- Sáng 18-4, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết vừa có thêm một trường hợp tử vong sau khi mắc Hội chứng Viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân (hay còn gọi "bệnh lạ").
Bệnh nhân là cháu Phạm Thị Huy (14 tuổi), ngụ thôn Làng Dút, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Ngày 8-4, cháu Huy được đưa đến Trung tâm y tế huyện Ba Tơ trong tình trạng xuất hiện những triệu chứng lâm sàng như: Dày sừng bàn tay, bàn chân, các kẽ ngón chân rỉ dịch, hồng ban hai bên gò má dạng cánh bướm. Gan tổn thương nhẹ, men gan tăng.
Tại đây, bệnh nhân Huy được chẩn đoán mắc Hội chứng Viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.
Một bệnh nhân mắc bệnh lạ năm 2013
Đến ngày 14-4, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Nhi
Đồng 2 (TP HCM) để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, do bệnh quá nặng, đến khoảng 9 giờ ngày 17-4, bệnh nhân tử vong. Đến sáng 18-4, cháu Huy được đưa về nhà mai táng.
Theo con số thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi, kể từ khi “bệnh lạ” được phát hiện ca đầu tiên vào tháng 4-2011 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 231 trường hợp mắc bệnh tại 7 xã của hai huyện Ba Tơ và Sơn Hà khiến hàng chục người tử vong.
Riêng trong năm 2014 có 2 trường hợp mắc mới sau một thời gian bệnh tạm lắng (một trong hai trường hợp là cháu Phạm Thị Huy). Đồng thời, trường hợp của cháu Huy cũng là ca nhiễm bệnh đầu tiên tại xã Ba Nam. Trước kia, những trường hợp mắc “bệnh lạ” nhiều nhất thuộc thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của “bệnh lạ” là do người dân sử dụng gạo mốc vì trong gạo mốc có vi nấm Aflatoxin mang độc tố. Đồng thời, bộ này cũng tuyên bố đẩy lùi thành công “bệnh lạ” là một trong những thành tựu nổi bật của Bộ Y tế trong năm 2012.
Các chuyên gia y tế lấy mẫu gạo mốc nghi là nguyên nhân gây bệnh lạ
Tuy nhiên, trái ngược với những kết luận về nguyên nhân gây “bệnh lạ”, rất nhiều người dân lẫn chính quyền địa phương đều tỏ ra không tin tưởng vào kết luận do sử dụng gạo mốc. Nguyên nhân do tập tục ăn gạo mốc của người đồng bào miền tây Quảng Ngãi đã có từ hàng trăm năm qua và không phải một vài địa phương ăn gạo mốc mà rất nhiều nơi khác cũng sử dụng.
Tử Trực
Theo nld.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét