Cụ bà Đoàn Thị Ngôn (97 tuổi, xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang mắc phải căn bệnh lạ: giữa đầu gối chân trái mọc lên một cái sừng dài hơn 20cm và ngày càng lớn khiến cụ đau nhức suốt ngày đêm.
Bà Đoàn Thị Tươi (55 tuổi), con gái duy nhất của cụ Ngôn cho biết, từ năm 2008, chân của cụ Ngôn có dấu hiệu rất lạ khi một cái sừng mọc lên ở giữa đầu gối.
Chiếc sừng từ đầu gối quặp vào đùi khiến cụ Ngôn rất đau nhức.
“Ban đầu, chiếc sừng giống như một mảnh da thô dày. Đã có thời gian, con cháu đã dùng lưỡi dao lam cắt cho cụ, nhưng sau một thời gian không để ý tới, nó đã phát triển rất nhanh. Giờ thì cắt cũng không được vì cụ kêu đau” – bà Tươi kể.
Cũng theo bà Tươi, tới nay, gia đình vẫn chưa đưa cụ đi viện khám: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cái ăn cái mặc còn lo không đủ nên không đưa cụ đi khám đâu được. Khi thấy cái sừng ở chân cụ càng lúc càng mọc dài ra, gia đình cũng chỉ biết chăm lo ăn uống cho cụ chứ không có tiền đưa đến bác sĩ” – bà Tươi ngậm ngùi nói.
Chiếc sừng dài trên đầu gối cụ Ngôn làm nhiều người hàng xóm thấy lạ và lo lắng cho sức khỏe của cụ.
Chiếc sừng mọc ở đầu gối cụ Ngôn đã phát triển nhanh trong 2 năm trở lại đây. Hiện tại, chiếc sừng rất cứng, dài khoảng 20cm và cụp vào phía đùi khiến việc đi lại của cụ rất khó khăn, gây đau nhức suốt ngày đêm. Điều đặc biệt là, chỗ chân mọc sừng tuy sưng to nhưng lại không có mủ và không chảy máu.
“Cụ kêu đau suốt ngày, nhất là về đêm và không đi lại được, phải ngồi một chỗ. Việc ăn uống cũng kém, mỗi ngày cụ chỉ ăn được vài miếng cháo” – bà Tươi chia sẻ.
Trước đó, cụ Ngôn từng có nhiều bệnh liên quan tới chân. Năm 1960, cụ Ngôn bị nhiễm trùng uốn ván do dẫm phải gai. Sau đó, do không được chữa trị, chân trái của cụ bị thối và đi lại rất khó khăn.
Sức khỏe của cụ Ngôn cũng đang rất yếu do chân, tay đều bị tàn tật không di chuyển được, đôi mắt của cụ bị viêm đầu thống và đôi tai của cụ cũng bị lãng. Điều kiện gia đình không có, sức khỏe của cụ chỉ trông chờ vào số mệnh.
Theo tạp chí World Journal Surgical Oncology (WJSO), sừng da ở người phát sinh do các tổn thương biểu bì ở phạm vi rộng. Các tổn thương này có thể là lành tính, tiền ác tính hay ác tính, 1/3 trường hợp mắc hiện tượng này đều có khả năng dẫn đến ung thư, 2/3 còn lại cũng gặp nhiều vấn đề nan giải.
Vị trí những chiếc sừng thường chọn để xuất hiện là ở đầu, cổ và mu bàn tay. Điều này khiến cho nhiều chuyên gia y khoa liên tưởng về sự phát triển của những chiếc sừng với các tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím từ ánh nắng Mặt trời. Theo báo cáo của WJSO, độ tuổi trung bình bị ảnh hưởng nhiều nhất là 57 tuổi. Bên cạnh đó, sự tiếp xúc với tia cực tím trong một thời gian dài cùng với sự lão hóa da liên quan đến tuổi tác có thể đặt nền móng cho quá trình phát triển sừng da ở người.
Theo báo Phụ nữ Thành Phố Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét