Trang Chủ

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Choáng với sự 'hồn nhiên đáng sợ' của người Việt khi đi máy bay

“Có bom đấy…”; Dọa bắn hạ máy bay bằng tên lửa…; Mở cửa máy bay để hóng khí trời…; Sử dụng điện thoại trên máy bay… là các vụ việc điển hình minh chứng cho sự hồn nhiên đáng sợ của người Việt khi đi máy bay đã từng xảy ra.



Ở các vụ việc này, tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh hàng không lại xuất phát từ câu… dọa dẫm khi hành khách nổi nóng hoặc bỗng dưng nổi hứng phát ngôn hay do thiếu hiểu biết về quy định an toàn bay.
Choáng với sự 'hồn nhiên đáng sợ' của người Việt khi đi máy bay - Ảnh 1
Nhiều hành khách đã bị các hãng hàng không cấm bay, phạt tiền và áp dụng nhiều biện pháp khác để phòng ngừa, răn đe nhưng khi nổi hứng lên thì các thượng đế sử dụng dịch vụ phi cơ vẫn vi phạm.
Bị cấm bay vì sử dụng điện thoại
Mới đây nhất là vụ Vietnam Airlines (VNA) có công văn gửi các đại lý bán vé máy bay khu vực miền Bắc đề nghị cấm bay với một hành khách và tăng cường giám sát an ninh đặc biệt với 3 hành khách khác.
Cụ thể, hành khách Mai Thị Minh Hà, sinh năm 1968, thường trú tại thị xã Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị cấm bay vì không chấp hành quy định xử phạt ngày 14/8/2014 của Cảng vụ Hàng không miền Bắc về việc sử dụng trái phép thiết bị điện tử trên máy bay. Bà Hà bị cấm vận chuyển 4 tháng từ ngày 28/9 đến 28/1/2015.
Cùng đó, 3 hành khách khác cũng bị tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh và kiểm tra trực quan bắt buộc có thời hạn gồm: Hành khách Lê Thế Độ, sinh năm 1940, thường trú Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội bị tăng cường giám sát trong 12 tháng đến 28/9/2015 vì cung cấp thông tin sai có bom trong quá trình làm thủ tục hành lý.
Hành khách Nguyễn Hữu Liên sinh năm 1972, thường trú Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội và hành khách Lê Văn Hoan, sinh năm 1976, thường trú quận Tân Bình, TP.HCM cũng bị tăng cường giám sát 12 tháng do cung cấp thông tin sai về có vũ khí trong hành lý khi làm thủ tục.
Choáng với sự 'hồn nhiên đáng sợ' của người Việt khi đi máy bay - Ảnh 2

Lỗi tự ý mở cửa thoát hiểm chiếm đa số các vụ vô ý gây hại của hành khách cho các hãng hàng không.

Dọa bắn máy bay bằng... tên lửa
Trước đó, ngành hàng không Việt Nam đã phải xử lý nhiều vụ việc xuất phát từ sự hồn nhiên đến khó tả của các hành khách. Điển hình là vụ ngày 16/3 khi tổng đài hãng Jetstar Pacific nhận được cuộc gọi dọa bắn tên lửa cho nổ máy bay. Sự việc này được cho là táo tợn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hàng không tại Việt Nam.
Nguyên nhân xuất phát từ việc một nữ hành khách tên H (32 tuổi), quê ở Thanh Hóa có hành trình bay trên chuyến bay BL522 của Jetstar Pacific xuất phát Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TP. HCM tới Vinh (Nghệ An). Hành khách này đã ra sân bay muộn nên bị từ chối làm thủ tục lên máy bay theo quy định. Theo đó, giờ máy bay cất cánh là 16h15 và thời điểm hành khách nêu trên có mặt tại quầy làm thủ tục lên máy bay là 15h51.
Theo quy định, hệ thống làm thủ tục lên máy bay được đóng trước giờ bay 30 phút. Nhân viên quầy check-in đã đề nghị hành khách H đi chuyến bay kế tiếp với điều kiện phải nộp thêm 450.000 đồng.
Tới 16h30 tổng đài đặt giữ chỗ của Jetstar Pacific bất ngờ nhận được một cuộc gọi của một 1 người đàn ông. Người đàn ông này gọi tới với lời lẽ đe dọa sẽ bắn tên lửa cho nổ tung máy bay. Theo diễn biến sự việc được báo cáo và đọc ghi âm cuộc gọi, nhà chức trách hàng không Việt Nam đang đặt nghi vấn đó là người quen của hành khách H ra sân bay muộn hôm 16/3.
Bị khống chế vì gây “loạn”

Trên chuyến bay VJ8684 từ TP. HCM đi Hà Nội ngày 30/8/2014 của VietJet,hành khách Nguyễn Văn Thục đã có những hành động gây rối, la hét. Tổ lái đã trấn an và giữ hành khách không làm ảnh hưởng đến chuyến bay. Sau khi hạ cánh, tổ lái đã bàn giao hành khách cho Cảng vụ miền Bắc. Theo thông tin ban đầu từ người thân, hành khách này có vấn đề về tâm thần.
Trong suốt chuyến bay, hành khách Thục có biểu hiện không bình thường, liên tục kêu gào than trách người thân và làm phiền đến các hành khách khác. Tiếp viên của Hãng đã nói chuyện trấn an hành khách, tuy nhiên hành khách không chịu hợp tác mà còn có hành vi xô đẩy tiếp viên, đe dọa an toàn trên chuyến bay.
Để đảm bảo an toàn cho chính hành khách Thục và các hành khách còn lại, cơ trưởng đã quyết định khống chế hành khách và bàn giao hành khách cho cảng vụ miền Bắc khi máy bay hạ cánh.
Việc hành khách gây rối làm ảnh hưởng đến cả chuyến bay và gây phiền hà cho gần 180 hành khách đi cùng. Có nhiều trường hợp phải hoãn chuyến hàng tiếng đồng hồ để xử lý sự cố, ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau đó.
Thách kiểm tra bom trong hành lý
Trên chuyến bay mang số hiệu VJ8571 từ Hà Nội đi Nha Trang ngày 12/6 của VietJet, hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng (sinh năm 1983) đã có những phát ngôn và hành động làm chậm giờ chuyến bay.
Để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cơ trưởng đã từ chối vận chuyển và bàn giao khách cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý. Chuyến bay bị chậm gần 3 giờ so với dự kiến bay ban đầu và ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau đó.
Sự việc bắt đầu từ việc hành khách này được tiếp viên của Hãng yêu cầu xuất trình thẻ lên tàu theo đúng quy định. Tuy nhiên, hành khách không làm theo hướng dẫn của tiếp viên mà còn có phát ngôn “kiểm tra thẻ rồi kiểm tra bom luôn đi”. Hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng đã được an ninh sân bay đưa trở lại sân bay Nội Bài.
Chuyến bay bị ảnh hưởng chậm chuyến đến gần 3 giờ sau đó mới tiếp tục cất cánh để thực hiện hành trình đến Nha Trang. Vụ việc này khiến cho 180 hành khách đi cùng, cũng như hành khách các chuyến bay kế tiếp khác bị ảnh hưởng dây chuyền, chậm chuyến.
Mở cửa thoát hiểm để xuống máy bay
Ngày 28/7, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 15 triệu đồng đối với hành khách Phạm Minh Ninh, 61 tuổi.
Trên chuyến bay VN2170 từ TP HCM đi Thanh Hóa ngày 22/7, khi máy bay đã đáp xuống sân bay Thọ Xuân, gần 200 hành khách đang xuống máy bay thì ông Phạm Minh Ninh ngồi ở số ghế 29G đã tự ý mở cửa thoát hiểm 3L để xuống.
Bộ phận kỹ thuật của Vietnam Airlines đã tiến hành đóng lại cửa thoát hiểm nhưng hành động trên đã khiến chuyến bay VN 1272 tiếp sau đó từ Thanh Hóa đi TP HCM phải khởi hành chậm khoảng 1h40 phút so với kế hoạch. Ngoài ra, 23 khách có vị trí ngồi ở khoang gần cửa thoát hiểm không thể lên máy bay vì lý do an toàn dù họ đã hoàn tất thủ tục check-in. Sau đó, hãng hàng không phải thu xếp để 23 khách này đi ôtô ra sân bay Nội Bài để bay vào TP HCM.
Làm việc với Cảng vụ Hàng không, ông Ninh cho biết đây lần đầu tiên đi máy bay. Khi đang đứng giữa lối đi, ông Minh thấy có cánh cửa nên mở để xuống cho nhanh mà không biết là cửa thoát hiểm.Theo quy định, ông Ninh có trách nhiệm phải nộp tiền phạt trong vòng 10 ngày, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Chuyến bay từ Vinh vào TP HCM đáp xuống Tân Sơn Nhất thì một hành khách bất ngờ "nghịch" cửa thoát hiểm khiến phao trượt bung ra. Vietnam Airlines đề nghị phạt người này với mức kịch trần 20 triệu đồng. Chuyến bay VN 1265 của Vietnam Airlines bay từ Vinh vào TP HCM đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18h20 ngày 25/8. Hành khách tên Lưu Ngọc Vinh, ngồi ghế 28E đã bất ngờ mở cửa thoát hiểm khiến phao trượt bung ra hoàn toàn.
Trong bản tường trình, hành khách Vinh giải thích trong lúc mọi người đang đi ra khỏi máy bay thì nghe thấy người già kêu mở thêm cửa. Anh làm theo, không ngờ đó là lối thoát hiểm.
Vietnam Airlines cho rằng đây là vụ việc được lặp lại nhiều lần nên đề nghị phạt hành khách Lưu Ngọc Vinh với mức cao nhất là 20 triệu đồng. Trước đó, ngày 19/7, một hành khách bay từ Hà Nội vào TP HCM cũng mở cửa thoát hiểm để hít khí trời. Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định phạt hành khách này 10 triệu đồng.
Mở cửa thoát hiểm để hít khí trời!
Chuyện hy hữu nói trên đã xảy ra với hành khách Vũ Quốc Hưng, hành khách của Vietnam Airlines trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM vào tối 19/7. Vì thấy nôn nao, khó chịu, lại nghĩ cửa thoát hiểm máy bay cũng như cửa thoát hiểm ô tô nên hành khách Hưng đã tự ý mở cửa thoát hiểm để hít khí trời.
Sự việc xảy ra khi chuyến bay VN 1171 trên hành trình từ Hà Nội vào TP.HCM đã thực hiện được khoảng hơn 5 phút. Hành vi nêu trên đã bị Chánh Thanh tra Cục hàng không dân dụng Việt Nam đã ra quyết định phạt hành chính 10 triệu đồng.
Theo các hãng hàng không, khi máy bay bung phao trượt, chi phí cho việc sang nước khác cuộn lại phao, đóng lại cửa thoát hiểm lên đến 10.000 USD, chưa kể thiệt hại do phải dùng máy bay khác để tiếp tục khai thác đường bay.
Theo Báo Gia đình & Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét