Trang Chủ

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Mối quan hệ bí ẩn Nga - Trung

- Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Moscow dường như đang xích lại. Trung Quốc trong cơn khát dầu khí còn Nga lại phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên này.

Theo kế hoạch, ngày 20/5 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Trung Quốc và lãnh đạo 2 cường quốc này sẽ ký đến 30 văn kiện các loại, bao gồm cả các “thỏa thuận quan trọng” về thương mại và hợp tác khí đốt.
Cố vấn tổng thống Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Putin sẽ cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ khai mạc cuộc tập trận chung trên biển Hoa Đông, kéo dài từ ngày 20 đến 26/5.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ khai mạc
“Năm văn hóa Trung Quốc tại Nga” vào tháng 3/2013 Ảnh: US NEWS
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ khai mạc “Năm văn hóa Trung Quốc tại Nga” vào tháng 3/2013 Ảnh: US NEWS
Theo các chuyên gia, với Nga, đây là cơ hội cho Mỹ và phương Tây thấy nước này không đơn độc giữa vòng vây trừng phạt. Còn Bắc Kinh có thể “dằn mặt” liên minh Mỹ - Nhật xung quanh tranh cãi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ông Ushakov cho biết Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, chỉ sau 28 nước thuộc Liên minh châu Âu và thương mại song phương có thể lên đến 100 tỉ USD vào cuối năm nay sau khi đạt 88,8 tỉ USD hồi năm ngoái.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc tươi sáng trở lại là điều đã được dự báo từ trước sau khi căng thẳng giữa Nga và Phương Tây leo thang. Cuộc khủng hoảng Crimea chính là phép thử.
Quan hệ hai mặt
Chia sẻ với nhau đường biên giới quốc tế dài thứ sáu thế giới, đây không phải là lần đầu tiên 2 nước xích lại gần nhau. Tháng 12/1992, Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc, gạt bỏ mấy chục năm lạnh lùng.
Theo giới phân tích, đó là do Trung Quốc đang phát triển và muốn sở hữu các công nghệ hiện đại, còn Nga cần tiền hơn bao giờ hết. “Đối với Liên Xô, Trung Quốc là kẻ thù tiềm năng. Nhưng đối với Nga thì không phải” - ông Yeltsin phát biểu khi ấy.
Phóng viên chuyên về an ninh Paul D. Shinkman của U.S. News & World Report nhận định Trung Quốc và Nga luôn học cách dựa vào nhau, nhiều lúc mang tính chiến lược “thời vụ”. Động lực chính đằng sau quan hệ này là sự “bù trừ tự nhiên”, trong đó năng lượng đóng vai trò chủ chốt.
Cục Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo Trung Quốc sẽ qua mặt nước này trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vào cuối năm nay.
Chính vì vậy, thỏa thuận ông Putin muốn đạt được nhất tại Bắc Kinh là cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, một thỏa thuận không chỉ đem lại lợi ích cho cả 2 bên mà còn gắn chặt số phận của họ với nhau trong những năm tới.
Ông Vasily Kashin - chuyên gia về quan hệ Nga - Trung tại tổ chức CAST (Nga) - tin rằng ông Putin và ông Tập Cận Bình còn bàn về các thương vụ vũ khí. Nhiều khả năng Moscow sẽ nới lỏng hạn chế bán vũ khí cho Trung Quốc sau khi bị nhiều nước phương Tây và NATO đóng băng quan hệ quân sự.

  • An An (Tổng hợp từ NLĐ/PLO) 

Nguồn Báo đất việt online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét