Trang Chủ

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

EVN lãi to nhờ tăng giá điện

Giá điện tăng là một trong những yếu tố giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có lãi vượt kế hoạch được giao


Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố Báo cáo giám sát năm 2013 tóm tắt của công ty mẹ - EVN. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế toàn tập đoàn đạt 9.197 tỉ đồng, riêng công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế là 8.239 tỉ đồng. Sau khi bù các khoản lỗ lũy kế thì toàn tập đoàn còn 547 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ còn 267 tỉ đồng.
Hưởng lợi từ 2 lần tăng giá
Theo EVN, có nhiều nguyên nhân giúp tập đoàn này hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi vượt kế hoạch được giao như tình hình thời tiết thủy văn được đánh giá là có nhiều thuận lợi, công trình thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành đã làm cho sản lượng thủy điện tăng cao hơn, tỉ giá ngoại tệ ổn định…
Hiện lượng điện bị thất thoát vẫn còn khá cao. Trong ảnh: Cải tạo lưới điện trên đường Lê Văn Sỹ (TP HCM)  Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện lượng điện bị thất thoát vẫn còn khá cao. Trong ảnh: Cải tạo lưới điện trên đường Lê Văn Sỹ (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, đáng lưu tâm nhất vẫn là 2 lần tăng giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành bán lẻ điện trong năm 2013, đó là thời điểm ngày 21-12-2012 (tạo điều kiện áp giá điện mới ngay từ đầu năm 2013) và ngày 1- 8-2013. Cả 2 lần có mức tăng đều
là 5%. Trong năm 2013, giá bán lẻ điện bình quân có 2 mức: trước ngày 1-8 là 1.437 đồng/KWh và sau ngày 1-8 là 1.508,5 đồng/KWh. Nhờ vậy, giá bán điện bình quân trên thực tế năm 2013 của EVN đã tăng 134,5 đồng/KWh so với năm 2012, tương đương với tỉ lệ tăng 9,8%.
Ngoài ra, tại báo cáo tổng kết hồi cuối năm 2013, EVN cũng cho biết trong năm, các tổng công ty điện lực đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở 179 xã, bán điện trực tiếp đến hơn 202.000 hộ dân, giá bán điện bình quân tăng tùy khu vực từ 200-300 đồng/KWh đã góp phần nâng giá bán điện bình quân toàn tập đoàn.
Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng giá điện tăng với các mức như trên đã giúp EVN có điều kiện cân đối thu chi tốt hơn, đồng thời cũng mang lại lợi nhuận không nhỏ cho tập đoàn. “Theo tính toán, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của EVN đạt 5,5%, tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản đạt 2,2% tuy chưa phải là con số cao nhưng đều tăng mạnh so với năm 2012. Hơn nữa, lợi nhuận của ngành điện đã tăng khá trong thời gian gần đây khi năm 2012 lãi 4.404 tỉ đồng sau khi bù lỗ lũy kế tới 18.200 tỉ đồng; năm 2013 lãi hơn 9.000 tỉ đồng sau khi đã bù lỗ khoảng 8.000 tỉ đồng còn lại từ các năm trước thì không thể phủ nhận giá điện đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho tập đoàn nhà nước này” - ông Trần Đình Long nhìn nhận.
Đầu tư lãng phí, mua điện giá cao
Mặc dù EVN nhiều lần khẳng định không hề đưa chi phí xây dựng biệt thự, chung cư, sân tennis vào giá điện song nhiều ý kiến vẫn nghi ngờ cho rằng đây chính là lý do làm giá điện bị đội lên.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội ở kỳ họp thứ 7 vừa kết thúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ có đề nghị hướng dẫn EVN đưa chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện vào chi phí sản xuất - kinh doanh điện. Trường hợp nhà ở trực tiếp có thu tiền thuê thì số tiền thu được hạch toán giảm chi phí giá thành điện. Cũng tại Quốc hội, Bộ Công Thương đã thừa nhận chi phí xây dựng Nhà máy Điện Phú Mỹ 1 được tính vào giá thành điện, mỗi năm 1-3 tỉ đồng trên tổng chi phí điện hàng ngàn tỉ đồng!
Theo một chuyên gia ngành điện, việc tính toán các công trình quản lý, vận hành điện, nhà ở của công nhân, chi phí xây nhà máy điện… vào giá điện sẽ khiến giá điện chịu thêm gánh nặng. “Vấn đề là phải chỉ rõ hạng mục nào được hạch toán vào giá điện, hạng mục nào không; đồng thời, EVN cần hạn chế đầu tư dàn trải, lãng phí; nếu không, khó khăn không chỉ đổ lên đầu người dân thông qua giá điện mà ngành này cũng sẽ gặp khó trong thu xếp vốn đầu tư” - chuyên gia này phân tích.
Một nguyên nhân khác dẫn đến giá thành điện bị đội lên được các chuyên gia chỉ ra là do EVN đã “phóng tay” mua điện giá cao và bỏ qua nhiều nguồn phát giá rẻ trong nước. Theo PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế năng lượng, Việt Nam chính thức mua điện của Trung Quốc từ năm 2009 theo hợp đồng giữa EVN và Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD). Theo số liệu ước tính, năm 2012, EVN đã mua từ Trung Quốc khoảng 2,5-2,8 tỉ KWh điện. Số liệu mua điện Trung Quốc năm 2013 được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải trình trước Chính phủ mới đây là khoảng 2 tỉ KWh, năm 2014 dự kiến thấp hơn một chút.
“Tính riêng năm 2012, Việt Nam dư sản lượng và công suất nhưng vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc với giá 6,08 cent/KWh, tương đương 1.300 đồng/KWh, tăng so với mức 5,8 cent/KWh năm 2011. Trong khi đó, một số lớn nhà máy nhiệt điện trong nước chỉ phát 70%-80% công suất và các nhà máy thủy điện công suất dưới 30 MW giá rẻ không được mua. Giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước chỉ khoảng 800-900 đồng/KWh, có khi phải chào giá 0 đồng để được phát” - PGS-TS Nguyễn Minh Duệ nói. Theo ông, việc mua điện giá cao từ nước láng giềng này là không thuận lợi, gây khó khăn cho việc phát huy năng lực nội địa cũng như bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Cần xem xét lộ trình điều chỉnh giá
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng lợi nhuận phải đi đôi với việc tiết giảm chi phí sản xuất - kinh doanh; đối với ngành điện còn là nỗ lực giảm tổn thất điện năng vốn là vấn đề tồn tại trong nhiều năm.
Theo ông Long, nếu vẫn chưa khắc phục được những điểm đó thì rõ ràng lợi nhuận của EVN đã làm thiệt hại đến người tiêu dùng. “Hơn nữa, điện là đầu vào của mọi ngành sản xuất, quyết định đến sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thì cần xem xét đến lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý với nền kinh tế và mức sống người dân” - TS Long đề xuất.

Phương Nhung




Theo nld.com.vn  
                                          

 
                                   

Xem thêm>>    Ưu ái cho độc quyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét