Trang Chủ

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Không nên nói xấu chồng trên Facebook

Với hầu hết đàn ông, việc bị vợ "tố tội" trước bàn dân thiên hạ là điều tối kỵ. Do đó, những dòng tâm sự thiếu cân nhắc của các chị vợ luôn tiềm ẩn nguy cơ khiến "chiến tranh" sẽ "leo thang".

Facebook xứng đáng là một phát minh vĩ đại của thế kỷ 21 bởi công dụng của nó trong việc kết nối con người trên toàn thế giới. Với mỗi cá nhân, mạng xã hội này còn là công cụ hữu hiệu để bày tỏ và chia sẻ với những người trong vòng kết nối (friends) về mọi suy nghĩ, cảm xúc lẫn hoạt động của mình. Vì thế, dòng đầu tiên của mỗi trang Facebook được thiết lập là "trạng thái" (status). Vốn dĩ là trang cá nhân nên chủ nhân có quyền "trút" lên đó mọi thứ mà mình muốn, từ đây mới nảy sinh ra một hiện tượng mới: Nói xấu chồng chốn... "phây-búc"!
Mới hôm qua, một người bạn trong friendlist
(danh bạ) của tôi thể hiện cơn giận ngùn ngụt của mình qua từng câu chữ: "Chồng kiểu gì đây? Nhà cửa, con cái xem như là việc của riêng vợ. Đi làm thì ít, đi nhậu thì nhiều. Nhậu mà ra tiền thì cũng đỡ, đằng này cả tháng chỉ đưa vợ được vài đồng, không đủ tiền mua sữa cho con. Vợ ốm, con đau cũng mặc kệ, bạn bè là trên hết. Bạn kêu buồn là sẵn sàng lang thang chia sẻ cùng bạn nhưng chưa bao giờ lắng nghe vợ quá 5 phút hay chơi cùng con được 10 phút. Nói ra thì bảo vợ lắm lời. Không nói thì phải chịu đựng đến bao giờ?"...
"Bản cáo trạng" của chị dành cho chồng khá chi tiết với đầy đủ thói hư, tật xấu của anh. Khá quen với những lời than vãn, chỉ trích chồng của chị trên Facebook nên một số người phớt lờ, các bạn bè thân thiết, hiểu rõ hoàn cảnh thì chia sẻ và hầu hết đều khuyên chị bình tĩnh, tìm cách "hạ hoả", sau đó nói chuyện mềm mỏng nhưng thẳng thắn, kiên quyết với chồng về trách nhiệm chung với gia đình.
Lợi ích của việc "nói xấu" chồng trên Facebook đó là người vợ có một chỗ để "xả" cơn giận dữ, nỗi ấm ức ngay lập tức. Con người hầu hết đều có nhu cầu được chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, đặc biệt khi họ đang chìm trong trạng thái tinh thần tiêu cực. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có người thân, bạn bè để ngồi bên cạnh lắng nghe hoặc "buôn điện thoại" cùng mình. Do đó, lợi ích này của Facebook được khai thác triệt để. Chưa kể, sau khi chia sẻ, họ có thể nhận lại được những lời góp ý, khuyên bảo hiệu quả để bình tâm lại và có những giải pháp cải thiện tình hình gia đình.
Tuy nhiên, sử dụng Facebook để "tố tội" chồng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giận quá, các chị vợ có bao nhiêu ý nghĩ, lời lẽ xấu xa nhất đều sẵn sàng "tặng" cho chồng. "Bi kịch" là các ông chồng cũng dùng Facebook và có kết bạn (add friend) với vợ thì những lời kia chẳng khác nào "ném thẳng" vào mặt chồng, mà tệ hơn nữa là dòng trạng thái (status) đó được thiết lập ở chế độ "công khai" (public) hoặc "bạn bè" (friends) thì chưa đầy một giây sau, mọi xung đột trong nhà đã được phơi bày cho thiên hạ.
Với hầu hết đàn ông, đây là điều tối kỵ. Do đó, với những dòng tâm sự thiếu cân nhắc của các chị vợ sẽ khiến nguy cơ "chiến tranh" càng "leo thang" giữa hai vợ chồng. Như trường hợp chị bạn tôi, khi chồng chị đọc được dòng tâm sự ấy đã bình luận ngay: "Đúng vậy, đàn ông cũng sai lầm nếu lấy người vợ chẳng ra gì". Cuộc "chiến tranh" này có nguy cơ mở rộng với sự tham gia của mẹ chồng, em chồng, bạn bè chồng... bởi sớm muộn, chuyện gì cũng đến tai họ.
Ngoài ra, người xưa vốn có câu: "Xấu chàng hổ ai" và tư tưởng này còn tồn tại trong khá nhiều người Việt Nam, kể cả nam lẫn nữ. Vì thế, khi người vợ kể xấu chồng, không ít người không hiểu rõ nội tình gia đình sẽ cảm giác khó chịu và suy đoán: Chắc cô vợ này cũng chẳng ra sao nên chồng mới thế hoặc có chuyện gì thì đóng cửa bảo nhau, có đâu kiểu vợ đem chuyện xấu của chồng lu loa cho cả làng. Sau dòng tâm sự của mình, người phụ nữ cũng nhận được nhiều bàn tán, đại loại: Vợ kiểu này cũng vào hàng đanh đá, chua ngoa nên chồng mới không nói chuyện nổi quá 5 phút. Như vậy, thay vì chồng là "tội đồ", sau khi "tố chồng", người vợ lại trở thành đối tượng nhận chỉ trích từ mọi người.
Nếu cân đong đo đếm thì có thể thấy việc nói xấu chồng trên Facebook - một mạng xã hội mà tính riêng tư gần như không được đảm bảo ắt hẳn lợi ít hại nhiều. Lời khuyên cho các chị vợ là khi giận dữ, bức xúc cũng nên cẩn trọng phát ngôn vì khi đã viết ra, dù có xoá đi, những dòng chữ đó có thể đã được lưu trữ lại trong suy nghĩ của người chồng và nhiều người khác.
Không phải bạn bè nào trên Facebook cũng hiểu rõ nội tình gia đình của mình và có đủ sự cảm thông nên có khi các chị vợ tâm sự rồi mà không nhận được chia sẻ hay lời khuyên hữu ích. Vì thế, các chị có thể chọn chế độ nhóm bạn thân thiết trên Facebook, rồi chia sẻ tin nhắn (message) chung cho cả nhóm. Sau khi tâm sự xong, cẩn thận thì có thể xoá đoạn trò chuyện đó đi. Nếu các chị quyết định công khai chuyện nhà thì cũng nên chọn lọc thông tin hoặc giả vờ là đang kể về chuyện của một người khác và xin lời khuyên của mọi người.
Gia đình vốn là tài sản riêng của mỗi người và chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết về nhau. Do đó, việc chia sẻ thông tin rộng rãi cho người ngoài nên được cân nhắc cẩn thận để bảo vệ chính tổ ấm của mình, đừng để mạng xã hội trở thành nguyên nhân đổ vỡ của gia đình.
Huyền An

Theo chungta.vn                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét