Công an Bình Dương đã bắt nhiều người có hành vi kích động đập phá, cướp tài sản của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bình Dương.
Trao đổi với VnExpress, Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đến chiều nay, công an tỉnh đã bắt giữ hơn 400 người được cho là có hành vi kích động công nhân gây rối, đập phá nhiều công ty trên địa bàn. Cảnh sát cũng ghi nhận không xảy ra thương vong về người.
Cũng trong sáng nay, hàng nghìn người với cờ Tổ quốc vẫn tiếp tục diễu hành thành đoàn trên các tuyến đường tại khu công nghiệp VSIP I, thị xã Thuận An (Bình Dương) để phản đối Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng người đã giảm do nhiều công nhân không đồng tình trước những kẻ kích động, xúi giục đốt phá, trộm cắp tài sản của các doanh nghiệp.
Tại Công ty may mặc Esquel Garment, hàng trăm người định xông vào nhưng đã bị bức tường bảo vệ gồm những công nhân của công ty cản lại, giương cao khẩu hiệu: “Bảo vệ công ty là bảo vệ việc làm”. Những công nhân này sau đó đã đẩy lùi được nhóm người quá khích.
Các công nhân Esquel Garment lập thành hàng rào ngăn chặn những kẻ quá khích tiến vào công ty. Ảnh: Nguyệt Triều.
|
Vào đêm trước, công ty Esquel Garment bị hàng trăm người tấn công, hiện vẫn còn những tàn tích. Ngay tại phòng bảo vệ, kính bị đập vỡ tung toé, trụ ATM cũng bị đập nát, một chiếc két sắt bị đốt cháy đen. Nhiều tài liệu, giấy tờ của công ty đã bị những kẻ đột nhập vứt tung toé khắp mặt sân.
Trong khi đó, Công ty Maxim trên đường số 6 vẫn bốc khói nghi ngút được cho là do những kẻ quá khích phóng hỏa. Lực lượng chữa cháy đã ứng cứu ngay lập tức nhưng khu vực rộng hàng trăm mét vuông của công ty đã bị thiêu rụi. Khu vực mặt tiền và lối vào sảnh chính đã bị những kẻ quá khích đập vỡ kính, nhiều vật dụng bị vứt tung tóe trên khắp lối đi. 9h sáng nay, phía ngoài công ty vẫn có nhóm người quá khích định lao vào, khiến Cảnh sát cơ động với dụng cụ chống bạo động phải có mặt bảo đảm trật tự, phục vụ cho công tác chữa cháy.
Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Bình Dương Nguyễn Minh Giao thông tin, lãnh đạo tỉnh đã họp, dự kiến chiều nay hoặc sáng mai, tỉnh sẽ cử đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. "Việc bồi thường sẽ xem xét sau", ông Giao nói.
Trước đó, ngày 13/5, có khoảng 19.000 công nhân tham gia diễu hành phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Lúc đầu cuộc tuần hành diễn ra trong ôn hoà, tuy nhiên nhiều người sau đó đã kích động, phá cổng các doanh nghiệp đột nhập vào trong, yêu cầu chủ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc và lôi kéo số công nhân này tham gia.
Trong dòng người ào ào kéo nhau diễu hành qua khắp các tuyến đường, có rất nhiều kẻ xăm trổ đầy mình, la hét kích động xung quanh. Nhiều công nhân cho biết, những người này cầm theo cả hung khí, nên họ rất sợ, phải lùi xa.
Bộ Công an đã phối hợp với Công an Bình Dương ổn định tình hình. Ảnh: Nguyệt Triều
|
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… lo sợ dòng người diễu hành kéo vào trụ sở gây rối, nên đã chủ động cho công nhân ra về. Nhiều nơi treo cờ Việt Nam hoặc cờ quốc gia mình, thậm chí treo hẳn bảng bằng tiếng Việt: "Công ty ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Chúng tôi là công ty Hàn Quốc"...
Tuy vậy, một số kẻ đã kích động đám đông đập phá cổng, tường rào và tài sản của doanh nghiệp, gây hỗn loạn. Thậm chí còn lợi dụng tình hình rối loạn để cướp tài sản, đốt nhà xưởng, hành hung các bảo vệ và chuyên gia.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, công nhân tập trung tại cổng khu công nghiệp VSIP đã nhận cờ, áo đỏ sao vàng của người phát miễn phí. Trong quá trình công nhân diễu hành, một số kẻ đã sử dụng bộ đàm để liên lạc với nhau.
Đã có trăm công ty bị đột nhập và phá hoại tài sản, đa số là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó có 15 doanh nghiệp bị đốt nhà xưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng, dẫn đến nguy cơ hàng trăm công nhân mất việc làm.
Trước những diễn biến trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản nêu rõ, việc công nhân lao động có các hành động quá khích như: tự ý bỏ việc, đập phá nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị là không đúng pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm đời sống của công nhân lao động.
Tổng Liên đoàn yêu cầu các đơn vị trực thuộc phân công cán bộ cơ sở bám sát nắm tình hình, những biểu hiện của một số kẻ quá khích trà trộn vào kích động công nhân...
Nhóm phóng viên vnexpress
Nguồn vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét