Trang Chủ

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

3 phương án có thể Trung Quốc sẽ làm trên Biển Đông

"Việc người Trung Quốc ra đòn lần này, nếu thuận lợi họ sẽ làm những gì họ cần làm, họ khoan thăm dò và khai thác dầu ngay trong nhà của ta. Còn nếu không được họ có thể có các phương án khác", Trung tướng Phạm Văn Dỹ, chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7 nhận định.


"Người Trung Quốc từng năm lần xâm chiếm biển đảo của chúng ta và đây là lần thứ sáu trong khi đất nước ta ở trong các thể chế khác nhau. Tại mỗi thời kỳ như vậy chúng ta lại có những phương lược, sách lược khác nhau". Đây là điều mà Trung tướng Phạm Văn Dỹ, chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7, nhận định trên báoTuổi trẻ.
3 phương án có thể Trung Quốc sẽ làm trên Biển Đông - Ảnh 1

Trung tướng Phạm Văn Dỹ, chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7.


Cũng trên tờ này, Tướng Dỹ cho biết: Người Trung Quốc từng năm lần xâm chiếm biển đảo của chúng ta và đây là lần thứ sáu trong khi đất nước ta ở trong các thể chế khác nhau. Tại mỗi thời kỳ như vậy chúng ta lại có những phương lược, sách lược khác nhau.
Lịch sử cho thấy kể từ lần thứ nhất năm 1946, trong tình thế đất nước ta ngàn cân treo sợi tóc trước sự trở lại của người Pháp và đó cũng là lúc Liên Hiệp Quốc yêu cầu người Trung Quốc đến giải giáp quân Nhật. Lúc đó, khoảng trống có lợi cho Trung Quốc, họ ra đòn. Họ cũng tranh thủ chiếm luôn đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).
Năm 1949, Trung Quốc giải phóng thì họ rút ra, nhưng họ đã lộ rõ ý đồ chiếm các đảo của Việt Nam. Lần thứ hai vào năm 1956, sau hiệp định Genève, người Pháp phải rút đi, quân đội chưa mạnh, Mỹ chưa can thiệp, họ ra đòn. Khi ấy quân đội Việt Nam cộng hòa chưa có tàu nên Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Lần thứ ba là năm 1959 họ ra đòn nhưng không thành công. Trung Quốc mang quân qua chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng quân đội Việt Nam cộng hòa đã có mặt ở đó.
Lần thứ tư là năm 1974, người Mỹ rút hạm đội 7, quân đội giảm quân số ở Hoàng Sa từ một tiểu đoàn xuống một trung đội địa phương, họ tiếp tục ra đòn (Trung Quốc mang quân tấn công phần phía tây quần đảo Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam cộng hòa quản lý). Ngày 14-3-1988, lúc ấy quân đội chúng ta vẫn đang làm nhiệm vụ thời chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Và lúc đó, chúng ta cũng bị cấm vận bốn bề họ lại ra đòn (Trung Quốc đã đưa quân vào chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa).
Và bây giờ, là lúc mà khoảng trống quyền lực đã được tạo ra bởi Ukraine và nhiều khu vực khác trên thế giới. Các cường quốc khác như Mỹ, Nga... đang bị phân tán thì họ lại ra đòn.
3 phương án có thể Trung Quốc sẽ làm trên Biển Đông - Ảnh 2

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam.


3 Phương án Trung Quốc có thể làm
Nói về các phương án Trung Quốc có thể làm trên Biển Đông, tờ Tuổi trẻ dẫn lời Trung tướng Phạm Văn Dỹ:
Việc người Trung Quốc ra đòn lần này, nếu thuận lợi họ sẽ làm những gì họ cần làm, họ khoan thăm dò và khai thác dầu ngay trong nhà của ta. Còn nếu không được họ có thể có các phương án khác. Chúng ta có thể dự kiến thấy những phương án này.
Thứ nhất: Rút giàn khoan. Đó là hồng phúc của hai dân tộc. Điều
này cũng có thể xảy ra bởi có thể người ta nghe ra lẽ phải và đối mặt với sự thật, chúng ta không mong gì hơn điều đó. Và chúng ta đang dàn xếp với họ để phát triển kinh tế và bang giao, ổn định khu vực.
Thứ hai: Cũng có thể họ sẽ tạo nên trạng thái dằng dai, trong quá trình dằng dai đó họ chờ đợi chúng ta bộc lộ sơ hở, và họ chờ chúng ta sa vào bẫy đối đầu, xung đột quân sự. Nếu chúng ta nổ súng trước thì đó là cái cớ để họ đi những bước tiếp theo rất phiêu lưu. Họ sẽ kích hoạt thùng thuốc nổ không chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc mà trên toàn biển Đông, mà điều đó không ai muốn. Và chúng ta đã giữ trong thế chủ động, khôn khéo và cả sự dũng cảm đầy chiến lược nữa. Sự khôn khéo ở đây không phải là lấp liếm sự thật, cũng không đánh lừa ai mà khôn khéo để không mắc bẫy của người Trung Quốc.
Thứ ba: Nếu vì lý do nào đó hoặc ngông cuồng, sự phiêu lưu nào đó mà họ lấn tới thì chúng ta phải tăng áp lực đấu tranh và đến chừng mức nào đó họ dùng bom đạn thì chúng ta cũng dùng bom đạn, điều đó không có gì phải bàn. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền tự vệ thiêng liêng của mình. Và chúng ta đang mong chờ ở phương án thứ nhất, chúng ta làm tất cả những gì có thể làm trong giải pháp hòa bình. Bởi điều đó không chỉ riêng cho chúng ta mà cho cả nhân dânTrung Quốc.
Trung Quốc tăng cường tàu tiếp tế quân sự lớn nhất tới Biển Đông
Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chuẩn bị triển khai ít nhất một tàu tiếp tế quân sự Type 903A đến Biển Đông để gọi là "tăng cường sức mạnh trong khu vực này", theo tờ Thời báo Hoàn cầu.
3 phương án có thể Trung Quốc sẽ làm trên Biển Đông - Ảnh 3

Tàu tiếp tế quân sự Weishanhu thuộc Type 903A của Trung Quốc. 


Trước đó, hồi ngày 31.5, Trung Quốc đã một lần đưa tàu hỗ trợ lớn nhất trong Type 903A là tàu Fuchi đến Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông). Với khả năng mang theo 11.000 tấn hàng hóa, tàu tiếp tế quân sự lớp Type 903A được cho là có thể cung cấp nhiên liệu và thực phẩm cho các tàu chiến Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển rộng.
Nó có thể cung cấp nhiên liệu đủ cho hai tàu chiến hoạt động, đồng thời cũng có thể mang theo hai máy bay trực thăng Z-8 để thả dù hàng tiếp tế cho các tàu khác.
Theo tờ Want China Times, tàu Fuchi sẽ phục vụ trong biên chế của Hạm đội Nam Hải. Không những thế, hiện hải quân Trung Quốc cũng đã triển khai các tàu khu trục tên lửa lớp 052D ở Biển Đông.
Hiện Trung Quốc đang có 5 tàu hỗ trợ quân sự Type 903A, trong đó có 2 tàu là Weishanhu và Qiandaohu đóng quân ở khu vực Vịnh Aden "để thực hiện sứ mạng quốc tế"(?), còn 2 tàu khác được triển khai trong biên chế của Hạm đội Đông Hải.
Cách đây không lâu, nhật báo Jiucheng cho biết PLA đang có kế hoạch biên chế tàu hộ vệ mới nhất thuộc Type 056 là tàu Lô Châu cho Hạm đội Nam Hải và điều tới hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nếu kế hoạch này được thực hiện, tàu Lô Châu sẽ trở thành tàu hộ vệ Type 056 thứ sáu được biên chế vào Hạm đội Nam Hải.
Tàu cá Trung Quốc manh động hơn, liên tục đẩy ép tàu cá Việt Nam
Thông tin từ Cục kiểm ngư ngày 8/6 cho biết, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng gần 120 tàu các loại, trong đó có 4 tàu quân sự ở xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
3 phương án có thể Trung Quốc sẽ làm trên Biển Đông - Ảnh 4

Ngày 8/6, tàu hải cảnh 21102 của Trung Quốc đã liên tục hú còi, ngăn cản tàu Cảnh sát Biển 4032 và các tàu Kiểm ngư của Việt Nam thực thipháp luật trên biển.

Tàu cá Trung Quốc đã có biểu hiện manh động hơn, liên tục đẩy ép tàu cá Việt Nam khi đang khai thác ở ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ra cách xa giàn khoan khoảng 40 hải lý.
Trước sức ép của các tàu Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn chủ động, bình tĩnh xử lý để đảm bảo an toàn, kiên trì đấu tranh bằng phương pháp tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Các tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn an toàn và tiếp tục kiên cường bám ngư trường truyền thống ở vùng biển Hoàng Sa.

Mai Nguyên (Tổng hợp)
Nguồn nguoiduatin.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét