Ông Nam đi khám nam khoa, bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm soi tươi tế bào âm đạo. Nghi bệnh viện làm sai, ông Nam đâm đơn kiến nghị lên Sở Y tế Hà Nội.
Thấy vùng kín xuất hiện vết xước đã nhiều ngày nhưng chưa khỏi, ngày 12/8, ông Nam (trú tại Long Biên, Hà Nội) đến Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để khám nam khoa. Tại đây, ông Nam được các bác sĩ thăm khám, yêu cầu ra thanh toán và được nhân viên ở đây chỉ định đi xét nghiệm tại phòng 202 của bệnh viện.
Theo hướng dẫn đó, ông Nam tìm đến phòng 202 để được các bác sĩ xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm xong, ông Nam ngồi đợi lấy kết quả. Đến 10h30, một nhân viên đưa cho ông Nam phiếu xét nghiệm và được hướng dẫn quay trở lại phòng khám ban đầu. Đọc phiếu xét nghiệm, ông Nam tá hỏa khi thấy phần chỉ định xét nghiệm ghi rõ: Soi tươi: tế bào âm đạo, trực khuẩn, nấm…
Chỉ định xét nghiệm của ông Nam ghi rõ "Soi tươi: tế bào âm đạo, trực khuẩn, nấm…"
Ông Nam cho biết rất ngạc nhiên vì ông là nam mà tại sao lại “soi tươi: tế bào âm đạo”?!. ông Nam đem thắc mắc này đến phòng ban đầu và gặp bác sĩ. Sau khi ông Nam đọc xong thì có một nhân viên nữ ngồi cùng bàn ở đó viết lại phiếu xét nghiệm khác, đưa cho nam bác sĩ khám lúc đầu cho ông Nam ký và bảo ông Nam đi cùng lên phòng xét nghiệm (phòng 202) để xét nghiệm lại. Tại đây, ông Nam đưa ra thắc mắc và đề nghị trả lại phiếu xét nghiệm đó và ra về.
Ông Nam bức xúc: “Nếu chỉ định đó là “soi tươi: niệu đạo, dương vật” thì còn chấp nhận được, còn “soi tươi: tế bào âm đạo” là hoàn toàn khác nhau. Tôi là nam tại sao lại chỉ định đi “soi tươi: tế bào âm đạo. Có hay không việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm? Có hay không việc lợi dụng xét nghiệm để làm những xét nghiệm không cần thiết để thu tiền của bệnh nhân”.
“Nếu quá trình xét nghiệm của bệnh viện là đúng thì tại sao cô nhân viên đó lại phải viết lại phiếu xét nghiệm khác để tôi xét nghiệm lại? Chính điều này khiến tôi nghi ngờ năng lực của nhân viên và năng lực của bệnh viện này? Chỉ định xét nghiệm đó là đúng hay sai theo phác đồ điều trị của ngành y tế? Quyền lợi của tôi được giải quyết như thế nào?” ông Nam nói.
Sau đó ông Nam đến một bệnh viện khác để khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết, tổn thương vùng kín của ông Nam là một vết xước nhỏ, kết quả xét nghiệm cũng không có dấu hiệu bất thường và kê đơn thuốc điều trị. Sau 2 ngày uống thuốc, tổn thương vùng kín của ông Nam đã khỏi.
Ngay sau đó, ông Nam đã gửi đơn kiến nghị về quá trình khám chữa bệnh của ông tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đến Sở Y tế Hà Nội.
Bệnh viện lên tiếng
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS.BS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, ngày 12/8, ông Nam đến khám bệnh tại phòng khám của bệnh viện. Tại phòng khám, ông Nam cho biết có quan hệ tình dục, sau đó ở vùng da quy đầu dương vật xuất hiện vết loét. Chính vì vậy, bác sĩ chỉ định cho ông Nam làm xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm chuyên khoa sâu như soi tươi tế bào âm đạo để phát hiện tế bào âm đạo sau quan hệ tình dục như bệnh nhân kể hay không.
TS.BS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Bác sĩ Vệ khẳng định, bệnh viện làm đúng chuyên môn cần thiết. “Soi tươi: tế bào âm đạo” là một thuật ngữ của ngành y tế và đây là một xét nghiệm hoàn toàn bình thường đối với nam giới khi họ quan hệ tình dục với phụ nữ. Bởi làm xét nghiệm soi tươi tế bào âm đạo mới phát hiện ra nấm men, trùng roi và mới nhận định được mật độ tế bào âm đạo. Sau khi có kết quả, nếu có bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bác sĩ sẽ khuyên bạn gái của người đàn ông đó đến kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ Vệ nhận định: “Vết loét như thế rất dễ bị giang mai. Vì bệnh giang mai là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Chính vì vậy, sau khi quan hệ tình dục, người ta thường soi xem bên trong có những cái gì. Ví dụ soi dịch âm đạo, soi tươi có gì trong đó không, có nấm, có vi khuẩn, có lượng cầu… hay không. Ở nam giới người ta lấy dịch giãn quy đầu, dịch nhiều đạm… không phải nung cấy mà soi tươi luôn. Soi tươi để tìm thấy nhiều thứ, trong đó có tế bào âm đạo, có tế bào lộc, có trùng roi, tạp khuẩn. Khi soi tươi nếu có tế bào âm đạo chứng tỏ là có quan hệ tình dục. Trường hợp của anh Nam trong quá trình soi tươi sinh dục, kết quả của soi tươi cho thấy có tế bào âm đạo (+), trực khuẩn (+), tạp khuẩn (+), nấm (-), Trichomonas (-)”.
Với kết quả xét nghiệm và thương tổn vùng kín của bệnh nhân Nam như vậy, bác sĩ nghi ngờ ông Nam mắc vi khuẩn giang mai. Ngay sau đó, bệnh viện đã gọi điện mời bệnh nhân quay lại để bác sĩ giải thích nhưng ông Nam từ chối. Ông Vệ cho biết đã nhắn tin khuyên bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra sớm nhưng phía bệnh nhân không hợp tác. Đối với bệnh giang mai, ông Vệ cho biết, có thể sau 1 tuần biểu hiện của giang mai sẽ không còn ở bên ngoài. Vi khuẩn giang mai sẽ vào trong cơ thể và tấn công các cơ quan nội tạng khác, nguy hiểm nhất là tấn công hệ thần kinh trung ương. Đây là biến chứng nguy hiểm của vi khuẩn giang mai nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời.
Sau khi nhận được đơn thư của ông Nam ngày 26/8, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đề nghị bệnh viện báo cáo chi tiết toàn bộ quy trình khám bệnh chỉ định xét nghiệm và dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh nhân Nam tại bệnh viện. Sở Y tế Hà Nội giao đơn của ông Nam cho Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội xem xét giải quyết trả lời người có đơn, đồng thời có văn bản báo cáo Sở Y tế Hà Nội, Thanh tra Sở trước ngày 15/9/2014./.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét