Không đồng ý vì sợ con đau 
Chị Ngân Hằng (quận Cầu Giấy, HN) vừa sinh con trai tại BV Phụ sản Hà Nội đã từ chối khi bác sĩ đề nghị lấy máu ở gót chân con làm xét nghiệm, vì cho rằng con vừa mới chào đời được vài giờ, còn non yếu, bị đâm kim tiêm để lấy máu sẽ rất đau. Chị Thanh Lan (quận Hoàn Kiếm) sinh con tại nhà hộ sinh A cũng một mực từ chối không cho y tá lấy máu gót chân của con. Chị lo, bởi con mới sinh đã phải tiêm một mũi viêm gan B rồi, lại thêm một mũi kim đâm vào chân nữa sợ con không chịu nổi sẽ ốm... 

Còn chồng chị Huyền Như (quận Ba Đình) có con 1 ngày tuổi cũng kiên quyết không cho lấy máu vì cho rằng: Vợ tôi trước sinh đã làm đủ các xét nghiệm để phát hiện dị tật rồi, kết quả đều không có vấn đề gì. Giờ lại đè con ra để tiêm nữa thì không cần thiết...”. Mẹ chồng chị Lan Anh (quận Hoàng Mai) lại khăng khăng: Đứa cháu đầu của tôi cách đây 3 năm vừa mới sinh đã bị cô y tá chọc kim vào gót chân lấy máu đã khóc ré lên, sau đó cháu sốt sình sịch, cả nhà lo sốt vó. Đứa cháu này tôi nhất định không cho lấy máu nữa".
Cũng chỉ vì tâm lý sợ con đau, mặc dù được bác sĩ tư vấn, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Sơn (huyện Gia Lâm) vẫn không làm xét nghiệm. Khi con được 3 tuần tuổi, thấy con bị vàng da, lại nghĩ do sinh lý, chỉ cần tắm nắng vài tuần sẽ hết. Nhưng càng về sau thì da cháu càng vàng, đến khi vào BV Nhi khám, bác sĩ nói bé bị bệnh thiếu men G6PD dễ gây cho trẻ bị thiếu máu, vàng da, phải nhập viện điều trị gấp, nếu phát hiện sớm ngay từ khi mới sinh bằng xét nghiệm lấy máu gót chân để SLSS thì bé đã điều trị sớm đỡ nguy hiểm đến tính mạng.
Một giọt máu có thể phát hiện nhiều bệnh
Chính những suy nghĩ đó của không ít bà mẹ đã khiến cho việc SLSS lấy mẫu máu gót chân trẻ trong những năm qua không đạt kết quả như mong muốn. Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, ngay giữa thủ đô - nơi có dân trí cao, nhưng việc lấy mẫu máu gót chân đang gặp nhiều khó khăn mặc dù đã được tuyên truyền tích cực. Nếu năm 2012, tỉ lệ trẻ được SLSS là 20,21% thì năm 2013, tỉ lệ này cũng mới đạt gần 31%. 
TS.BS Nguyễn Duy Ánh - GĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho biết, SLSS là biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm để phát hiện các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi trẻ vừa ra đời. Cho phép phát hiện trẻ mắc các bệnh thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh... - là những bệnh lý hiếm gặp, nhưng rất nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển sau này của trẻ. 
Với những bệnh lý này, không thể nhận thấy khi khám bằng mắt thường mà phải thử máu và bệnh có thể xảy ra ngẫu nhiên cho bất cứ trẻ nào, không nhất thiết phải là con của gia đình có người mắc bệnh. Vì vậy, dù không có người thân nào mắc bệnh này thì trẻ vẫn cần được xét nghiệm để loại trừ khả năng mắc bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc sau này. Thực hiện việc SLSS bằng cách lấy vài giọt máu ở gót chân của bé sinh ra từ 24-48 giờ không gây nguy hiểm cho trẻ. Bố mẹ các bé cần có những kiến thức hiểu biết về lợi ích của việc SLSS để trẻ được phát triển toàn diện hơn, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể làm bé bị khuyết tật hoặc tử vong.

SLSS bằng phương pháp lấy máu gót chân trẻ sau sinh 24 giờ có thể tầm soát được bệnh suy giáp trạng bẩm sinh (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone khiến trẻ bị đần độn, chân tay không phát triển, thường tử vong trước tuổi trưởng thành), bệnh tăng sản tuyến thượng thận (một kiểu thiếu hụt enzyme gây sản xuất hormone nam bất thường, khiến trẻ có bộ phận sinh dục nửa nam nửa nữ) và bệnh thiếu men G6PD (bệnh huyết tán bẩm sinh do hồng cầu bị vỡ gây ra vàng da, thiếu máu)...

Theo laodong.com.vn