Thu nhập thấp nhưng xài sang, lãng phí. Xét ở góc độ kinh tế nghĩa là người Việt đang đặt mình vào điểm nguy hiểm...
Việc tiêu tiền vượt quá khả năng làm ra của mình sẽ khiến cho dòng tài chính luôn ở điểm nguy hiểm.
Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới đã nhận định như vậy.
Từ 'cắm quán' chỉ có ở Việt Nam
Theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, có thể thấy người Việt xài sang là nhất thế giới. Nếu nhìn vào con số thống kê của Tổng cục Thông kê 2012 về thu nhập bình quân đầu người khoảng 2 triệu đồng/tháng nhưng cứ khi nào có dòng sản phẩm mới về siêu xe hay điện thoại là khi đó Việt Nam có người dùng. Thậm chí còn đặt hàng riêng, có từ trước khi hãng sản xuất ra mắt.
"Tôi đã đi nhiều nhưng không có đất nước nào xài như phong cách của người Việt. Từ cắm quán có lẽ chỉ xuất phát ở Việt Nam. Điều đó đang phản ánh một thói quen rất kỳ lạ. Có nghĩa là họ sẵn sàng tiêu tiền vượt lên cả những khả năng mà họ có thể đáp ứng", ông Sơn chia sẻ.
Theo đó, xét ở góc độ kinh tế điều này có nghĩa người ta luôn đặt mình ở điểm nguy hiểm. Hay nói cách khác, đó là do khả năng quản lý dòng tiền kém, tiền vào không đủ cho tiền ra nên luôn lâm vào tình trạng nợ nần.
Như vậy là người ta không có thói quen tiết kiệm để bổ sung nguồn vốn vào sản xuất mới để tiếp tục làm ra của cải.
"Thói quen này ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, thứ nhất là việc tiêu xài hoang phí không để lại tiết kiệm cho tăng trưởng. Thứ hai là thích nhập hàng hiệu khi thực sự thu nhập không tương xứng sẽ rất nguy hiểm", ông Sơn nhận định.
Không chỉ trích những người có thu nhập cao đủ điều kiện để xài sang, bởi ông Sơn cho rằng: có tiền thì tiêu sao cũng được. Song câu chuyện đáng nói ở đây là sự vượt quá khả năng của mình dẫn đến tình trạng bội chi, tiêu trước kiếm sau.
Trong khi đó nhìn về mặt rộng hơn, có thể thấy rằng trong nước thì chủ yếu đào tài nguyên lên bán, sản xuất thì gia công là chính, được đồng lương nào lại tiêu xài hoang phí, đó là còn chưa kể đến chi phí chữa bệnh, giáo dục… cũng rất cần đầu tư và rồi sẽ lấy ở đâu?.
"Việc kiếm tiền đã rất khó và cách thức kiếm tiền không bền vững trong khi với tâm lý tiêu xài hoang phí sẽ đưa kinh tế của từng cá nhân rơi vào trạng thái nguy hiểm. Khi từng tế bào không vững thì cũng khó nói chuyện nền kinh tế chung sẽ vững. Thị trường trong nước không quay vòng sản xuất sẽ không có lợi cho nền kinh tế", ông Sơn nói.
Nhìn lại cách ứng xử với đồng tiền
Khái niệm người Việt Nam tiết kiệm thì không biết có từ thời nào, song ông Sơn bày tỏ quan điểm không đồng tình khi nói người Việt Nam cần cù, tiết kiệm.
Đưa ra ví dụ từ năm 2000 trong một lần đi công tác tại Thái Lan, ông Sơn được người lái xe chở đi suốt một buổi chiều trên chiếc xe túc túc. Khi trả tiền, ông có đưa thêm tiền trị giá 10.000 đồng để coi như là cảm ơn họ.
"Với số tiền đó mà người lái xe cúi rạp người xin và cảm ơn. Trong khi không ít lần ở Việt Nam có những lái xe đã vòi vĩnh rồi mắng mỏ khách hàng khi không có tiền bo hậu hĩnh, thậm chí cho họ 10.000 đồng có khi còn bị ném tiền và bị mắng", ông Sơn diễn giải.
Theo ông Sơn, cung cách và tinh thần này cho thấy sự trân trọng đồng tiền và có trách nhiệm với sức lao động của họ.
Trái lại, nhìn vào các quán bia ở Việt Nam, chỉ sau giờ tan sở, khách đã đông nghịt. Không khó để thấy các bàn tiệc ép nhau uống đến mức say mềm, bia có thể đổ tưới lên đầu như tắm rồi thức ăn bừa phứa trên bàn.
"Sự lãng phí này không giúp ích cho nền kinh tế mà đang đưa nền kinh tế chuyển sang dạng tiêu thụ bừa phứa, trong khi thực lực của chúng ta lại chưa đủ nếu không nói là rất khó khăn", ông Sơn cho biết.
Nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản hay Mỹ, ông Sơn cho rằng đối với nền kinh tế vĩ mô hay từng cá nhân cũng luôn phải coi trọng sự tích lũy. Nghĩa là trong 10 đồng làm ra ít nhất phải có 3 đồng dành cho việc tích lũy, quay vòng sản xuất.
Kể cả trong trường hợp phải đi vay để đầu tư phát triển thì con số tích lũy này cũng là quan trọng cho việc trả nợ về sau.
"Nếu chỉ nhìn trong ngắn hạn tiêu xài mà không biết sẽ nhìn vào đâu để trả nợ thì quả thật là nguy hiểm", ông Sơn lo ngại.
Nhận định này được ông Sơn minh chứng từ hàng loạt ví dụ nhỡn tiền là những thanh niên giết người chỉ vì muốn lấy vài trăm nghìn đồng, hay cái điện thoại cũ của nạn nhân. Rồi những vị vốn được mệnh danh là đại gia nhưng lại tự tử vì nợ nần quá nhiều.
"Đó chính là hệ quả của việc tiêu xài, sử dụng đồng tiền quá khả năng của mình", ông Sơn nhìn nhận.
Theo báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét