Trang Chủ

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Săn loài cá "khôn ba năm, dại một giờ" và gã thợ câu với “căn bệnh giời đày”

Vì cái khôn, sự dại có phần khác lạ, mà cá chép được coi là loài “khôn ba năm, dại một giờ”. Cả đời chúng luôn tỏ ra tinh ranh, khôn ngoan trong kiếm ăn, chiến đấu với những loài thủy sản, và cả trốn tránh sự săn bắt của con người. Chính điều đó kích thích, tạo “cảm hứng” để nhiều tay “thợ săn” máu mê chinh phục loài cá này.

Tin liên quan:


Kỳ 1: Chuyện gã thợ câu với “căn bệnh giời đày”

Cá chép đứng đầu trong số những loài cá mà Hoàng thích câu. Gã lý luận, đây là giống cá cao quý, người ta thường ví von cá chép với hình ảnh “vượt vũ môn hóa rồng”. Ngoài ra, lý do quan trọng không kém khiến gã “phải lòng” cá chép, cũng bởi sự khôn ngoan, tinh ranh của loài này. Trong giỏ của thợ câu, khoang thuyền của thợ chài lưới, ít khi thấy cá chép mà chỉ rặt một lũ cá “ngu ngốc” thấy động là chạy, thấy mồi là ham, như rô phi, rô ta, trắm, trôi... Để câu được cá chép, cần chứng tỏ mình khôn ngoan và tinh ranh hơn nó. Chính điều này mới làm gã thích thú và tâm đắc!

Chờ cá chép cắn câu.
Chờ cá chép cắn câu.
Tôi có người bạn tên Hoàng, được bạn bè thân thiết cho rằng  mắc phải... “căn bệnh giời đày”. Bằng chứng, khi trời nắng, lúc lạnh giá gió rét căm căm, với người bình thường, sẽ tìm chỗ mát mẻ, hoặc ấm áp mà trú ẩn. Thế nhưng, gã lại luôn lao ra giữa đồng không mông quạnh. Mùa hè thì độc chiếc ô che nắng, mùa đông thêm tấm áo phao. Ấy là gã đi câu cá ở sông. Cứ rảnh là gã vác túi câu lên đường. Mặc kệ vợ ngăn, con cản. Nhiều khi, cố sống cố chết làm việc quá giờ ở cơ quan để lấy thêm thời gian rảnh thỏa đam mê có phần hơi thái quá của mình.

"Cầu thủ " bên con cá chép " khủng " mới săn được Ảnh: Internet
Hoàng chỉ câu ở sông chứ chẳng bao giờ vào đầm, ao, dù được “trân trọng kính mời” và ao, đầm nhung nhúc những cá là cá có con nặng hàng cân trở lên. Theo gã, cá trong ao, đầm ăn thức ăn công nghiệp, so với cá sông, chẳng khác gì đem thứ gà công nghiệp dặt dẹo, núng nính mỡ mà ví với gà ri chạy đồi rắn chắc, nhanh nhẹn. Hoàng thích thả mồi câu cá trên sông Giá và sông Đa Độ, 2 dòng sông có nhiều cá chép- loại cá “khôn như quỷ”, chuyên chọn chỗ nước sạch để sống, lựa thứ bổ dưỡng để ăn.

Cá hô khủng ( một loài cá chép)  trên sông Mê Kông  Ảnh: Internet
Cá hô khủng ( một loài cá chép) trên sông Mê Kông Ảnh: Internet
Mỗi năm, cứ đến tháng 7 âm lịch- , Hoàng lại chuẩn bị đồ nghề đi săn cá chép. Thông thường, thợ câu trộn nhiều thứ để tạo thành hỗn hợp vừa dẻo, dính, vừa thơm, thoảng vị chua, đôi khi có cả mùi tanh đến lợm giọng, làm mồi câu cá chép. Còn gã lại luôn chung thủy với dăm củ khoai lang luộc chín kỹ, rồi để trong tủ lạnh cho hơi cứng, khi câu thì dùng sợi cước cắt ra từng mảnh nhỏ. Địa điểm câu, người ta chỉ cần ném “tùm” cục bùn dẻo trộn lẫn thóc ngâm với nước gạo chua chua, một ít ruột ốc bươu vàng để oai oải, nhằm dụ cá chép. Còn gã, vài hôm trước phải lặn ngụp xuống đáy sông sâu dễ chừng đến hơn 2 m nước rồi kỳ công moi bùn đất tạo “ổ”. Ngày ngày, gã ghé thăm và vứt xuống đó ít thóc ngâm nảy mầm để cá chép quen được ăn mồi mà thường xuyên qua lại.

Đám thợ câu “a-ma-tơ” thường bày ra trước mặt 5-6 cần câu, nhìn ra vẻ chuyên nghiệp lại “hoành tráng”. Còn gã bạn tôi, thì chỉ có 1 chiếc cần được “thửa kỹ càng”, từ lưỡi câu, cước, phao đến từng đốt thân cần. Thả câu xong, gã ngồi chồm hỗm, mắt chăm chăm nhìn ngọn phao như thôi miên, rồi “nín thở chờ cơ hội”. Kinh nghiệm hàng chục năm đi câu mách bảo gã, cá chép ăn mồi rất chậm rãi, rụt rè chứ không thấy mồi là lao vào đớp rồi lừ đừ kéo rê như cá bò, cá trê, hay hùng hùng, hổ hổ lôi mạnh như cá quả. Vì thế, thoáng thấy ngọn phao rung rinh rồi chìm nhẹ xuống hay bềnh lên thì giật mạnh. Cá nhỏ có thể lôi tuột lên bờ, nhưng cá to, phải dong. Khi dong, luôn giữ sợi cước căng vừa phải. Thấy con cá có chiều hướng lao vào bờ, thì phải khéo léo “lái” ra. Còn khi nó phi ra giữa sông, phải ghìm, kéo lôi lại. “Quần” đến khi con cá mệt lử, thì kéo dần vào bờ, dùng vợt xúc. Thợ câu có kinh nghiệm bao giờ cũng phải lưu ý, trước khi lên bờ, thể nào nó cũng quẫy một cú chót. Bản năng sống và khao khát tự do nơi con cá được đánh thức. Mạnh mẽ. Dữ dội.

Đời thợ câu của Hoàng, có một điều làm gã tự hào nhất, ấy là chuyện xảy ra cách đây 2 năm. Khi vô tình thấy con chép “khủng” quẫy nước ở một đoạn trên sông Đa Độ, hắn bỏ cả tháng trời làm “ổ”, rồi rình, lén lút thả mồi. Cuối cùng, con chép hơn 8 kg mắc câu,  mất gần 2 giờ mới “chinh phục” được nó. Còn lần khác, cũng cá chép to mắc câu, gần 3 giờ, con cá mới chịu nổi bụng, to bằng cái quạt mo, trắng xóa cả vùng mặt nước. Trong “giây phút sinh tử” ấy, gã lại quên mất cái vợt chuyên để vớt cá to. Vì thế, gã đánh liều cắn răng, mím môi lôi thẳng tuột con cá lên bờ. Phựt. Dây cước không chịu được khối lượng quá nặng, cộng thêm cú quẫy mạnh, bị đứt. Xoảng. Ùm. Con cá rẽ nước lao vút ra phía xa. Gã đứng như trời trồng. Không nói. Chẳng rằng. Gã thu cần câu. Về đến nhà, nằm thượt ra giường.        Đi câu cá chép cũng phải “trông trời, trông đất, trông mây”. Hôm nào nước kém, ở nhà cho khỏe. Ngày nước cường, gió to, thường chỉ được cá nhỏ. Hôm nào nước vừa phải, dòng chảy lừ đừ, gió hơi lặng, thì cá chép to hay đi ăn mồi. Trong thời “phổ cập” điện thoại di động như hiện nay, có hôm đương ăn giỗ, được bạn câu “a-lô”, nước đẹp, cá chép to. Vơ tạm chiếc nón rách tướp, thay vội bộ quần áo, vốn màu trắng, đã ngả màu cháo lòng, thêm bộ đồ nghề câu, gã quáng quàng lên đường.

Cứ đến mùa săn cá chép, khoảng từ tháng 7 âm lịch cho đến cuối năm, dịp cuối tuần là gã bỏ mặc vợ con, đi câu. Lắm hôm, giỏ câu trống rỗng, nhìn thấy cảnh gã thất thểu trở về, vợ gã hỏi: “Sao không ra chợ “câu” lấy vài con, để về “lòe” vợ con?”. Gã lườm lườm, rồi cười “Chỉ có “cậu” là hiểu “tớ”!

Lúc rảnh rỗi mà không đi câu, gã hay nghĩ vẩn vơ về... cá chép. Loài vật nổi tiếng là tinh khôn này, vốn ưa sạch sẽ, chỉ người nào không có tâm địa, ít  dối trá, mới săn được. Đang ngồi một mình, tự nhiên gã cười phá lên, mặt đầy biểu cảm, cho rằng, mình sắp trở thành nhà hiền triết tới nơi. Rồi gã hay so sánh mình với  nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao, giống nhất ở cái khoản dại. Được tiếng là tay săn cá chép cừ khôi, thế nhưng, gã chỉ đem về cho vợ con loại cá vền, trắm cỏ, trôi, rô phi... tiện tay nhặt lúc chúng lỡ mắc câu. Thả xuống thì “có tội với đời”, còn mang về, được tiếng là người chồng tốt. Còn câu được cá chép to, thì lựa chọn đầu tiên của gã là gọi cho đám chiến hữu cùng nhau thưởng thức.

Thứ 7 tuần trước, gã “a-lô” bảo nước đẹp, rủ tôi đi câu. Gã “đế” thêm: “Lần này, thế nào tớ cũng cho “mụ vợ” sáng mắt ra. Ai đời, trong bữa cơm hôm trước, “mụ” trề môi, bảo mang tiếng đi câu cá chép mà toàn đem thứ đâu đâu về. Nghĩ mà ức!”. Cả ngày hôm đó, tôi “ngắm” gã ngồi săn cá chép. Thế nhưng, cả buổi chỉ được chừng chục con chép ranh, con to nhất chưa đến nửa cân- “định lượng” mà gã đặt ra là cá chép “thật”. Nhìn túi cá, mặt gã buồn thiu, cá chép to ngày càng hiếm. Mặc dù được tiếng là khôn ngoan, nhưng loài này cũng có những giây phút dại dột. Và nhất là, con người lại ngày càng khôn ngoan hơn, ích kỷ hơn, tàn nhẫn hơn ...

 Kỳ cuối:  Nguồn gốc biệt danh “khôn ba năm, dại một giờ”

Mặc dù nổi tiếng là tinh ranh và khôn ngoan so với đồng loại, nhưng có những thời điểm, cá chép tỏ ra rất dại dột. Ấy là “thời khắc vàng” cho con người lợi dụng, để dễ dàng săn bắt chúng với số lượng lớn. Thêm nữa, trong nhiều cuộc “đấu trí”, sự khôn ngoan và tinh ranh ấy “chẳng là gì” so với những thợ săn cá được trang bị đến “tận răng”, cùng sự lạnh lùng đến tàn nhẫn, tham lam...

Theo kinh nghiệm của những người săn cá chép, loài cá này đẻ theo mùa, thời điểm cuối tháng 12 âm lịch cho đến tháng 2 năm sau. Khi nào gió thổi mang hơi ấm về, thì chắc chắn những con chép cái lặc lè bụng trứng sẽ tìm chỗ mà “vật đẻ”. Chỗ chúng chọn là nơi nước nông, nhiều rong rêu, nước chảy chầm chậm. Ngoài ra, những chân ruộng chiềng chập chẹ nước, thơm mùi đất mới, cũng được chúng rất ưa thích. Gọi là “vật đẻ”, bởi khi thực hiện thiên chức thiêng liêng duy trì nòi giống, cá chép quẫy đuôi rất mạnh. Những con to chừng dăm ba cân trở lên, tiếng quẫy nước chẳng khác tiếng động khi trâu đằm bùn phát ra. Từ khoảng cách hàng trăm mét, cũng nghe rõ.

Te kích điện bắt cá – cảnh thường thấy ở các vùng nông thôn.
Te kích điện bắt cá – cảnh thường thấy ở các vùng nông thôn.
Khi đẻ, cá chép cái nằm ngửa bụng mà quẫy, mà đạp, để đau đớn rặn những quả trứng đang căng lè trong khoang bụng. Khi này, cá chép đực quanh quẩn chung quanh mà rưới chất đục đục, trắng trắng lên những quả trứng (thụ tinh ngoài). Còn người thợ săn thì thích thú, bởi bắt cá chép đẻ cũng “hời” như bắt sam, thường được “cả chàng lẫn ả”. Nếu “hên”, thế nào cũng thêm dăm ba anh cá nheo, nần nẫn như bắp chân, luôn lảng vảng rình mò ăn trứng.

Khi cá chép “vật đẻ”, người thợ săn cá chỉ cần ngồi yên một chỗ, xác định chính xác nơi chúng làm ổ, giơ nơm lên cao và chạy nhanh tới. Xoảng. Cả đôi nằm gọn trong nơm. Lúc này, chỉ việc cho vào túi, vào giỏ và tiếp tục rình đôi cá khác đắm đuối trong “vũ điệu tình yêu”. Cũng có lúc trượt chân, úp trượt. Có một điều lạ kỳ mà chưa có thợ săn cá lão làng nào giải thích được, nếu úp được 1 trong số 2 bạn tình này. Nếu chỉ có cá chép đực sa vào nơm, thì cá chép cái sẵn sàng bỏ đi tìm con đực khác để thụ trứng. Còn nếu cá chép cái bị bắt, cá chép đực vẫn quay lại để thụ tinh nốt cho đám trứng. Chẳng biết do chung thủy hay khao khát mãnh liệt được làm cha khiến nó mê muội?

Ngoài cái sự “dại một giờ” mùa “vật đẻ”, loài cá chép ngày càng “dại” hơn so với con người, mà sa bẫy nhiều hơn. Anh Cao, một “cần thủ” có tiếng ở thôn Lạng Côn, xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy), bùi ngùi: “Không chỉ cá chép, mà nhiều loài cá khác ở sông Đa Độ ngày càng hiếm cũng do sự tàn nhẫn của con người. Ngoài chài lưới, họ nghĩ ra đủ cách để “tận diệt” nguồn tôm, cá. Đáng sợ nhất là những chiếc lưới vét dài hàng trăm mét. Mỗi khi đi bắt cá, họ quây lưới khắp một đoạn sông, lưới chạm đáy sông. Rồi năm, bảy người hò nhau kéo. Đánh bắt kiểu này, hầu như chẳng loài thủy sản nào có cơ may thoát khỏi “thiên la địa võng” ấy, kể cả những con cá bằng ngón tay út. Mỗi khi thành phố tổ chức thả cá giống nhằm tăng nguồn lợi thủy sản xuống dòng sông Đa Độ, họ lại “đón lõng”. Cơ quan chức năng thả xuống bao nhiêu, thì họ bắt lại đủ bấy nhiêu. Có mẻ thu cả tấn cá. Những con cá trắm đen, rô phi, mè, chép, trắm cỏ... chỉ bằng ngón tay, được bán với giá vài nghìn đồng/kg, người ta mua về nấu cho lợn ăn. Nghĩ mà xót xa!”.

Theo anh Cao, hiện trên dòng sông Đa Độ có 2 nhóm chuyên kéo lưới vét không kể ngày đêm. Vì thế, sông Đa Độ ngày càng ít tôm cá, nhất là những con cá to. Khoảng 20-30 năm trước, thợ săn cá thường xuyên bắt được cá chép, trắm đen, vược... nặng cả chục cân. Giờ, chỉ còn trong những câu chuyện được kể lại với sự tiếc nuối, đôi khi pha chút giận dữ.

Bên cạnh lưới vét, thủ phạm “góp phần” vào sự cạn kiện tôm cá không những trên dòng sông Đa Độ, mà còn ở nhiều dòng sông, cánh đồng khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng và phạm vi toàn quốc, đó chính là những chiếc te kích điện. Nguồn điện ắc-quy 12 V, qua bộ phận “kích”, bỗng trở nên nguy hiểm, đặc biệt với những loài thủy sản. Giữa 2 chiếc vợt, khi tiếng “te, te, te...” cất lên, tôm, cá nổi trắng bụng. Cá to, cá nhỏ đều thẳng đuỗn, thậm chí ngay đến trứng cũng khó có thể nở thành cá con được. Trong số các loài thủy sản, cá chép “nhạy cảm” với te kích điện nhất. Bởi, màu trắng sáng của chúng rất dễ nhận biết và phần mang hở, rộng, dính điện là phành mang, người cứng đơ, trăm phát, trúng cả trăm. Nguy hiểm hơn, ở ven bờ sông Đa Độ, một số gia đình tận dụng nguồn điện lưới 220 V để bắt cá. Một chiếc thuyền, 1 chiếc vợt dài được đan bằng sợi dây đồng nhỏ, vài trăm mét dây đơn- một đầu nối với vợt, đầu kia cắm vào pha dương nguồn điện, là có thể bắt cá trong phạm vi chiều dài sợi dây có thể với tới.

Theo ông Giám, ở thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy), giờ đây, thợ săn cá còn dùng điện để bẫy và bắt cá chép. Trước tiên, họ chọn khúc sông nhiều cá rồi thả chiếc lồng khung cứng, bao bằng lưới hoặc đan bằng sợi thép nhỏ, đặt mồi cho cá chép quen ăn mà rủ nhau tìm đến. Khi nào thấy tăm cá chép nổi nhiều, loại tăm từng đợt 3 chiếc, nổi lên trên mặt nước khoảng 2-3 giây mới vỡ, thì ấn nút đóng điện. Cả một vùng mặt nước xôn xao, bùn đất cuộn lên thành từng quầng. Có mẻ nhấc lên hàng chục cân cá chép.

Với kiểu đánh bắt hủy diệt này, nếu ngành chức năng không ra tay, quyết liệt ngăn chặn và xử lý nghiêm, thì không lâu nữa, không chỉ cá chép mà nhiều loài cá khác sẽ chỉ còn trong câu chuyện kể qua ký ức của người lớn. Và loài cá quý “khôn ba năm dại một giờ” chắc chắn sẽ ngày càng vắng bóng...


Thái Phan

Theo baohaiphong.com.vn                                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét