăng cường; cơ chế xin – cho là kẽ hở để tham nhũng phát sinh rất chậm được khắc phục.
Chủ  nhiệm Ủy Ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong tình hình mới, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, tất cả cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị cần biến quyết tâm, chính trị thành những hành động cụ thể, tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét