Thuốc Nam Yên Thế : - Điều kỳ diệu nào đã làm thay đổi cuộc đời của những đại ca giang hồ khét tiếng buông dao gác kiếm trở thành những con người lương thiện, thành đạt trong xã hội.
Họ đã bừng tỉnh khi gặp ánh sáng của Phật Pháp, chỉ có ánh sáng của Phật Pháp nhiệm màu mới có thể làm biến chuyển một con người lầm đường lạc lối quay về với cuộc đời lương thiện.
Thuốc Nam Yên Thế xin chia sẻ tới bạn đọc những câu chuyện về cuộc đời của giang hồ Lê Lam, Lê Thừa Dương Hùng trỏ thành những phật tử " Tịnh Long, Tịnh Tín "
Video: 2 đại ca giang hồ kể về con đường đến với Phật Pháp
Video: 2 đại ca giang hồ kể về con đường đến với Phật Pháp
Thuốc Nam Yên Thế
Duyên kỳ ngộ của sát thủ giang hồ Hùng “sầu” với cửa Phật
Hùng “sầu” hay Hùng “xăm”, cái tên chẳng xa lạ gì trong giới giang hồ từ Bắc chí Nam, khét tiếng đòi nợ thuê, chém mướn, thậm chí sẵn sàng giết người, đến với cửa Phật quả là duyên kỳ ngộ.
Đại ca giang hồ chém người từ năm 13 tuổi
Mở mắt chào đời, cậu bé Lê Thừa Dương Hùng chẳng biết mặt cha. Lên 8 tuổi (năm 1980), mẹ bước thêm bước nữa, vậy là từ đó Hùng phải sống trong cảnh “con ông, con bà”.
Hàng ngày Hùng phải chịu những trận đòn roi từ cha dượng "nát rượu" nếu không kiếm được mồi nhậu cho ông.
Thương mẹ nhưng vì không chịu nổi những trận đòn roi, vậy là Hùng bỏ nhà đi tìm cha.
Cháu Lê Thừa Dương Hậu (con trai duy nhất của Hùng "sầu"), dù mới 3 tuổi nhưng đã ăn chay và biết đọc kinh Phật. |
Rong ruổi hết vùng Bình Trị Thiên nhưng Hùng vẫn không tìm được cha, vậy là Hùng đã đặt chân vào đất Huế.
Để có được miếng ăn, Hùng đã gia nhập nhóm bảo kê tại ga tàu Huế với biệt danh Hùng “sa đọa” dưới sự cai quản của đại ca Lê Lam. Công việc của Hùng là theo chân đàn anh đi đòi nợ, chém nhau hoặc bảo kê.
Tuy chưa tròn 10 tuổi nhưng với cái bản chất lì lợm, bất cần đời, cái tên Hùng “sa đọa" đã để lại dấu ấn trong giới tay anh chị trên đất Huế lúc bấy giờ.
Vào giang hồ chưa bao lâu thì Hùng bị bắt đi cưỡng chế lao động 24 tháng, với tội danh đánh người gây thương tích, phá rối trật tự công cộng.
Vừa bước chân ra khỏi trại cưỡng chế, Hùng được đại ca Lê Lam đón về để tiếp tục tung hoành giang hồ.
Trong một lần đi thanh toán giang hồ, Hùng đã thẳng tay chém đứt bàn tay và cắt tai của một thanh niên. Lần này Hùng đã bị tra tay vào còng số tám, tuy nhiên chỉ giam được 21 ngày thì Hùng đã trốn trại và bỏ vào Sài Gòn. Đó là năm 1990.
Vào Sài Gòn, Hùng đã gia nhập với băng nhóm Tâm "voi", chuyên ăn xin, đòi nợ thuê, thanh lý giang hồ khu vực Ngã tư An Sương, với biệt danh mới là Hùng "sầu".
“Toàn bộ khu vực ngoại thành xung quang Ngã tư An Sương đều do anh em nhóm Tâm “voi” quản lý, khu vực khác thuộc địa phận chú Năm (tức Năm Cam)”, Hùng "sầu nói.
Ở Sài Gòn được 2 năm thì có lệnh truy nã, Hùng phải chạy qua Campuchia rồi sau đó qua Lào, trốn được 5 tháng thì phải quay về vì Tâm "voi" bị giết.
Từ khi tiếp quản, Hùng tiếp tục công việc của Tâm “voi”, "dìu dắt" hàng trăm tay giang hồ. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm thì Hùng đã bị bắt và lãnh án tù 4 năm.
Từng cưu mang 167 người lạc lối
Nhân dịp lễ 2/9/1999, Hùng được ân xá trước thời hạn 6 tháng. Ra tù Hùng chẳng biết làm gì và phải bắt đầu từ đâu, khi mà xã hội kỳ thị một thằng vào tù ra tội, thêm vào đó là nghiện ma túy.
“Có đôi lúc tôi muốn quay trở lại con đường cũ để tiếp tục sát cánh cùng anh em, có đi tù nữa cũng chẳng sao”, Hùng nói. Trong lúc đang đắn đo, Hùng đã về thăm em gái cùng mẹ khác cha đang sống tại Bà Điểm, thì mới hay tin rằng đại ca Lê Lam đã từ Huế vào Sài Gòn quy y tại một ngôi chùa nhỏ ở Ngã tư Gò Dưa. Qúa bất ngờ với thông tin này, Hùng đã tìm đến gặp Lê Lam.
Từ khi quy y cửa Phật, Lê Lam cùng gia đình nhỏ sống bằng nghề xe ôm và bán rau tại chợ Gò Dưa.
Gặp Lê Lam, Hùng tự đặt câu hỏi “chùa có gì hay mà có thể cảm hóa được một đại ca khét tiếng đất Huế một thời?”, vậy là Hùng quyết tâm tìm hiểu.
Ngôi chùa Hùng đặt chân đến đầu tiên để tìm hiểu là chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn – Tp.HCM). Tiếng chuông chùa, tiếng kinh đã thôi thúc Hùng bỏ hết tất cả để làm lại từ đầu.
“Tôi cảm thấy trong lòng phấn chấn hẳn, một cảm giác lạ kỳ mà không một từ ngữ nào miêu tả được”, Hùng nói.
Hùng đã nhờ trung úy Dũng Nhung, công an hình sự huyện Hóc Môn, (đã mất - PV) cai nghiện giúp mình. “Tôi kêu anh Nhung nhốt tôi trong một căn nhà, cung cấp lương thực đủ cho tôi trong 15 ngày để tôi cai, cuối cùng tôi đã làm được”, Hùng nói.
Cai nghiện xong, Hùng làm đủ mọi nghề để sống, từ phụ hồ cho đến thợ may, tuy nhiên anh chỉ bén duyên với nghề điêu khắc khi đi làm cho một công ty điêu khắc Việt – Nhật.
Hùng "sầu" giờ đây chỉ chăm lo công việc tạc tượng Phật sau hơn chục năm tung hoành giang hồ. |
Với khả năng thiên bẩm và lòng say mê làm việc, chưa đầy 3 tháng, Hùng đã lên làm kỹ thuật xưởng. Công việc tưởng chừng như yên ổn, không ngờ vì ganh tị trong công việc nên Hùng đã bị đồng nghiệp thuê giang hồ “xử”. Tuy nhiên trớ trêu thay, giang hồ được thuê đó lại là đàn em ngày xưa của Hùng. Dù vậy nhưng Hùng vẫn bắt tay làm hòa với đồng nghiệp để cùng phấn đấu.
Đến 2005, sau khi dành dụm được số tiền gần 50 triệu đồng, Hùng đã ra mở xưởng sản xuất riêng, chuyên tạc tượng Phật.
Xưởng mộc của Hùng "sầu" là nơi giúp nhiều tay giang hồ phục thiện. |
Sau hơn 9 năm lập nghiệp với bao lần “lên voi, xuống chó”, Hùng đã gây dựng được sự nghiệp riêng cho mình, dạy nghề miễn phí cho 167 người từng lầm đường lạc bước. Giờ đây, Hùng “sầu” có quyền hãnh diện với những thế hệ học trò của mình và gia đình nhỏ với đứa con trai 3 tuổi kháu khỉnh.
Quay đầu là bờ
Từ ngày đến với cửa Phật và quy y với pháp danh Tịnh Tín, Hùng “sầu” đã tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm của mình, dù đó chỉ là một phần.
“Tôi đã tìm gặp và tạ lỗi với người thanh niên từng bị tôi chém, mặc dù tôi biết rằng đã quá muộn”, Hùng bộc bạch.
Hùng “sầu” cũng đã trở lại Bình Phước và quỳ lạy trước vong linh của một thai nhi bị chết trong một lần giằng co với một người phụ nữ khi đi đòi nợ thuê. Mặc dù bị cha đứa trẻ đánh đập rất nhiều, nhưng Hùng biết rằng nỗi đau của mình chẳng là gì với người cha mất con.
Hùng cũng đã khuyên nhủ nhiều đàn em quy y cửa Phật, hướng Phật làm lại cuộc đời. Đã có hơn một trăm người làm theo, phục thiện, trong đó có 3 người xuống tóc đi tu.
Với Hùng “sầu”, mỗi người khi sa chân vào vũng bùn giang hồ là mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung là họ không xác định được con đường đi cho mình, và không ai dìu dắt họ khi mà xã hội còn nhiều kỳ thị với họ.
Có một người mà Hùng không bao giờ quên được, đó là trường hợp của Hồ Bảo Thắng. Năm 13 tuổi, Thắng đã giết chết người. Vừa ra trại, Thắng được một người quen dẫn vào gặp Hùng. Hùng đã dùng cả tấm lòng của một người thầy, một người anh để dạy nghề cho Thắng. Trước tấm lòng của Hùng và sự sám hối, ngày 8/2/2010, Thắng đã xuống tóc đi tu tại Tịnh xá Trung Tâm quận Bình Thạnh, lấy pháp danh Thiện Thông.
Nhiều bậc cha mẹ cũng đã tìm đến gặp Hùng nhờ dạy nghề cho con họ và giúp đỡ con họ xa rời cái xấu.
Bà Lê Thị Xuân (64 tuổi, ngụ Trịnh Đình Xu, quận 1) cũng đã dắt đứa con trai duy nhất của mình từng lầm đường lạc lối đến học nghề và nhờ sự giúp đỡ của Hùng. “Tôi tin tưởng con tôi sẽ thành người nếu được sự dạy dỗ của anh Hùng”, bà Xuân nói.
Cái tên Hùng “sầu” lại một lần nữa không xa lạ gì với mọi người. Tuy nhiên đó không phải là ấn tượng xấu về tay anh chị của những năm 90 mà đó là Hùng “sầu” có tấm lòng khoan dung, ngày ngày đang chỉ đường dẫn lối cho nhiều mảnh đời lầm lỡ, là Hùng “sầu” với nghề làm tạc tượng Phật.
Nguồn doisongphapluat.com
Giang hồ băng đảng khét tiếng miền Trung và hành trình quy y cửa Phật
Từ khi hơn 10 tuổi, Lê Thừa Dương Hùng đã gia nhập băng nhóm giang hồ, chuyên đòi nợ thuê, cướp của. Sở hữu rất nhiều thành tích bất hảo, nhiều lần vào tù ra tội, một lần, đứng trước một ngôi chùa không hiểu ai xui ai khiến, Hùng bước chân vào ngôi chùa. Có lẽ, đó là cái duyên lạ lùng nhất khiến một kẻ như “con ngựa bất kham” quy y cửa Phật.
Hùng, sinh năm 1973, là cậu bé miền biển nghèo xã Hải Khê (Hải Lăng - Quảng Trị), do bố mẹ bỏ nhau, Hùng ở với mẹ. Sau đó, mẹ đi bước nữa, cậu bé luôn chịu sự hắt hủi của cha dượng, 7 tuổi đã bỏ nhà vào Huế lang thang sống cảnh đầu đường xó chợ. Lúc đầu cậu bé cũng phải vắt kiệt sức để kiếm cái ăn, nào bốc hàng thuê, trông coi cửa hàng, bán nước rong. Rồi còn bị bắt nạt, đánh đập tàn nhẫn. Đêm, nằm dưới gầm cầu thút thít khóc để rồi mệt lả thì thiếp đi, sáng sau tiếp tục cuộc sống mưu sinh.
Lang thang được 2 năm cậu bé 9 tuổi thèm hơi ấm của mẹ đã tìm về quê, nhưng tiếp tục bị hắt hủi, cậu lại bỏ đi. Lê Thừa Dương Hùng tâm sự: “Hai năm nếm trải đau khổ, vất vả khiến đứa trẻ là tôi lúc đó cũng hiểu ngoài đời cơ cực lắm rồi. Nó cơ cực hơn tôi tưởng, tôi muốn sống bình thường bên gia đình nhưng có được đâu, nên một lần nữa tôi rời bỏ ngôi nhà của mình”.
Có lẽ, với chuyến đi đó, với sự hậm hực đau khổ của một đứa trẻ mới lớn, bực tức chán chường thì bỏ đi chứ Hùng không thể tưởng tượng được mình sẽ sống ra sao, bằng gì. Ngay cả đến sau này, Hùng cũng không hình dung nổi lần ra đi thứ hai ấy chính là chuyến đi dẫn cậu đến những cạm bẫy, dấn sâu vào con đường tội lỗi.
Cập bến giang hồ và cuộc thanh trừng đẫm máu
Suốt những năm lang thang, đời xô đẩy, giao lưu với những kẻ giang hồ, du đãng, dạy cho Hùng nhiều “ngón nghề” để tồn tại, cũng tạo thêm cho cậu sự lì lợm và độ nhanh nhạy để ứng phó tồn tại ngoài xã hội. Hùng gia nhập băng nhóm giang hồ Lê Lam - khét tiếng, khuynh đảo khắp miền Trung.
Và rồi, năm 15 tuổi, Hùng đã bị bắt tạm giam vì gây thương tích cho người khác. Được tha, Hùng lại quậy phá, không ngại đâm chém, với biệt danh Hùng “sầu”, cậu sớm nổi danh trong giới giang hồ ở các ngóc ngách bến xe, bến tàu ở hai tỉnh Quảng Đà (nay là Đà Nẵng, Quảng Nam) và Bình - Trị - Thiên (nay là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Trong một lần thanh trừng giữa các băng nhóm, bàn tay Hùng nhuốm máu. Hôm đó theo lệnh đại ca, Hùng dẫn đầu đám đàn em đi “giảng hòa” với băng nhóm “không đội trời chung” đòi giết đại ca Lê Lam. Cuộc thương lượng đẫm máu, đến giờ Hùng vẫn nhớ như in. Đánh người, bị tóm lần hai và bị kết án 3 năm tù. Được một thời gian, Hùng tìm cách trốn sang Campuchia, vượt qua bao vòng truy nã, rồi tìm cách về TP Hồ Chí Minh làm kẻ đòi nợ thuê, bảo kê ở bến xe và khu vực An Sương. Bị truy nã ráo riết, năm 1989 Hùng “sầu” nhanh chân ngược ra Bắc. Y liên lạc với các đối tượng giang hồ ở miền Nam và hoạt động nghề chăn dắt gái mại dâm. Bị truy quét gần một năm sau, Hùng ngược vào Nam với nghề cũ. Lại tiếp tục mang án 3,5 năm trong tù. Nhưng lần này, Hùng “sầu” được học chữ, biết đọc sách báo nhưng đến khi mãn hạn tù, như con chim sổ lồng, Hùng trở lại vùng vẫy giang hồ và sa vào nghiện ngập. Hùng “sầu” trở thành con ma đói.
Thức tỉnh nơi cửa Phật
Đi cầu cạnh các bè bạn giang hồ xưa, Hùng chỉ thấy họ sống cuộc đời dặt dẹo. Người thì chết vì sốc ma túy, người chết do HIV. Tìm đến “đại ca” trước đây là Lê Lam, tướng cướp khét tiếng một thời đã hoàn lương và làm nghề “xe ôm” ở TP Hồ Chí Minh. Có cô người yêu, thì đã bị chết vì sốc thuốc. Trước lúc chết, cô dặn Hùng phải làm lại cuộc đời, Hùng khóc, và hứa. Cuộc đời Hùng “sầu” tưởng như chấm dứt, không còn chỗ nương tựa bấu víu trong lúc thân tàn ma dại thì bước ngoặt cuộc đời lại đến với hắn.
Một chiều, tháng 10-1999, Hùng mang trên mình đầy những vết sẹo dọc ngang của những ngày phiêu bạt giang hồ dừng lại thật lâu trước cổng chùa Đông Linh (Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh). Đôi mắt dữ dằn ngày nào giờ nhìn không chớp vào cửa Phật. Lần đầu tiên được chạm vào ngõ Phật nhưng lại ngập ngừng không dám bước vào chính điện tôn nghiêm. Không hiểu lúc đó thế nào mà Hùng cảm thấy đôi chân mình khuỵu xuống khi nhìn thấy tượng Phật. Anh run lên như đã tìm thấy một điều kỳ diệu cho lối thoát của cuộc đời mình. Từ đó Lê Thừa Dương Hùng quyết định từ giã giang hồ. Hùng tìm thuê một căn phòng trọ giá 150.000 đồng/tháng, mua mì gói về dự trữ rồi khóa cửa lại, ném chìa ra ngoài, cương quyết tự cai nghiện. Suốt 16 ngày giam mình trong từng cơn vật vã đớn đau, Hùng đã từ bỏ được “cái chết trắng”. Những ngày này Hùng đến chùa Đông Linh nhiều hơn và đã giác ngộ từ lúc nào không hay. “Tôi không thể nào quên được cảm giác đầu tiên khi bước chân vào chính điện, tôi cảm thấy chân mình như bị chựng lại vì mặc cảm tội lỗi. Nhưng khi ngước nhìn lên Đức Phật với ánh mắt từ bi, bao dung của Ngài đã giúp cho tôi cảm nhận được sự yêu thương và mạnh dạn lễ Phật... Kế đó tôi được Sư cô trụ trì dạy cho cách dâng hương, lễ Phật, tập làm công quả và học về giáo lý của Đức Từ Phụ. Sau này tôi hữu duyên được thầy Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp cho quy y Tam Bảo với pháp danh Tịnh Tín, và tham dự các khóa tu Phật thất giúp cho tôi càng tín tâm với Phật pháp...”, Hùng cho biết.
Hùng ước mơ sẽ làm nghề điêu khắc hình tượng của Đức Phật bằng chính đôi tay của mình với mong muốn sám hối tội lỗi đã gây tạo trước đây. Thật may, năm 1994 nhà điêu khắc Đoàn Minh Nhật, đến thuê mặt bằng gần chỗ Hùng trọ. Ông Minh Nhật nhận Hùng làm đệ tử và anh miệt mài theo học nghề từ năm 1995-1998. Được thầy trao truyền nhiều kỹ năng, kỹ xảo đã giúp Hùng trở thành một nghệ nhân điêu khắc gỗ… Cuối năm 2005, Hùng mạnh dạn mở cơ sở Điêu khắc gỗ Dương Hùng, thu nhận hai em cùng quê, cũng từng vào tù ra tội để dạy nghề, cùng với tấm bảng trước cơ sở: “Nơi đây nhận dạy nghề điêu khắc miễn phí và ưu tiên cho các em có hoàn cảnh cơ nhỡ” và con số các em xin vào học việc tăng dần lên 15 em với tuổi đời từ 14 đến 30 tuổi.
Những người thật sự cảm thông và ghi nhận sự vượt thoát ngoạn mục của Hùng. Họ hy vọng anh sẽ có điều kiện để làm nhiều điều thiện hơn nữa, chuộc lại lỗi lầm. Lê Thừa Dương Hùng cho biết, nửa đời dặt dẹo, vô nghĩa, giờ là lúc anh làm lại cuộc đời, trả nợ cho những gì anh đã gây ra.
Nguồn anninhthudo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét