Bộ trưởng Y tế Việt Nam gửi “công văn hỏa tốc” cho Bộ trưởng Công an đề nghị “xác minh thông tin” một công ty Mỹ từng hối lộ 2.2 triệu đôla cho quan chức.
Văn bản của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi Bộ trưởng Trần Đại Quang nói phía công an cần điều tra để xử lý nghiêm.
Nếu thông tin về hối lộ không đúng, Bộ Công an cũng cần thông báo công khai để “tránh gây hoang mang”.
Công ty Bio-Rad Laboratories Inc. đã đồng ý nộp phạt cho chính phủ Mỹ khoảng 55 triệu USD để giải quyết cáo buộc hối lộ quan chức tại ba nước trong đó có Việt Nam.
Công ty này bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức tại ba quốc gia là Nga (4.6 triệu USD), Thái Lan (hơn 700 ngàn USD) và Việt Nam (2.2 triệu USD) trong giai đoạn 2005-2010 để giành hợp đồng.
Vào hôm thứ hai Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố rằng Bio-Rad, công ty có trụ sở tại Hercules, California đồng ý trả tiền phạt hình sự 14.35 triệu USD cho Bộ Tư pháp và 40.70 triệu USD cho SEC để tránh bị truy tố.
Theo trang tin VnExpress, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), nói công ty này, vào năm 2013, đã xin rút khỏi thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, một đại biểu Quốc hội, Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, được dẫn lời đề nghị điều tra.
“Tôi đề nghị trước hết phải xác minh xem có thực sự chuẩn xác không, từ đâu ra,” ông Tiến nói.
'Hối lộ là chuyện thường'
Tài liệu điều tra trong phần nói về Việt Nam cho biết “Bio-Rad có một văn phòng đại diện bán hàng ở Việt Nam từ ít nhất năm 2005 cho tới cuối 2009 và Giám đốc văn phòng Việt Nam giám sát và phê duyệt các hợp đồng có trị giá tới 100 ngàn USD và được thưởng tới 20 ngàn USD.
“Giám đốc Văn phòng Việt Nam đã duyệt các khoản hối lộ cho quan chức chính phủ để duy trì hoạt động kinh doanh theo đó các đại diện bán hàng, theo chỉ đạo của Giám đốc Văn phòng Việt Nam trả tiền mặt cho quan chức tại các bệnh viện của nhà nước và các phòng thí nghiệm để đổi lại việc họ mua sản phẩm của Bio-Rad.”
“Vào năm 2006, giám đốc văn phòng khu vực (Bio-Rad Singapore) biết về hoạt động bôi trơn này từ một nhân viên tài chính. Nhân viên này đã nêu các quan ngại với Giám đốc Văn phòng Việt Nam, người thông báo lại rằng trả tiền hối lộ là việc chuyện thường tại Việt Nam."
Tuy nhiên vào ngày hoặc khoảng ngày 18/05/2006, Giám đốc Văn phòng Việt Nam viết email lại cho văn phòng Singapore nói trả phí cho bên thứ ba 'bị cấm trong Chính sách Đạo đức Kinh doanh của Bio-Rad' nhưng cũng nói rằng Bio-Rad sẽ mất 80% tiền bán hàng ở Việt Nam nếu không tiếp tục hối lộ."
Để “lách luật”, Giám đốc Văn phòng Việt Nam cũng trong email này đề xuất “Bio-Rad Singapore sẽ bán sản phẩm của hãng này cho một nhà phân phối của Việt Nam với giá được giảm để rồi nhà phân phối này sẽ bán lại cho các khách hàng của chính phủ (bệnh viện và các phòng thí nghiệm) đúng giá và sẽ lại quả một phần tiền như tiền hối lộ.
“Trong khoảng từ 2005 tới cuối 2009, văn phòng Việt Nam của Bio-Rad đã thanh toán sai trái 2.2 triệu USD cho các đại lý và các nhà phân phối và họ đã chuyển tiếp tiền hoa hồng này cho quan chức chính phủ Việt Nam.
“Những khoản tiền hối lộ này, được ghi trong sổ sách là 'tiền thưởng bán hàng', 'phí quảng cáo', và 'phí đào tạo' đã mang lại cho Bi-Rad Singapore doanh thu trước thuế là 23 triệu USD,” tài liệu điều tra nói.
'Báo cáo định kỳ'
Hãng thông tấn AP dẫn lời trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Leslie Caldwell trong một tuyên bố rằng “Các công ty niêm yết trên sàn giao dịch xào nấu sổ sách của họ và che giấu các khoản thanh toán không đúng đắn để tiếp tay cho tham nhũng”.
Theo thỏa thuận với Bộ Tư pháp, Bio-Rad sẽ được phép tránh bị truy tố hình sự để đổi lại việc công ty này phải báo cáo định kỳ về khâu tuân thủ luật lệ trong thời gian hai năm một lần.
Công ty này cũng cần phải tiếp tục có tiến bộ trong một chương trình tuân thủ được sửa đổi và kiểm soát nội bộ vốn để để ngăn chặn hành vi vi phạm Đạo luật Chống tham Nhũng ở Nước Ngoài (FCPA).
FCPA nghiêm cấm các công ty Mỹ hối lộ giới quan chức chính phủ nước ngoài hoặc giám đốc các công ty nước ngoài để giành hợp đồng hoặc có được hoạt động kinh doanh.
Tư pháp cho biết họ không truy tố Bio-Rad chủ yếu là do công ty đã tự nguyện tiết lộ các hành vi sai trái cho chính phủ và đã hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét