- Hùng “sầu” hay Hùng “xăm”, cái tên chẳng xa lạ gì trong giới giang hồ từ Bắc chí Nam, khét tiếng đòi nợ thuê, chém mướn, thậm chí sẵn sàng giết người, đến với cửa Phật quả là duyên kỳ ngộ.
Đại ca giang hồ chém người từ năm 13 tuổi
Mở mắt chào đời, cậu bé Lê Thừa Dương Hùng chẳng biết mặt cha. Lên 8 tuổi (năm 1980), mẹ bước thêm bước nữa, vậy là từ đó Hùng phải sống trong cảnh “con ông, con bà”.
Hàng ngày Hùng phải chịu những trận đòn roi từ cha dượng "nát rượu" nếu không kiếm được mồi nhậu cho ông.
Thương mẹ nhưng vì không chịu nổi những trận đòn roi, vậy là Hùng bỏ nhà đi tìm cha.
Cháu Lê Thừa Dương Hậu (con trai duy nhất của Hùng "sầu"), dù mới 3 tuổi nhưng đã ăn chay và biết đọc kinh Phật. |
Rong ruổi hết vùng Bình Trị Thiên nhưng Hùng vẫn không tìm được cha, vậy là Hùng đã đặt chân vào đất Huế.
Để có được miếng ăn, Hùng đã gia nhập nhóm bảo kê tại ga tàu Huế với biệt danh Hùng “sa đọa” dưới sự cai quản của đại ca Lê Lâm. Công việc của Hùng là theo chân đàn anh đi đòi nợ, chém nhau hoặc bảo kê.
Tuy chưa tròn 10 tuổi nhưng với cái bản chất lì lợm, bất cần đời, cái tên Hùng “sa đọa" đã để lại dấu ấn trong giới tay anh chị trên đất Huế lúc bấy giờ.
Vào giang hồ chưa bao lâu thì Hùng bị bắt đi cưỡng chế lao động 24 tháng, với tội danh đánh người gây thương tích, phá rối trật tự công cộng.
Vừa bước chân ra khỏi trại cưỡng chế, Hùng được đại ca Lê Lâm đón về để tiếp tục tung hoành giang hồ.
Trong một lần đi thanh toán giang hồ, Hùng đã thẳng tay chém đứt bàn tay và cắt tai của một thanh niên. Lần này Hùng đã bị tra tay vào còng số tám, tuy nhiên chỉ giam được 21 ngày thì Hùng đã trốn trại và bỏ vào Sài Gòn. Đó là năm 1990.
Vào Sài Gòn, Hùng đã gia nhập với băng nhóm Tâm "voi", chuyên ăn xin, đòi nợ thuê, thanh lý giang hồ khu vực Ngã tư An Sương, với biệt danh mới là Hùng "sầu".
“Toàn bộ khu vực ngoại thành xung quang Ngã tư An Sương đều do anh em nhóm Tâm “voi” quản lý, khu vực khác thuộc địa phận chú Năm (tức Năm Cam)”, Hùng "sầu nói.
Ở Sài Gòn được 2 năm thì có lệnh truy nã, Hùng phải chạy qua Campuchia rồi sau đó qua Lào, trốn được 5 tháng thì phải quay về vì Tâm "voi" bị giết.
Từ khi tiếp quản, Hùng tiếp tục công việc của Tâm “voi”, "dìu dắt" hàng trăm tay giang hồ. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm thì Hùng đã bị bắt và lãnh án tù 4 năm.
Từng cưu mang 167 người lạc lối
Nhân dịp lễ 2/9/1999, Hùng được ân xá trước thời hạn 6 tháng. Ra tù Hùng chẳng biết làm gì và phải bắt đầu từ đâu, khi mà xã hội kỳ thị một thằng vào tù ra tội, thêm vào đó là nghiện ma túy.
“Có đôi lúc tôi muốn quay trở lại con đường cũ để tiếp tục sát cánh cùng anh em, có đi tù nữa cũng chẳng sao”, Hùng nói. Trong lúc đang đắn đo, Hùng đã về thăm em gái cùng mẹ khác cha đang sống tại Bà Điểm, thì mới hay tin rằng đại ca Lê Lâm đã từ Huế vào Sài Gòn quy y tại một ngôi chùa nhỏ ở Ngã tư Gò Dưa. Qúa bất ngờ với thông tin này, Hùng đã tìm đến gặp Lê Lâm.
Từ khi quy y cửa Phật, Lê Lâm cùng gia đình nhỏ sống bằng nghề xe ôm và bán rau tại chợ Gò Dưa.
Gặp Lê Lâm, Hùng tự đặt câu hỏi “chùa có gì hay mà có thể cảm hóa được một đại ca khét tiếng đất Huế một thời?”, vậy là Hùng quyết tâm tìm hiểu.
Ngôi chùa Hùng đặt chân đến đầu tiên để tìm hiểu là chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn – Tp.HCM). Tiếng chuông chùa, tiếng kinh đã thôi thúc Hùng bỏ hết tất cả để làm lại từ đầu.
“Tôi cảm thấy trong lòng phấn chấn hẳn, một cảm giác lạ kỳ mà không một từ ngữ nào miêu tả được”, Hùng nói.
Hùng đã nhờ trung úy Dũng Nhung, công an hình sự huyện Hóc Môn, (đã mất - PV) cai nghiện giúp mình. “Tôi kêu anh Nhung nhốt tôi trong một căn nhà, cung cấp lương thực đủ cho tôi trong 15 ngày để tôi cai, cuối cùng tôi đã làm được”, Hùng nói.
Cai nghiện xong, Hùng làm đủ mọi nghề để sống, từ phụ hồ cho đến thợ may, tuy nhiên anh chỉ bén duyên với nghề điêu khắc khi đi làm cho một công ty điêu khắc Việt – Nhật.
Hùng "sầu" giờ đây chỉ chăm lo công việc tạc tượng Phật sau hơn chục năm tung hoành giang hồ. |
Với khả năng thiên bẩm và lòng say mê làm việc, chưa đầy 3 tháng, Hùng đã lên làm kỹ thuật xưởng. Công việc tưởng chừng như yên ổn, không ngờ vì ganh tị trong công việc nên Hùng đã bị đồng nghiệp thuê giang hồ “xử”. Tuy nhiên trớ trêu thay, giang hồ được thuê đó lại là đàn em ngày xưa của Hùng. Dù vậy nhưng Hùng vẫn bắt tay làm hòa với đồng nghiệp để cùng phấn đấu.
Đến 2005, sau khi dành dụm được số tiền gần 50 triệu đồng, Hùng đã ra mở xưởng sản xuất riêng, chuyên tạc tượng Phật.
Xưởng mộc của Hùng "sầu" là nơi giúp nhiều tay giang hồ phục thiện. |
Sau hơn 9 năm lập nghiệp với bao lần “lên voi, xuống chó”, Hùng đã gây dựng được sự nghiệp riêng cho mình, dạy nghề miễn phí cho 167 người từng lầm đường lạc bước. Giờ đây, Hùng “sầu” có quyền hãnh diện với những thế hệ học trò của mình và gia đình nhỏ với đứa con trai 3 tuổi kháu khỉnh.
Quay đầu là bờ
Từ ngày đến với cửa Phật và quy y với pháp danh Tịnh Tín, Hùng “sầu” đã tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm của mình, dù đó chỉ là một phần.
“Tôi đã tìm gặp và tạ lỗi với người thanh niên từng bị tôi chém, mặc dù tôi biết rằng đã quá muộn”, Hùng bộc bạch.
Hùng “sầu” cũng đã trở lại Bình Phước và quỳ lạy trước vong linh của một thai nhi bị chết trong một lần giằng co với một người phụ nữ khi đi đòi nợ thuê. Mặc dù bị cha đứa trẻ đánh đập rất nhiều, nhưng Hùng biết rằng nỗi đau của mình chẳng là gì với người cha mất con.
Hùng cũng đã khuyên nhủ nhiều đàn em quy y cửa Phật, hướng Phật làm lại cuộc đời. Đã có hơn một trăm người làm theo, phục thiện, trong đó có 3 người xuống tóc đi tu.
Với Hùng “sầu”, mỗi người khi sa chân vào vũng bùn giang hồ là mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung là họ không xác định được con đường đi cho mình, và không ai dìu dắt họ khi mà xã hội còn nhiều kỳ thị với họ.
Có một người mà Hùng không bao giờ quên được, đó là trường hợp của Hồ Bảo Thắng. Năm 13 tuổi, Thắng đã giết chết người. Vừa ra trại, Thắng được một người quen dẫn vào gặp Hùng. Hùng đã dùng cả tấm lòng của một người thầy, một người anh để dạy nghề cho Thắng. Trước tấm lòng của Hùng và sự sám hối, ngày 8/2/2010, Thắng đã xuống tóc đi tu tại Tịnh xá Trung Tâm quận Bình Thạnh, lấy pháp danh Thiện Thông.
Nhiều bậc cha mẹ cũng đã tìm đến gặp Hùng nhờ dạy nghề cho con họ và giúp đỡ con họ xa rời cái xấu.
Bà Lê Thị Xuân (64 tuổi, ngụ Trịnh Đình Xu, quận 1) cũng đã dắt đứa con trai duy nhất của mình từng lầm đường lạc lối đến học nghề và nhờ sự giúp đỡ của Hùng. “Tôi tin tưởng con tôi sẽ thành người nếu được sự dạy dỗ của anh Hùng”, bà Xuân nói.
Cái tên Hùng “sầu” lại một lần nữa không xa lạ gì với mọi người. Tuy nhiên đó không phải là ấn tượng xấu về tay anh chị của những năm 90 mà đó là Hùng “sầu” có tấm lòng khoan dung, ngày ngày đang chỉ đường dẫn lối cho nhiều mảnh đời lầm lỡ, là Hùng “sầu” với nghề làm tạc tượng Phật.
Theo doisongphapluat.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét