Ra trường, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi trên tay nhưng nhiều cử nhân vẫn chưa tìm được việc làm. Cực chẳng đã, họ chấp nhận xin làm công nhân để giúp đỡ gia đình và “chờ việc”. Tuy nhiên, khi biết họ có bằng cử nhân, nhiều doanh nghiệp đã từ chối tuyển dụng.
Chỉ tuyển người tốt nghiệp phổ thông
Sau những năm miệt mài trên giảng đường, nhiều cử nhân đã có được tấm bằng loại khá, loại giỏi và xem đó là hành trang bước vào đời. Nhưng không phải ai cũng tìm được việc làm ngay, nhiều người trong số họ đành ngậm ngùi xếp bằng lại, lao đi xin việc cốt để mưu sinh. Những KCN là sự lựa chọn bất đắc dĩ của họ, song để trở thành công nhân cũng không phải là việc dễ.
Tại khu vực bảng tin thông báo tuyển dụng của KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, HN), hơn ba chục người vây quanh tìm kiếm thông tin. Phía trong cùng, Nguyễn Thị Hương (quê ở Kỳ Anh, Nghệ An) đang dò từng dòng thông tin, ghi chép rất chăm chú. Sau một hồi tìm kiếm, Hương cho biết sẽ nộp hồ sơ vào một Cty sản xuất nhựa trong KCN xin làm công nhân sản xuất.
Hương sinh ra trong một gia đình đông anh em. Với quyết tâm giúp con thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, gia đình tạo điều kiện cho Hương học tập. Không phụ lòng tin cha mẹ, năm 2007, Hương thi đậu ĐH KHXH&NV Hà Nội.
Năm 2011, Hương là sinh viên duy nhất trong lớp tốt nghiệp ĐH loại giỏi chuyên nghành Việt Nam học. Gia đình hãnh diện lắm, đi đến đâu, bố mẹ cũng khoe thành tích học tập của con. Nhưng vì gia đình cũng chỉ làm ruộng, kinh tế khó khăn, mối quan hệ không có, nên lần thi công chức ở quê, dẫu có ôn luyện kỹ càng đến đâu Hương vẫn trượt.
Cũng có cơ quan cho biết sẽ nhận vào, nhưng phải mất “phí bôi trơn” hàng trăm triệu đồng. Số tiền đó quá lớn, gia đình không thể lo được, Hương đành ngậm ngùi nhìn người khác thế chỗ. Không thể ngồi chơi mãi, Hương quyết định nộp hồ sơ đi làm công nhân.
Đến 3 tháng sau, không thấy Cty gọi, trong khi những người nộp hồ sơ cùng Hương đã lần lượt đi làm. Biết không không trúng tuyển, Hương nộp hồ sơ qua Cty khác. Tuy nhiên, khi nhìn hồ sơ của Hương, họ cũng trả lời đã tuyển đủ, khi nào cần sẽ gọi.
Rút kinh nghiệm, Hương đã nhờ gia đình làm cho vài bộ hồ sơ “trắng”. Hương cho biết, lần này sẽ không điền trình độ, chuyên môn, đồng thời không nộp bảng điểm, bằng tốt nghiệp ĐH vào hồ sơ nữa, thay vào đó chỉ để bằng tốt nghiệp THPT. “Em hy vọng lần này sẽ được tuyển dụng, chứ cứ ngửa tay xin tiền bố mẹ mãi ngại lắm. Bố mẹ lại còn phải nuôi các em nữa”, Hương ngậm ngùi.
Không tuyển vì cử nhân hay nhảy việc
Không chỉ Hương mà hàng ngàn cử nhân khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ai cũng học hành bài bản, hồ sơ với bảng điểm “đẹp”, nhưng nhiều Cty vẫn từ chối. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Đông -TGĐ Cty hóa mỹ phẩm Hoa Lan (KCN Phố Nối A, Hưng Yên) cho rằng, sở dĩ các DN không muốn nhận công nhân là cử nhân vì những LĐ này sẽ không bao giờ an phận làm công nhân. Họ chỉ xin làm tạm thời và chờ việc, khi nào xin được vào các cơ quan nhà nước, các Cty lớn hoặc nhân viên văn phòng với thu nhập cao hơn là họ sẽ bỏ việc ngay. Như thế, DN mất thời gian, kinh phí đào tạo. Lúc bình thường thì không sao, nhưng khi có nhiều đơn hàng gấp, thì đó là cả một vấn đề.
Đồng quan điểm với bà Đông, ông Lê Ngọc Trung - phụ trách nhân sự Cty Thiết bị y tế Trung Anh cho rằng, việc tiếp nhận một LĐ vào làm việc thì không khó, nhất là khi DN cần người, vấn đề là họ có gắn bó được lâu dài hay không. Ông Trường cũng cho rằng, do trong các trường chủ yếu dạy lý thuyết, nên DN phải bỏ chi phí đào tạo lại.
Theo laodong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét