Để tránh việc gửi tiền tỷ cũng chỉ được đền 50 triệu, những khách hàng hiểu biết đã chia số tiền gửi thành các sổ có giá trị 50 triệu đồng, bằng với mức trần bảo hiểm tiền gửi hiện hành, để tránh rủi ro.
Từ năm 2005, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được quy định là 50 triệu đồng. Dù khách hàng đang gửi tiết kiệm 50 triệu, 100 triệu hay vài tỷ đồng tại một ngân hàng, trong trường hợp chẳng may ngân hàng đó gặp vấn đề, các khoản tiền gửi không thể lấy lại được thì số tiền tổ chức BHTG Việt Nam có thể đền bù cho mỗi khách hàng tối đa cũng chỉ 50 triệu đồng.
Tối đa chỉ 50 triệu được bảo hiểm khi hiện giờ, trung bình cứ 10 người gửi tiền thì 8 người gửi nhiều hơn con số 50 triệu kể cả ở những địa phương không quá mạnh về kinh tế.
Thực tế, rất nhiều khách hàng khi đi gửi tiền rất mù mờ về chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Hầu hết tại các ngân hàng đều ghi: Ngân hàng đã mua bảo hiểm cho 100% lượng tiền. Cách ghi này khiến người gửi tiền nghĩ rằng, nếu chẳng may có rủi ro gì thì ngân hàng sẽ đền 100% số tiền gửi.
Nhưng thực chất, theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải mua bảo hiểm tiền gửi 100% số dư, tỷ lệ là 0,05%. Chứ không phải là số tiền gửi của khách hàng sẽ được đền 100%, nếu có rủi ro...
Qua tìm hiểu, được biết, thời gian qua, những người hiểu biết đã chia số tiền gửi thành các sổ có giá trị 50 triệu đồng, bằng với mức trần bảo hiểm hiện hành, để tránh rủi ro.
Thế nên mới có chuyện: Tại ngân hàng A, một khách hàng gửi hơn 20 tỷ đồng những với yêu cầu như trên, nhân viên giao dịch ngân hàng phải mất cả tiếng đồng hồ để làm tới hơn 40 sổ tiết kiệm!.
Để tránh việc gửi tiền tỷ cũng chỉ được đền 50 triệu, những khách hàng hiểu biết đã chia số tiền gửi thành các sổ có giá trị 50 triệu đồng, bằng với mức trần bảo hiểm tiền gửi hiện hành, để tránh rủi ro. (Ảnh minh họa).
Sớm nghiên cứu hạn mức chi trả bảo hiểm cho phù hợp
Bảo hiểm tiền gửi là một công cụ được triển khai ở nhiều nước nhằm bảo vệ người gửi tiền vào ngân hàng, một phần hay toàn bộ, trước những thiệt hại do ngân hàng không có khả năng hoàn trả khoản tiền gửi của khách khi đến hạn. Hệ thống bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận cấu thành của cơ chế bảo vệ hệ thống tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính đó.
Với bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền yên tâm hơn khi phải đối mặt với tình huống ngân hàng mà họ gửi tiền vì một lý do nào đó (có thể) mất khả năng thanh toán. Nếu không có bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp này thì người gửi tiền sẽ đổ xô đến ngân hàng có vấn đề để mong rút được tiền của mình về trước những người khác, trước khi ngân hàng tuyên bố mất khả năng chi trả.
Làn sóng rút tiền gửi này nhiều khi mới chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng đó và kéo theo nhiều ngân hàng khác trong hệ thống. Khi được bảo hiểm cho khoản tiền gửi của mình, người gửi tiền biết rằng dù ngân hàng có phải đóng cửa thì tiền của họ sẽ không bị mất (hoàn toàn) vì đã có quỹ bảo hiểm tiền gửi chi trả (một phần hoặc toàn bộ) nên họ không phải tranh nhau rút tiền khỏi các ngân hàng, làm hạn chế khả năng sụp đổ mang tính hệ thống của các ngân hàng.
Nhiều người cho rằng, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là 50 triệu đã không còn phù hợp.(Ảnh minh họa).
Như vậy, về bản chất, mức chi trả bảo hiểm cho tiền gửi vào ngân hàng càng cao thì người gửi tiền càng yên tâm với ngân hàng mình gửi tiền và điều này sẽ càng hạn chế được khả năng đổ vỡ có tính hệ thống của các ngân hàng.
Mặt trái của bảo hiểm tiền gửi, nhất là bảo hiểm toàn bộ tiền gửi, là nó tạo ra một rủi ro đạo đức theo đó cả ngân hàng lẫn người gửi tiền đều chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua rủi ro. Nếu không có bảo hiểm tiền gửi thì các ngân hàng phải nỗ lực cạnh tranh vừa phải nâng cao chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn của mình, vừa phải đưa ra một mức lãi suất gửi tiền đủ hấp dẫn để thu hút tiền gửi. Nếu có bảo hiểm tiền gửi thì các ngân hàng có xu hướng cho vay và đầu tư rủi ro hơn vì người gửi tiền lúc đó không quan tâm đến tính an toàn của ngân hàng đó nữa và không phải lo chuyển sang ngân hàng khác để gửi cho an toàn hơn. Về phía người gửi tiền, khi được bảo hiểm thì họ không quan tâm đến việc ngân hàng nào an toàn hơn ngân hàng nào, mà chỉ chú trọng chọn ngân hàng nào chào lãi suất tiền gửi cao nhất.
Trên thế giới, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa biến thiên trong khoảng rất rộng, từ đơn vị nghìn USD đến hàng trăm nghìn USD, hoặc toàn bộ khoản tiền gửi. Nhìn chung là không có một chuẩn mực chung nào được đặt ra như có một số người ở Việt Nam nói, chẳng hạn bằng bao nhiêu lần lương tối thiểu. Đôi khi một nước hay khu vực nào đó nâng mạnh mức chi trả bảo hiểm đơn giản chỉ vì nước hàng xóm đã nâng mức chi trả bảo hiểm lên cao hơn, tạo ra sự cạnh tranh thu hút tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài (chẳng hạn EU nâng mức bảo hiểm tối thiểu lên 50.000 euro năm 2008 sau khi Ireland nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên toàn bộ khoản tiền gửi trong cùng năm).
Xem thêm clip:
Đối tượng liều lĩnh làm giả con dấu, chữ ký để rút tiền ngân hàng.
Xét trường hợp của Việt Nam, hiện chi trả bảo hiểm tiền gửi vẫn chỉ được duy trì ở mức tối đa là 50 triệu đồng, là mức được quy định từ năm 2005. Bản thân Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng nhìn nhận rằng quy định mức tối đa 50 triệu đồng như hiện nay không còn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam xét ở các yếu tố như thu nhập GDP bình quân đầu người, tình trạng lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng tiền gửi… và chưa bảo vệ được hết quyền lợi của người gửi tiền.
Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng bày tỏ qua điểm: “"Đến bây giờ mức chi trả 50 triệu không còn phù hợp với thực tế. Nếu như trước kia người dân chỉ gửi 20 triệu, 30 triệu hay 50 triệu thì đến nay, khoản tiền gửi của dân tăng rất cao do thu nhập tăng, tỷ lệ lạm phát chưa lớn. Tôi nghĩ cần phải thay đổi và nâng hạn mức chi trả, có thể lên khoảng 200 triệu".”
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ngày 4/11, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo tổ chức này phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng phương án về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn nguoiduatin.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét