Trang Chủ

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Bơm 50.000 tỉ đồng cho bất động sản



9 ngân hàng thương mại hợp tác đưa ra gói tín dụng 50.000 tỉ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng qua mô hình liên kết 4 nhà

Theo các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay là thiếu niềm tin: người dân không tin chủ đầu tư, ngay các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng giữa ngân hàng (NH) và chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng cũng không tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy, một mô hình liên kết giữa các đơn vị đã được NH TMCP Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra vào chiều 25-3 tại TP HCM.
Đưa vốn đúng địa chỉ
Vụ trưởng Vụ Tín dụng NH Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh cho biết thời gian qua lĩnh vực xây dựng cơ bản và nhà ở, BĐS rơi vào cảnh trầm lắng, gặp nhiều khó khăn. Giá BĐS đã giảm và thị trường còn nhiều dự án dở dang không có vốn để tiếp tục triển khai. Niềm tin vào thị trường đã giảm sút: người mua nhà không dám đóng tiền tiếp vào dự án; tranh cãi pháp lý, kiện tụng giữa chủ đầu tư và khách hàng xảy ra không ít; nợ nần trong xây dựng cơ bản rất nhiều… Làm sao để kiểm soát được dòng tiền từ NH vào dự án là vấn đề khó khăn.
Với mô hình liên kết 4 nhà, thị trường bất động sản và ngành vật liệu xây dựng có thể bớt khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH
Với mô hình liên kết 4 nhà, thị trường bất động sản và ngành vật liệu xây dựng có thể bớt khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện nhiều dự án BĐS dở dang, chỉ cần bỏ thêm vài trăm tỉ đồng là hoàn thành nhưng với cách làm hiện nay, chủ đầu tư vay vốn NH chưa chắc để làm dự án nên khó hoàn thành. “Sáng kiến liên kết 4 nhà (gồm NH, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng) được đưa ra nhằm tạo lập lại niềm tin của thị trường, giúp dòng tiền đi đúng hướng. Vốn từ NH thương mại sẽ được bơm trực tiếp vào dự án vay vốn, được kiểm soát chặt chẽ” - ông Mạnh khẳng định.
Nói về mô hình liên kết này, ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB, cho biết các thành viên trong chuỗi liên kết 4 nhà cùng ký một hợp đồng để vốn NH được bơm trực tiếp vào dự án. Với những doanh nghiệp có dự án BĐS dở dang, NH có thể khoanh nợ cũ rồi cấp tiếp tín dụng để hoàn thành, bán ra thị trường góp phần giảm tồn kho. Tập đoàn Thiên Thanh sẽ là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh vật liệu đầu tiên trên cả nước. “Khi có một nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng cho các bên sẽ giúp giảm chi phí, tổng số vật liệu cung cấp cho dự án được chiết khấu nhiều hơn, giúp giảm giá thành BĐS, giải phóng hàng tồn kho…” - đại diện Tập đoàn Thiên Thanh cho biết.
Không dừng lại ở 50.000 tỉ đồng
Tại hội nghị, VNCB với vai trò đầu mối cùng 8 NH thương mại khác (Agribank, BIDV, Sacombank, Oceanbank, MB, ACB, LienvietPostBank, VP Bank) tham gia ký kết gói tín dụng 50.000 tỉ đồng qua mô hình 4 nhà. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Viết Mạnh, cùng với mô hình hợp tác liên kết giữa các NH, bản thân NH Nhà nước cũng đang thí điểm chuỗi liên kết 4 nhà với gói tín dụng 70.000 tỉ đồng do một số NH thương mại triển khai. Khi đó, sẽ có khoảng 120.000 tỉ đồng được bơm ra thị trường nhằm hỗ trợ ngành xây dựng và BĐS.
Trên thực tế, mô hình liên kết chuỗi sản phẩm đã được một vài NH thương mại triển khai nhưng quy mô nhỏ lẻ. Nay với sự liên kết của nhiều NH, kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng và BĐS. Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng, mô hình liên kết 4 nhà giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn NH dễ hơn, đưa thẳng vốn đến dự án cũng giúp NH không phát sinh nợ xấu. Đối với một công trình xây dựng, 70% nguồn vốn dành cho vật liệu xây dựng nên khi dự án được triển khai sẽ hỗ trợ thị trường này.
Không phải gói ưu đãi
Lãnh đạo Bộ Xây dựng và NH Nhà nước khẳng định đây không phải gói tín dụng do ngân sách nhà nước bỏ ra hoặc được ưu đãi lãi suất như gói 30.000 tỉ đồng. Đây là vốn tín dụng của các NH liên kết với nhau, cho vay theo quy định và căn cứ vào hiệu quả của từng dự án. Điều kiện, thủ tục vay vốn và lãi suất cho vay như đối với các lĩnh vực khác.


THÁI PHƯƠNG - HỒNG THÚY



Theo nld.com.vn

                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét