Trước việc Bộ Y tế không công bố dịch sởi, GS Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc BV Nhi T.Ư đã đề nghị: Đừng ngần ngại công bố dịch sởi khi đã có dịch. Vậy vì lý do gì mà Bộ Y tế không công bố dịch sởi khi mà số trẻ tử vong đã lên đến hơn 100 trường hợp và đang trở thành nỗi lo sợ của nhiều cha mẹ.
108 ca tử vong chưa phải con số cuối cùng?
Cách đây 1 tuần, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng TS. Trần Đắc Phu công bố bệnh sởi hiện không có gì bất thường, vẫn trong tầm kiểm soát. Với hơn 6.600 trường hợp sốt phát ban trong đó 2.500 trường hợp đã chẩn đoán mắc sởi từ đầu năm đến nay ở 59 tỉnh, thành cả nước, 25 ca đã tử vong do sởi biến chứng hoặc do biến chứng viêm phổi sau mắc sởi… là những con số về bệnh sởi được công bố.
Tuy nhiên chiều 15.4, khi trực tiếp vào BV Nhi T.Ư thị sát tình hình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo chính thức tình hình dịch sởi. Khi đó, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra một con số “giật mình” về trẻ tử vong.
Đến ngày 15.4 đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng sau sởi, trong đó có 103 trẻ tử vong tại BV Nhi T.Ư. Số ca tử vong này chưa tính các trẻ bệnh nặng xin về và số tử vong do sởi tại các địa phương. Có phải Bộ Y tế đang cố giấu dịch nên không sớm công bố con số tử vong do sởi?
Dịch sởi bất thường?
Bộ Y tế có vẻ như làm ngơ với những lời kêu cứu, cảnh báo của các BV, các chuyên gia y tế rằng: Bệnh sởi năm nay có quá nhiều bất thường. Trước những thông tin này GS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc BV Nhi T.Ư đã không ngần ngại đưa ra những bất thường về tình hình bệnh sởi.
GS Liêm đã làm phép so sánh giữa dịch sởi và dịch cúm gia cầm và kết luận: Số bệnh nhân mắc sởi, số bệnh nhân tử vong do sởi, đặc biệt là trẻ em cao gấp nhiều lần so với số người tử vong do cúm gia cầm. Vì thế có thể nói dịch sởi đang nguy hiểm hơn dịch cúm gia cầm.
Tốc độ lây lan từ người sang người của bệnh sởi rất cao và nhanh trong khi lây từ người sang người ở cúm gia cầm chưa có.
Số địa phương có bệnh nhân mắc bệnh sởi cũng nhiều hơn so với dịch cúm gia cầm…Trong khi đó vào cuối năm 2003 khi có một số bệnh nhi chết do viêm phổi không đáp ứng với điều trị, qua xét nghiệm đã phát hiện nhiễm cúm gia cầm và ngay sau đó dịch cúm gia cầm trên người đã được công bố. Vậy vì sao đến lúc này dịch sởi chưa được công nhận là dịch?
GS Liêm cho rằng đừng ngần ngại công bố dịch khi đã có dịch. Xét cả về 3 phương diện mức độ lây truyền, khả năng đáp ứng của các bệnh viện, con số tử vong đều khó có thể nói dịch sởi đang được kiểm soát tốt.
Dịch sởi gây tử vong cao – không biết vì sao?
Trong khi nhiều BV “kêu gào” đòi được công bố dịch sởi nhưng Bộ Y vẫn cho rằng chưa cần thiết. Ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng TS Trần Đắc Phu còn đưa ra quy định về điều kiện công bố dịch trong đó có điều kiện số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường.
Thế nhưng, "số người mắc dự tính bình thường” là bao nhiêu lại không khi nào được công bố công khai thì làm sao để biết được con số mắc bệnh đã "vượt” con số dự tính. Chắc con số này chỉ được ngành y tế “lưu hành nội bộ”!?.
Để lý giải cho việc vì sao không công bố dịch, Bộ Y tế khẳng định bệnh sởi hiện không bất thường … Song Bộ Y tế không thể giải thích rõ ràng vì sao năm nay bệnh sởi lại gây ra những biến chứng nhanh, nguy hiểm và gây tử vong cao đến như vậy?
Xung quanh câu chuyện không công bố dịch sởi, dư luận vẫn đang tiếp tục đặt câu hỏi: Cho đến nay ai ai cũng gọi đây là "dịch sởi", nếu không công bố dịch thì gọi là gì?
Nghi ngờ về tỉ lệ tiêm phòng vắc xin sởi
GS Liêm cho rằng: “Dịch sởi cho thấy cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ…”
Nhận định này của GS Liêm có lẽ là “góc khuất” mà Bộ Y tế không muốn nói đến. Hàng năm tỉ lệ tiêm chủng vắc xin miễn phí cho trẻ em được các tỉnh báo cáo luôn đạt 90-100%. Có những tỉnh miền núi tỉ lệ này cũng là những con số rất đáng khen ngợi trên 90%. Thế nhưng khi dịch sởi bung ra thì mới hay biết có rất nhiều trẻ chưa tiêm phòng vắc xin sởi, không ít trẻ chỉ tiêm 1 mũi và thậm chí trẻ đã tiêm rồi vẫn mắc bệnh. Vậy là dịch sởi bùng phát đã vô tình “tố cáo” những con số báo cáo về tỉ lệ tiêm chủng là con số ảo.
Nhận định này của GS Liêm có lẽ là “góc khuất” mà Bộ Y tế không muốn nói đến. Hàng năm tỉ lệ tiêm chủng vắc xin miễn phí cho trẻ em được các tỉnh báo cáo luôn đạt 90-100%. Có những tỉnh miền núi tỉ lệ này cũng là những con số rất đáng khen ngợi trên 90%. Thế nhưng khi dịch sởi bung ra thì mới hay biết có rất nhiều trẻ chưa tiêm phòng vắc xin sởi, không ít trẻ chỉ tiêm 1 mũi và thậm chí trẻ đã tiêm rồi vẫn mắc bệnh. Vậy là dịch sởi bùng phát đã vô tình “tố cáo” những con số báo cáo về tỉ lệ tiêm chủng là con số ảo.
Theo laodong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét