- Lý do tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ là không thuyết phục, vì hiện nay nợ đọng bảo hiểm quá lớn, sử dụng quỹ không hiệu quả.
Trong thảo luận ở tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi sáng nay (29/5), nhiều đại biểu bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì lý do “vỡ quỹ”. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH hiện nay.
Tăng tuổi: Hại nhiều lợi ít
Tại tổ Thái Bình, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Những tồn tại vừa qua mắc phải là nguyên gây vỡ quỹ, phải tăng tuổi nghỉ hưu… Điều này đã gây nhiều tranh cãi trong dân, người lao động, Quốc hội.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm thẳng thắn đưa ra nhận xét về những yếu kém của BHXH thời gian qua, đó là: Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH quá chậm trong khi đây là cơ sở vững chắc cho cân đối quỹ. Việc nợ đọng lại quá cao, chỉ trên 50% người lao động được đóng BHXH, trong khi có tới 80% thực hiện không nghiêm túc.
Từ những lý do trên, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm bày tỏ sự không đồng tình tăng tuổi lao động nghỉ hưu.
“Lập luận đưa ra là hụt thu nhiều sợ vỡ quỹ. Cứ thế này đến 2021 thiếu cân đối, 2030 vỡ quỹ. Lý do thứ 2 là có học tập kinh nghiệm nước ngoài. Hai lý do này chưa vững chắc. Vì
có các lý do trên chưa làm rốt ráo, hiệu quả mà lại tăng tuổi thì không tích cực” – ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh ý kiến của mình.
Phân tích rõ hơn về lý do Ban soạn thảo đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu là “học tập nước ngoài”, ông Kiêm khẳng định: Họ có đặc điểm khác ta là dân số ít (có 20 triệu người Úc nhưng diện tích đất nước họ gần bằng Trung Quốc, trình độ lao động rất cao). Đặc điểm của ta lại khác hoàn toàn. Lao động thừa rất nhiều.
Nhiều tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài không xin được việc. Xin việc lại phải đút tiền. Cơ cấu lao động của ta cũng khác, chủ yếu lao động giản đơn, sức lực. Tuổi thọ bình quân của thế giới 80 tuổi, còn ta là 75, nhưng 10 năm cuối cuộc đời của người già Việt Nam là bệnh tật; Cơ cấu của chúng ta, lao động trí óc, kinh nghiệm cao thì ít.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng bày tỏ lo ngại: Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu mà lại rơi vào những ông không có trình độ mà ngồi mãi thì cũng chết. Còn những anh được đào tạo bài bản không xin được việc, đi bồi bàn. Quan điểm của tôi cứ giữ nguyên, khắc phục các tồn tại kể trên. Chúng ta tăng cường thu, tận thu và mở rộng cái có hiện nay là đã cải thiện nhiều. Tăng tuổi hại nhiều lợi ít”.
Ngoài ra, cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, các quốc gia làm BHXH rất chặt chẽ nên đời sống rất an toàn. Khi lâm sự có chỗ thanh toán, không thất thoát một cách nghiêm trọng. Trong khi ở Việt Nam, nếu thanh toán được một đồng bảo hiểm y tế thì chật vật vô cùng.
Tại tổ Thanh Hóa, các đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Lê Minh Thông, Đào Xuân Yên… cũng bày tỏ sự không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu và cho rằng, tất cả mọi điều chỉnh phải tuân thủ Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước.
Đại biểu Đào Xuân Yên (đoàn Thanh Hóa) nói: “Nếu nâng tuổi nghỉ hưu sẽ phá vỡ quy hoạch cán bộ của Đảng, Nhà nước. Còn về mặt xã hội, hiện chúng ta còn tới 72.000 cử nhân ra trường chưa có việc làm, nếu nâng tuổi nghỉ hưu thì lực lượng này sẽ càng khó khăn hơn khi tìm việc”.
Đồng tình việc không nên tăng tuổi nghỉ hưu, Đại biểu Lê Trọng Sang (đoàn TP HCM) đưa ra lý do: Trong Bộ Luật lao động mới được Quốc hội ban hành cũng đã có quy định cụ thể về một số lĩnh vực đặc thù thì tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng lên như thế nào. Vì thế, chỉ cần thực hiện theo Luật lao động”.
Vi phạm pháp luật đang bị bình thường hóa
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), để tránh được nguy cơ vỡ quỹ BHXH thì phải khắc phục ngay nợ đọng BHXH. “Có điều lạ chỉ có ở Việt Nam biết là nợ thuế nhưng chỉ ngồi ngó nhau, không xử lý. Nợ BHXH là xâm phạm quyền lợi người lao động trắng trợn. Có rất nhiều chuyện vi phạm pháp luật đang bị bình thường hóa. Việc này phải làm quyết liệt, dứt khoát” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng: Nâng tuổi nghỉ hưu đâu phải là cách chăm bẵm cho quỹ BHXH. Tại sao chúng ta không thu đủ tiền đóng BHXH của tất cả người lao động. Hiện có trên 16 triệu lao động nhưng mới chỉ có trên 10 triệu người đóng BHXH, còn gần 6 triệu người chưa đóng. Mình chưa có giải pháp đối với người lao động trốn đóng. Nếu thu hết tiền BHXH của số đó thì sẽ là con số lớn. Tình trạng, nợ đọng BHXH hiện nay rất lớn. Nếu chúng ta truy thu được hết sẽ giải quyết được vấn đề vỡ quỹ. Cách tính mức đóng BHXH hiện đã tính cả phần phụ cấp nên mức đóng cao hơn. Tại sao chúng ta không đẩy nhanh việc thực hiện cách tính này mà phải chờ tới 2020?
Về mức hưởng lương hưu, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM), phải tính tới yếu tố công bằng giữa các đối tượng, không thể để tình trạng chênh lệch nhau quá, tránh có người hưởng lương hưu cao gấp 3-4 lần lương công nhân. Tuy nhiên, việc đang cao rồi mà giảm thì cũng rất khó, cần phải có lộ trình và tuyên truyền để dân hiểu. “Hơn nữa, không thể quan niệm lương hưu phải đảm bảo được cuộc sống, vì đến công nhân đang đi làm mà lương còn chẳng đủ sống” – đại biểu Phong Lan nói.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cũng nêu ra bất cập trong thực hiện chi trả quỹ BHXH. Cục thể, cán bộ công chức đóng BHXH nhưng khi nghỉ hưu thì hưởng theo trung bình 5 năm cuối thì khá cao. Trong lực lượng vũ trang, do cách tính, một số nghỉ hưu trước tuổi nên lương rất cao. “Chúng ta phải tính toán, tách riêng BHXH của khối vũ trang, quân đội, công an. không thể lấy chỗ khác chi trả cho chỗ này được” – đại biểu Đặng Thuần Phong nói./.
Theo Vũ Hạnh/VOV online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét