Trang Chủ

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Yên Thế- Bắc Giang: Sớm giải quyết dứt điểm tranh chấp đất rừng tại xã Canh Nậu

Diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm khiến việc tranh chấp đất rừng tại xã Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) trở nên  phức tạp.
giải quyết dứt điểm,  tranh chấp, đất rừng, tại xã Canh Nậu
Nhiều người dân bất ngờ khi Công ty Lâm nghiệp Yên Thế cắm mốc thực địa.
Nhiều hộ dân đòi đất doanh nghiệp
Được UBND tỉnh các thời kỳ giao quản lý, sử dụng đất, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Yên Thế - trước là lâm trường) đã giao khoán đất cho hàng trăm hộ dân ở xã Canh Nậu sản xuất theo chu kỳ. Hằng năm doanh nghiệp (DN) hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật giúp các hộ trồng rừng. 
Tuy nhiên, vài năm gần đây, hết thời hạn khoán, một số hộ không nộp sản lượng khoán, không ký tiếp hợp đồng mà giữ lại đất tự trồng cây, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DN. Ban đầu chỉ có vài hộ, do không được giải quyết dứt điểm nay số hộ tăng lên hơn 120, diện tích đất tranh chấp gần 200ha tại các bản: Chay, Đình, Khuôn Đống, Đống Cao.
Đầu năm 2014, biết DN về đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ dân đã ngăn cản. Nhiều hộ còn nhổ mốc giới, gửi đơn khiếu nại đề nghị cơ quan chức năng dừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN và thu hồi, giao đất cho các hộ sản xuất. 
Người dân cho rằng, đây là khu vực họ có công
khai hoang trồng khoai, sắn thực hiện nghĩa vụ lương thực với nhà nước từ hơn 40 năm trước. Mãi đến năm 1984, lâm trường mới về trồng cây, nhận đất. Năm 1993, một số hộ  được UBND huyện Yên Thế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ bìa xanh) khiến các hộ có thêm cơ sở đòi đất DN.

Trước đây, việc khai thác gỗ rừng trồng gặp nhiều khó khăn, muốn khai thác, vận chuyển các hộ phải lập hồ sơ trình UBND xã và Hạt Kiểm lâm huyện xác nhận. Trước sức ép từ nhiều phía, các hộ buộc phải ký hợp đồng nhận khoán với lâm trường để hợp thức khối lượng gỗ vận chuyển, tiêu thụ. Hầu hết các hộ canh tác vài ha nhưng chỉ ký từ 0,3 đến 0,5ha. Nay, việc khai thác gỗ rừng trồng và mua bán, vận chuyển dễ dàng nên người dân không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán đã ký.  
Bà Nguyễn Thị Chính, bản Chay cho biết: "Nguyện vọng của người dân là các cơ quan chức năng sớm về đo đạc lại diện tích, trả lại đất cho các hộ canh tác, phát triển kinh tế... Chúng tôi không muốn nhận khoán, liên doanh sản xuất với công ty nữa vì mức khoán cao, ngoài khoản nộp cho DN, các hộ phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ khai thác, vận chuyển nên hiệu quả kinh tế thấp". 
Sớm giải quyết dứt điểm  
Ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Yên Thế khẳng định: "Việc khoán diện tích nhỏ hơn thực tế là do khi thương thảo hợp đồng, lãnh đạo lâm trường trước đây có chừa ra một phần diện tích đất dốc, sỏi đá khó canh tác, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất. Trong các năm 2007 và 2010, sau mỗi lần chuyển đổi mô hình quản lý, đơn vị đều rà soát, cắt gần 200ha đất trả về địa phương quản lý, giao các hộ sử dụng. 
Trong đợt tái cơ cấu lần này, chúng tôi đang lập hồ sơ trình UBND tỉnh tiếp tục cắt khoảng 40ha đất các hộ đã đào ao, làm lán trại để UBND huyện giao cho các hộ. Nếu trên địa bàn còn hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở gần rừng thiếu đất canh tác, chúng tôi sẵn sàng nhường đất để họ có tư liệu phát triển kinh tế. Riêng các trường hợp lợi dụng sơ hở để chiếm đất đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm". 
Theo ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyện vọng có đất sản xuất của các hộ dân là chính đáng nhưng việc giao đất phải tuân thủ trình tự pháp lý chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Sở đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế kê khai, đo đạc, cắm mốc thực địa. 
Trên cơ sở đó đánh giá lại việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn để trình UBND tỉnh phương án giải quyết dứt điểm theo nguyên tắc quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời sẽ xem xét nhu cầu sử dụng đất của các bên để cắt một phần đất DN kinh doanh kém hiệu quả để UBND huyện Yên Thế giao cho các hộ.
Từ vụ việc trên cho thấy chủ trương rà soát hiện trạng quản lý, hiệu quả sử dụng đất phục vụ công tác sắp xếp, cơ cấu các DN lâm nghiệp là cần thiết. Đề nghị các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc giải quyết dứt điểm tranh chấp đất, giúp các hộ dân và DN sớm ổn định sản xuất.

Hồng Dương
                   Nguồn baobacgiang.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét