Theo các chuyên gia kinh tế, gói tín dụng 50.000 tỉ đồng mới ra đời chỉ dành cho doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS), chứ không phải dành cho người dân. Ngược lại, nếu gói tín dụng này không được sử dụng hiệu quả sẽ dễ gây ra tình trạng độc quyền, hình thành lợi ích nhóm.
Dễ hình thành lợi ích nhóm
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, bản chất của gói 50.000 tỉ đồng không phải dành cho người dân mà dành cho những DN nào có liên kết với đơn vị thi công, đơn vị vật liệu xây dựng trong cùng 1 nhóm, cùng 1 hệ thống.
Cho nên, DN vật liệu xây dựng hay nhiều DN thi công mà không cùng hệ thống này sẽ không được chọn, dẫn đến nhiều khả năng mức giá đưa ra sẽ cao.
"Mấu chốt để gói 50.000 tỉ đồng thành công hay không là ở chỗ giá vật liệu xây dựng, giá thi công phải rẻ, hoặc ít nhất là phải bằng với giá thị trường, để các DN trong nhóm có thể lựa chọn mà chi phí xây dựng lại thấp hơn thị trường bên ngoài" - ông Đực cho biết.
Cũng theo ông Đực, nếu không có sự giám sát chặt chẽ gói 50.000 tỉ thì sẽ dẫn đến việc độc quyền thi công và độc quyền vật liệu xây dựng. Bởi vì các DN thuộc cùng một nhóm hay cùng một hệ thống với nhau mới được hưởng gói 50.000 tỉ, mới được mua vật liệu xây dựng hay thuê các đơn vị thi công trong nhóm này. Nếu như các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng và thi công đưa ra giá đắt hơn ngoài thị trường thì đồng nghĩa với việc độc quyền và gói này sẽ thất bại.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng đặt câu hỏi, Công ty Thiên Thanh là đơn vị trung gian, cung cấp vật liệu xây dựng để giải ngân gói tín dụng này. Như vậy, liệu các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng khác có được tham gia vào nhóm này không?
"Nếu chỉ có một hay vài đơn vị được phép tham gia cung ứng vật liệu là sự cạnh tranh không công bằng, không phải là thị trường và sẽ hình thành lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, nếu cho doanh nghiệp vay nhưng sản phẩm làm ra không bán được thì ngân hàng cũng không thu hồi được vốn và khoản vay đó trở thành nợ xấu" - ông Thành cho biết thêm.
Đừng nghĩ ngân hàng đang làm... từ thiện
Nhìn nhận vấn đề ở một góc khác, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho rằng, việc rót vốn vào thị trường BĐS vào lúc này là một tín hiệu tốt, sẽ giúp kéo sự phát triển của thị trường vật liệu xây dựng khi xi măng, sắt thép đang rất yếu, đồng thời cũng rất tốt cho nền kinh tế.
"Tuy nhiên, đây không phải là một hoạt động mang tính từ thiện như nhiều người nói, mà là hoạt động kinh doanh rất bình thường của ngân hàng. Vì ngân hàng là phải cho vay. Mà ngân hàng thì đang thừa tiền, không biết cho ai vay, đem mua trái phiếu Chính phủ cũng quá nhiều rồi, các doanh nghiệp kinh doanh khác cũng có nhu cầu vay nhưng không phải là nhiều lắm... cho nên phải tìm chỗ để rót tiền thừa. Do nhận thấy thị trường BĐS có khả năng hồi phục nên họ rót vào đấy. Đây là một nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng, vì lợi ích, chứ không phải là thiện chí hay từ thiện gì" - ông Liêm nhận định.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Liêm, các ngân hàng cũng cần phải cẩn trọng trong việc cho DN BĐS vay vốn từ gói này. Bởi nếu để DN rót hết tiền vào đầu tư phân khúc nhà ở cao cấp ở thời điểm hiện nay là không nên.
"Nhu cầu của phân khúc này không có hoặc rất thấp. Nếu DN hoàn thiện phần xây dựng mà không bán được thì lấy gì mà trả nợ cho ngân hàng? Tôi không nói rằng tất cả loại nhà ở cao cấp thì không cho vay, vì cũng có những dự án nhà ở cao cấp ở vào những vị trí mà người dân có nhu cầu. Nhưng có nhiều dự án nhà ở cao cấp ở xa, mãi tận Hoài Đức (Hà Nội) chẳng hạn, dù rẻ cũng chẳng mấy người mua" - ông nói.
Duyên Duyên
Theo motthegioi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét