Trang Chủ

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch: Bảo tồn, tôn tạo những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang. Quy hoạch được thực hiện trên địa bàn 4 huyện là Yên Thế,  Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
 Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang






















Việc quy hoạch để làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ di tích; xây dựng các dự án về bảo tồn, tôn tạo di tích; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý, bảo vệ  di tích nhằm tôn vinh cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, giáo dục truyền thống yêu nước, khai thác tiềm năng di tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa, tạo điều kiện tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Diện tích quy hoạch tổng thể mang tính liên vùng tỷ lệ 1/10.000, tổng cộng là 23.099,7 ha. Diện tích đất quy hoạch tổng cộng là 92,6925 ha, bao gồm 23 điểm thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế và 18 điểm di tích khác có liên quan mật thiết đến phong trào Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang.

Hệ thống di tích gắn với phong trào khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang gồm 6 loại hình, bao gồm: 1- Di tích làng chiến đấu, giai đoạn từ năm 1884 đến 1889; 2- Di tích đồn lũy, công sự chiến đấu, giai đoạn từ năm 1890 đến 1893 và từ năm 1894 đến 1909; 3- Di tích tôn giáo, tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ,...); 4- Di tích gắn với thời thơ ấu của Hoàng Hoa Thám, công trình tưởng niệm Hoàng Hoa Thám và Nghĩa quân; 5- Địa điểm trung tâm hành chính, quân sự do thực dân Pháp thiết lập; 6- Các dấu tích và địa điểm khác gắn với phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.
Trong đó, đối với di tích làng chiến đấu, giai đoạn từ năm 1884 đến 1889 (như làng Sặt, Khê Hạ, Ngọc Cục, Cao Thượng, làng Hả, làng Trũng), do thời gian và tốc độ đô thị hóa gia tăng trong những năm qua ở hầu hết các địa phương trong cả nước, khiến quy mô, cấu trúc nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, tập quán sinh hoạt... đã bị thay đổi. Việc phục hồi không gian các làng chiến đấu gắn với cuộc Khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn cuối thế kỷ XIX không khả thi, do đó, để bảo tồn địa danh các làng chiến đấu này, cần làm mô hình, sa bàn ở tỷ lệ thích hợp để trưng bày, giới thiệu tại Nhà trưng bày về Khởi nghĩa Yên Thế ở khu trung tâm Phồn Xương huyện Yên Thế.
Đối với di tích đồn lũy, công sự chiến đấu, giai đoạn từ năm 1890 đến 1893 và từ năm 1894 đến 1909 (như đồn Hố chuối, đồn Hom, đồn Phồn Xương, đồn Trại Cọ, đồn Am Đông, đồn Khám Nghè, đồn Đề Hậu, đồn Ao Rắn, đồn Hang Sọ, đồn Bãi Mét...), chỉ lựa chọn để phục hồi, tái hiện một số không gian của những đồn lũy tiêu biểu trên cơ sở khoa học, đảm bảo khả năng đầu tư và điều kiện quản lý, phát huy giá trị bằng vật liệu bền vững như bê tông giả đất, bê tông giả gỗ, composit giả tranh, tre, nứa, lá... Xây dựng bia chỉ dẫn di tích ở vị trí thích hợp cho các địa điểm di tích chỉ còn là phế tích, khả năng phát huy giá trị không cao và không đủ cơ sở khoa học để phục hồi.
Các đình, đền, chùa, miếu, nghè, điếm... được xây dựng trước khi diễn ra cuộc khởi nghĩa, là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân và là căn cứ hoạt động của Nghĩa quân Yên Thế giai đoạn từ năm 1884 đến 1913, nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng bàn việc đánh Pháp, làm nơi chiêu tập binh lính, nơi tế cờ xuất trận; đồng thời là căn cứ hoạt động của cán bộ cách mạng giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến 1954 (như đình Hả, chùa Hả, đình Đông, đình Dĩnh Thép, đình Dương Lâm, đình Cao Thượng, đình Nội, đình Bằng Cục, đình chùa Nẻo, đình đền chùa Vồng, đình chùa nghè Lý Cốt, đình Liễu Nham, chùa Lèo, chùa Thông, chùa Bạch Vân, chùa Phố, chùa Kem, chùa Nguyệt Nham, đền Am Gà, đền Mỏ Thổ, đền Quan Lớn, đền Thác Thần, đền Suối Cấy...) được đầu tư từng bước để tu bổ, tôn tạo theo điều kiện hiện trạng, trên cơ sở khoa học, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn tối đa yếu tố gốc. Ngoài việc tu bổ các hạng mục kiến trúc và tôn tạo cảnh quan, tại mỗi di tích sẽ được dựng một tấm bia ở vị trí thích hợp để ghi dấu các chiến tích, sự kiện về phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.

Đọc quyết định phê duyệt tại đây: phê duyệt
Hoàng Diên

Theo  báo điện tử chính phủ ( baodientu.chinhphu.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét