Xem thêm:
Mất hết đồ sau khi nhảy xuống sông cứu người tự tử
Công Luận
Ở Việt Nam bây giờ, làm việc tốt đang ngày càng trở nên “xa xỉ” trong nhận thức của người dân. Vì…
Một ngày ở Việt Nam – đất nước có tới 90 triệu dân, xảy ra không biết bao nhiêu vụ việc bất bình lớn nhỏ hay những hoàn cảnh khó khăn cần được cứu giúp. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Khi một vụ việc xảy ra như chồng đánh vợ giữa phố, ngã xe tai nạn… chỉ sau ít phút, sẽ có rất đông người vây quanh đứng nhìn. Họ xì xào bàn tán, quay clip… nhưng chỉ có rất ít người sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ nạn nhân.
Để rồi sau khi sự việc lan ra trên các mặt báo, cộng đồng mạng sẽ
bất bình mà rằng: “Sao người xung quanh đó vô tâm vậy, tại sao không giúp đỡ” hay “Buồn cho sự vô tâm của người Việt”… Nhưng nhiều người quên rằng tất cả đều có nguyên nhân của nó.
Ở thành phố Huế ngày hôm qua đã xảy ra một câu chuyện mà ai nấy nghe xong cũng phải bất bình. Anh Nguyễn Văn Tuân chỉ vì muốn cứu giúp một cô gái nhảy cầu đã vội vàng bỏ lại tư trang, xe máy… cho người đứng cạnh trông giùm. Thế nhưng, khi việc tốt làm xong, anh Tuân quay lên bờ thì chẳng còn thấy bóng dáng người đàn ông kia cùng quần áo, ví tiền và giấy tờ tùy thân của anh. Nhìn vẻ mặt dở khóc dở cười của người đàn ông sau khi làm việc tốt, nhiều người chỉ biết chép miệng, lắc đầu. Họ buồn thay cho anh, cho sự tin tưởng không đặt đúng chỗ và trên hết là hai chữ "Tình người".
Anh Tuân mất sạch tư trang, giấy tờ, xe máy... chỉ vì cứu người
Hay như câu chuyện từng được chia sẻ rất nhiều trang mạng xã hội về một chàng thanh niên đã trả giúp một cô gái tiền tàu xe. Sự giúp đỡ vô tư ấy cũng được đáp lại, tuy nhiên lại bằng một cách mà có nằm ngủ, anh cũng chẳng thể nào mơ thấy. Thay vì nói lời cảm ơn anh, cô gái lại tuyên bố xanh rờn: "Ngu thì chết chứ bệnh tật gì!" Nếu bạn là người thanh niên đó, bạn có nghĩ đến việc giúp đỡ một người khác nữa hay không?
Đó chỉ là hai trong số những câu chuyện có thật tại Việt Nam về “cái giá phải trả” cho lòng tốt. Và cũng từ những câu chuyện như thế, người Việt bỗng nảy sinh ra một tư duy, một vết hằn trong tư tưởng rằng “việc ai người đấy lo” và “không nên can thiệp vào những chuyện không phải là của mình”.
Điều đó đã lý giải nguyên nhân khiến cô gái trên cầu Chương Dương bị cướp chặn đường nhưng không được giúp đỡ. Những lời hô hoán, cầu xin trong cơn hoảng loạn của cô không đủ sức níu chân những người đi đường. Họ lạnh lùng lướt qua cô, giương mắt nhìn người phụ nữ tội nghiệp bị tên cướp ra tay đánh đập. Mãi cho đến khi vụ việc có dấu hiệu ngày một xấu đi thì mới xuất hiện một người ra tay can thiệp.
Trong xã hội vẫn luôn có những người tốt, sẵn sàng làm việc thiện. Nhưng theo thời gian, có vẻ như số lượng đó đang ngày một ít dần. Còn với những người chỉ biết đứng nhìn, không phải bản tính lương thiện trong con người họ đã biến mất. Đơn giản chỉ là họ cảm thấy do dự, ngại đụng chạm hay thậm chí là không ít người đang có suy nghĩ “chỉ có ngu mới đi làm người tốt…”
**Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả
Theo Tri thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét