- Hiện nay số lượng tàu ở vị trí đó là khoảng 80 tàu và vẫn tăng lên hàng ngày tạo ra tình hình hết sức căng thẳng.
18:09 ngày 07/05/2014
Phỏng vấn phóng viên Chris Brownmitt của hãng tin AP
Trao đổi riêng với chúng tôi, phóng viên Chris Brownmitt của hãng tin AP cho biết: "Tôi nghĩ Trung Quốc có những hành động gây hấn như vậy là muốn để xem người Việt Nam sẽ phản ứng thế nào, các bạn sẽ làm gì? Rõ ràng đó là những hành động trái luật. Cá nhân tôi không ủng hộ các hành động trên của Trung Quốc".
Bình luận về các phản ứng từ phía Việt Nam trước sự việc trên, ông Chris cho biết: "Người Việt Nam nên làm gì đó để Trung Quốc rút giàn khoan về, chấm dứt các hành động trái luật, quy tắc quốc tế, thế nhưng các bạn nên cẩn trọng hơn với tình huống này", ông Chris nhấn mạnh.
"Tôi không biết chính xác thì Việt Nam nên làm gì vào lúc này, nhưng theo tôi, các bạn nên tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng thế giới để Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan về", ông Chris nêu quan điểm khi được hỏi Việt Nam nên làm gì vào thời điểm này.
Ông Chris cũng cho biết thêm, thời gian quan tôi thấy các chuyên gia quốc tế rất quan tâm tới vấn đề này. Họ đặc biệt quan tâm tới các hành động của Trung Quốc với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực Đông Nam Á.
17:10 ngày 07/05/2014
Phóng viên báo Pháp luật TP. HCM hỏi: Ông Hậu cho biết đặc điểm biển ở vùng TQ định đặt giàn khoan?
Hình ảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam
Ông Đỗ Văn Hậu trả lời: Vùng biển TQ đang tiến hành thăm dò trái phép cách đảo Tri Tôn - Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý: sâu 1000m, chỗ giàn là 1100m. Giàn có 2 cách định vị: Thả neo hoặc mỏ vịt để định vị.
Tập đoàn dầu khí (PVN) đã tiến hành khảo sát tại đó (VN cộng hòa cũng đã từng khảo sát) cho thấy: Khu vực đó tiềm năng dầu khí chưa được đánh giá kỹ. Chiến lược của PVN là tiếp tục triển khai hoạt động thăm dò ở vùng biển sâu hơn.
Còn việc TQ có khai thác được ở lô 142 và lô 143 hay không thì còn tùy vào các lực lượng chức năng của VN. Và việc khai thác dầu là không đơn giản.
17:06 ngày 07/05/2014
Phóng viên Một thế giới hỏi: VN có tổ chức họp báo quốc tế ở các nước có ĐSQ không?
Ông Lê Hải Bình: VN sẽ thực hiện các biện pháp hòa bình, tùy diễn biến sẽ có các biện pháp tiếp theo.
Phóng viên VTC10 hỏi: TQ đã từng bắt ngư dân của VN và phía VN yêu cầu bồi thường thì đã được bồi thường như thế nào?
Ông Trần Duy Hải: Trong thời gian qua chúng ta đã kiên quyết đấu tranh qua đường ngoại giao. Chúng ta luôn yêu cầu TQ chấm dứt các hoạt động bắt giữ ngư dân và có sự bồi thường. Chúng tôi đã yêu cầu TQ bồi thường cho nhưng va chạm.
17:01 ngày 07/05/2014
Hãng thông tấn của Đức hỏi: VN có theo gương Philippines kiện TQ?
Ông Trần Duy Hải: Tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp.
Ông Dương Khiết Trì nói gì khi điện đàm với ông Phạm Bình Minh?
Ông Hải trả lời: Trong cuộc điện đàm đó, TQ nhắc lại lập trường của TQ trên Biển Đông và họ cho rằng giàn khoan 981 ở vùng của họ. Nhưng ông Phạm Bình Minh đã bác bỏ ý kiến đó và khẳng định tàu và giàn khoan 981 đã xâm phạm các quyền của VN.
Ông Đỗ Văn Hậu: Tại lô 142 và 143: chưa có phát hiện thương mại nào để có thể khoan dầu khí. VN tìm nhiều lần tại đây nhưng chưa khoan. TQ đưa giàn khoan vào vi phạm vùng chủ quyền của VN. Tập đoàn dầu khí quốc gia VN đã gửi thư cho Chủ tịch của CNOOC và TGĐ Công ty Hải Dương TQ, yêu cầu chấm dứt hoạt động dầu khí tại đây.
Trong tương lai, tất cả khu vực VN khai thác dầu khí nằm sâu trong vùng chủ quyền của VN, phía VN không cho phép phía TQ tiếp cận vùng đang khai thác dầu khí.
16:56 ngày 07/05/2014
Việt Nam không bắt giữ người Trung Quốc
16:55 ngày 07/05/2014
Báo Lao động hỏi: Dư luận cho rằng VN đang nhún nhịn TQ và báo TQ cho rằng VN gây hấn: "TQ cần dạy cho VN một bài học", liệu VN nhún quá thì TQ càng lấn tới?
Hành động TQ diễn ra ngay trước thềm hội nghị ASEAN, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị này là gì?
Ông Trần Duy Hải trả lời: Trước hết VN là nước yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi đã nói rằng vấn đề này rất nhạy cảm và nguy hiểm nên đã thấy đe dọa hòa bình an toàn an ninh hàng hải nên vấn đề này sẽ được đưa ra tại hội nghị ASEAN.
16:54 ngày 07/05/2014
Hãng AP hỏi: Cần khẳng định chưa có người chết? Tôi thấy các tàu TQ chủ động đâm tàu VN, tàu VN có đâm tàu TQ để bảo vệ không?
Ông Ngô Ngọc Thu trả lời: Mặc dù những ngày này tình hình trên thực địa rất căng thẳng, TQ chủ động cho tàu đâm vào tàu VN nhưng cho đến thời điểm này chưa có người nào chết trên biển. Có 6 kiểm ngư viên VN bị mảnh kính vỡ văng vào gây thương phần mềm.
"Như quý vị xem, các tàu hải cảnh và tàu bảo vệ đâm vào tàu VN gây thiệt hại. Lực lượng Cảnh sát biển và kiểm ngư kiềm chế và tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Mọi sự chịu đựng có giới hạn. Nếu quá giới hạn thì sẽ có những hành động tự vệ thích đáng", ông Thu trả lời việc tàu VN có đáp trả tàu TQ không.
16:51 ngày 07/05/2014
Phóng viên báo Tuổi trẻ hỏi: Đây có phải lần đầu tiên và phải có hành động gì để ngăn chặn lần 2?
Ông Trần Duy Hải trả lời: TQ đã nhiều lần tiến hành thăm dò và chúng ta đã kiên quyết đấu tranh và TQ đã rút. Lần này TQ đã từng thuê các giàn khoan của các nhà thầu bên ngoài nhưng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt nên chưa xảy ra việc TQ khoan thăm dò. Đây là lần đầu tiên TQ dùng giàn khoan tự chế để khoan thăm dò. Chúng ta tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi của VN. Sử dụng các biện pháp hòa bình: đàm phán, thương lượng.
Hệ quả liên quan đến DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông) và COC (Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông)?
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ ngoại giao trả lời: Diễn biến đã đặt ra thách thức với DOC trong việc xử lý các tranh chấp. Kêu gọi các bên kiềm chế và tuân thủ DOC.
Với COC, Việt Nam cho rằng cần sớm có COC vì mục đích hòa bình.
16:44 ngày 07/05/2014
Hãng NHK hỏi: Trung Quốc đã khoan thăm dò chưa? Nếu TQ không rút ra khỏi biển VN thì VN sẽ có hành động gì tiếp theo?
Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trả lời: Cho đến thời điểm này giàn khoan 981 đã được định vị như đã xác định. Hiện nay, sau định vị giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị khoan thăm dò.
"Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, kiên trì trao đổi với TQ để trao đổi các vấn đề ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của VN", ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao nói.
16:40 ngày 07/05/2014
Phóng viên báo Vnexpress hỏi: TQ đưa giàn khoan vào thì VN có bất ngờ không? Nếu TQ vẫn không rút thì kế hoạch của hải quân và kiểm ngư như thế nào?
Ông Ngô Ngọc Thu trả lời: Trước hết, lực lượng hải quân chưa tham gia và không có mặt tại khu vực của giàn khoan 981. Việc di chuyển của giàn khoan thì đang theo dõi. Theo Công ước biển thì các vật nổi được di chuyển bình thường. Nếu giàn khoan đặt và khoan thăm dò thì mới vi phạm.
16:39 ngày 07/05/2014
Chiếu clip tàu Trung Quốc tấn công tàu của Việt Nam
Sau khi xem clip tàu Trung Quốc tấn công tàu của Việt Nam, PV Vietnamnet hỏi: Trong những ngày qua đại diện VN nỗ lực tiếp cận với TQ, tại sao chưa sử dụng điện đàm cấp cao nhất giữa hai nước? Những nỗ lực ngoại giao của VN cho thấy VN muốn theo đuổi biện pháp ngoại giao nhưng TQ không chịu có tính tới phương án mạnh hơn như cắt quan hệ ngoại giao?
Ông Trần Duy Hải đáp: Trước hết, chúng ta đã sử dụng các đường dây nóng của Bộ ngoại giao 2 nước. Chúng ta đã nêu với phía TQ sẵn sàng điện đàm cấp cao và đang chờ trả lời. Về thông báo cho các nước, do tính chất nghiêm trọng đe dọa đến hòa bình ở Biển Đông nên đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan. Hầu hết các nước đều bày tỏ sự lo ngại trước hành vi của TQ.
Còn việc chủ quyền thì rất thiêng liêng cho nên sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền của chúng ta. Chính sách nhất quán là theo các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp.
16:32 ngày 07/05/2014
Ông Ngô Mai Thịnh - đại diện Cục kiểm ngư nói: Kính thưa các quý vị, ngày 29/11/2012, Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ của Cục Kiểm ngư. Một nhiệm quan trọng của Cục là tham gia bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Cục Kiểm ngư phát hiện giàn khoan 981 và các tàu hộ vệ di động xuống khoan thăm dò, trong khi các tàu kiểm ngư tuyên truyền thì TQ tiếp tục có hành động vi phạm và tăng cường lực lượng để bảo vệ, quyết khoan thăm dò.
Các tàu hộ vệ của TQ đã đâm và ủn đẩy các tàu Kiểm ngư của Việt Nam gây hư hỏng. TQ thường dùng 2 - 3 tàu hải cảnh kèm 1 tàu kiểm ngư của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ.
"Tàu kiểm ngư 762 là 1 trong những tàu bị các tàu của TQ đâm nhiều lần khiến tàu này bị vỡ kính và móp đầu. Chúng tôi khẳng định: Lực lượng kiểm ngư thực hiện đúng chức năng theo quy định của pháp luật. Kiên quyết đấu tranh và kiềm chế tránh xung đột. Tiếp tục và làm mọi biện pháp để buộc giàn khoan TQ rời khỏi khu vực chủ quyền của VN.
16:30 ngày 07/05/2014
Hiện đang chiếu clip về các tàu của TQ gây khó dễ cho tàu của VN thực hiện nhiệm vụ khi giàn khoan tiến vào vùng chủ quyền của VN.
16:27 ngày 07/05/2014
Đúng 16h, buổi họp báo bắt đầu. Ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao giới thiệu lý do tổ chức họp báo quốc tế.
Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia: Từ ngày 2/5, giàn khoan 981 chuyển vào vùng biển Việt Nam. Ngày 2/5, giàn khoan đã định vị tại vị trí ở vùng thềm lục địa Việt Nam. Sau đó Bộ Ngoại giao đã có 8 cuộc làm việc với TQ trong đó có 6 cuộc gặp trục tiếp và 2 cuộc điện đàm.
"Hành động của Trung Quốc vi phạm những thỏa thuận lãnh đạo cấp cao hai bên, vi phạm DOC, vi phạm UNCLOS 1982 nên Việt Nam kiên quyết phản đối", ông Hải nhấn mạnh.
Hiện nay số lượng tàu ở vị trí đó khoảng 80 tàu và tăng lên hàng ngày và tạo ra tình hình hết sức căng thẳng.
Phát biểu sau ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển nói: Vừa rồi quý vị nghe ông Hải thông báo về việc xâm hại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của giàn khoan 981. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường tổng cộng 80 tàu các loại để tham gia bảo vệ và phục vụ giàn khoan 981. Trong đó có 7 tàu quân sự. Trong 7 tàu quân sự đó có Tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh và nhiều tàu khác. Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra ngăn chặn hành vi trái phép thì các tàu bảo vệ được sự yểm trợ của máy bay có hành động hung hăng đâm thẳng vào tàu của Việt Nam. Dùng vòi rồng, súng bắn nước nhằm vào tàu của Việt Nam gây hư tàu và gây thương tích.
Ông Thu nhấn mạnh: 12h ngày hôm nay, tàu hải cảnh của Trung Quốc tiếp tục đâm vào tàu Cảnh sát biển của Việt Nam, đồng thời máy bay của Trung Quốc trực tiếp uy hiếp tàu của Cảnh sát biển Việt Nam. Đối với các tàu của TQ được trang bị vũ khí đều chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu nên tình hình hết sức căng thẳng.
Tàu Việt Nam đã thể hiện sự kiên trì và kiềm chế trước sự hung hăng của các tàu TQ. Chúng tôi ở hiện trường vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của VN. Tôi khẳng định hiện nay VN không sử dụng các tàu quân sự vào việc giải quyết xua đuổi giàn khoan 981.
Hành động hung hăng của các tàu TQ là hành dộng vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp VN và luật quốc tế, vi phạm thỏa thuận DOC, các hoạt động xâm phạm của TQ đe dọa đến an ninh an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải của các nước
Lúc 8h ngày 3/5, tài hải cảnh 44 đã đâm vào tàu cảnh sát biển 4033 của VN ở vị trí cách giàn khoan 10 hải lý làm hu hỏng một số thiết bị của tàu này. Cùng thời gian ngày 4/5, tàu hải cảnh 44103 đã đâm tàu cảnh sát biển 2012, do tàu cảnh sát này tăng tốc độ vòng trái nên chỉ bị hư hỏng một số thiết bị trên tàu.
15:58 ngày 07/05/2014
Cuộc họp báo bắt đầu
15h55', các ghế trong phòng họp báo đã chật cứng. Ngoài phóng viên các báo trong nước, có hơn 10 đài truyền hình quốc gia và tổ chức quốc tế đến đưa tin.
Các phóng viên trong buổi họp báo
Trước đó, chiều 06/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 01/5/2014 đến nay.
Trong cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước có mặt tại buổi họp báo từ sớm để đưa tin.
Nguồn soha.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét