Trang Chủ

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

PGS Văn Như Cương bàng hoàng khi thấy cô giáo chui vào túi nilông

                                                                                                          Đình Phong 

“Quá đáng thương cho học sinh, cô giáo phải chui vào túi nilông qua suối để đến trường. Kinh khủng, đáng sợ quá!” – PGS.TS Văn Như Cương nói.

Người xem không khỏi rùng mình, xót xa khi xem những hình ảnh các thầy cô, học sinh ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) chui vào bao nilông, ngồi lọt thỏm trong bao trùm kín đầu và các thanh niên trai bản biết bơi túm gọn miệng bao kéo bơi qua sông trong mùa nước lũ.
Thật khó tưởng tượng được đó là cách mà các cô giáo, học sinh nơi đây đến trường để học lấy cái chữ, con số. Trả lời chúng tôi chiều 17/3, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho rằng đó là chuyện bình thường ở địa phương bởi còn rất nhiều địa phương còn khó khăn hơn thế.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh xót xa khi xem clip cô giáo, học sinh chui vào túi ni lông qua sông.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh xót xa khi xem clip cô giáo, học sinh chui vào túi ni lông qua sông.
Là một người nhiều năm gắn bó, tâm huyết với ngành giáo dục,
hiện đang là Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội, PGS.TS Văn Như Cương kêu lên: “Thật kinh khủng, quá đáng sợ, quá thương cho cô giáo, học sinh Sam Lang! Chuyện đó xảy ra chết người như chơi, nếu túi ni lông thủng 1 lỗ thôi thì nước sẽ vào, tính mạng các cô, các em sẽ ra sao? Nguy hiểm quá!
Tôi khâm phục tinh thần bám trường bám lớp của những thầy cô Sam Lang, đó là những tấm gương tâm huyết với nghề. Không chỉ dạy dỗ mà còn đến tận nhà vận động học sinh đến trường, chưa kể đường xá xa xôi, nguy hiểm gấp trăm lần dưới đồng bằng, thành phố…”
Ông đặt câu hỏi, tại sao những người dạy chữ, giáo dục các em khó khăn, khổ cực như thế mà không được ai quan tâm? Địa phương không có tiền, không làm được đò, thuyền vậy sao không báo cáo lên huyện, tỉnh?
“Chuyện như thế phải biết sớm hơn để giải quyết, chứ không thể đợi báo chí phản ánh lãnh đạo, cấp chính quyền mới vào cuộc. Chuyện nguy hiểm như thế mà coi đó là bình thường sao? Cũng giống như tai nạn sập cầu Chu Va 6 ở Lai Châu, trước đó chúng ta im lặng, sau đó chúng ta đợi có việc xảy ra mới xem lại, sửa, kiểm tra…Phải chăng “mất bò mới lo làm chuồng”?”, PGS.TS Văn Như Cương bức xúc nói.
Cô giáo, học sinh chui vào túi ni lông để sang sông đến trường mùa lũ.
Cô giáo, học sinh chui vào túi ni lông để sang sông đến trường mùa lũ.
Trả lời PV Trí Thức Trẻ, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho rằng hiện tượng này không phải là hiếm ở trên địa bàn và do không có kinh phí nên không thể xây dựng được cây cầu kiên cố cho người dân đi lại, giao thông.
Tuy nhiên, PGS.TS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Chúng ta tốn nhiều tiền xây chùa, chiền, tượng đài, một năm có mấy trăm lễ hội trong khi đó chuyện nhỏ như thế này không làm được? Tôi cho rằng phải xem lại, chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề an sinh, đời sống của nhân dân.
Trong khi nhiều nơi xây nhà vệ sinh hàng tỷ, xây trường hoành tráng mấy trăm tỉ thì ở vùng sâu xa tôi thấy lớp học đúng như cái chuồng bò. Có công bằng không? Chỉ cần vài tỷ là lớp học trên vùng cao đã ấm hơn rồi, thầy cô, học sinh có cầu để đi rồi”.
Được biết, sau khi đăng tải clip về cô giáo chui vào túi ni lông qua sông đến trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng quyết định xây dựng chiếc cầu tại nơi đó.
“Đó là điều đáng mừng, tôi hoan nghênh quyết định của ông. Tuy nhiên tôi nghĩ lãnh đạo Bộ GD&ĐT nên có những chuyến đi “vi hành” thường xuyên tại các địa phương, tìm hiểu thực tế xem đời sống dạy và học ở nơi khó khăn như thế nào. Làm sao việc giáo viên phải đi dạy bằng việc ngồi trong túi nilông đi qua sông như vậy mà lãnh đạo không biết? Hết sức vô lý!
Sống trong thời kháng chiến thì ăn “bo bo” là chuyện bình thường, cũng giống như người dân sống trong hoàn cảnh đó không có cách nào khác thì coi là bình thường. Nhưng các cấp lãnh đạo bên trên không thể coi đó là bình thường được!”, PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ.
                           
                                   Nguồn Tri thức trẻ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét