Trang Chủ

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

“Ý tưởng khởi nghiệp chỉ đáng giá 5 xu”

“Ý tưởng khởi nghiệp chỉ đáng giá 5 xu”
Chủ tịch Lê Quốc Vinh (Le Group)
khoi_nghiep_kinh_doanh
“Các bạn start-up hôm nay đừng vội nghĩ cứ có ý tưởng là sẽ ngay lập tức trở thành Mark Zuckerberg hay Larry Page”…
“90% ý tưởng của tôi vứt vào sọt rác bởi những ý tưởng đó không được hiện thực hóa”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) Lê Quốc Vinh giải thích với VnEconomy về một phát biểu của ông gần đây.

“Ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu, nếu nó không được triển khai thương mại hóa. Các bạn start-up hôm nay đừng vội nghĩ cứ có ý tưởng là sẽ ngay lập tức trở thành Mark Zuckerberg hay Larry Page…”, câu nói của ông Vinh trên cương vị là thành viên ban giám khảo cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – VPBank SME Idea 2014” mấy hôm nay đã gây nhiều tranh cãi.
Chưa thành hiện thực, chưa có giá trị
Giới trẻ ngày nay thường tự hào rằng họ khác biệt là bởi họ có nhiều ý tưởng, hơn là việc chỉ rập khuôn theo các tiêu chuẩn định sẵn như các thế hệ đi trước. Riêng ông thì cho rằng “ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu”…?
Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của ý tưởng. Cuộc sống loài người phát triển sầm uất như ngày hôm nay cũng là nhờ những phát kiến, sự sáng tạo mà ra.
Nhưng nếu chỉ có ý tưởng trong đầu, không được thực hiện thành sản phẩm, ứng dụng hay lớn hơn là trở thành doanh nghiệp, thì ý tưởng cũng sẽ chỉ đáng giá 5 xu mà thôi.
90% ý tưởng của tôi vứt vào sọt rác bởi những ý tưởng đó không được hiện thực hóa. Có những ý tưởng của tôi bị người khác đánh cắp và xây dựng thành dự án thực tế, nhưng tôi không thể đòi hỏi người ta phải trả tiền cho mình, bởi khi dừng lại ở mức độ ý tưởng thì nó không có giá trị sử dụng.
Để có thể kinh doanh được cần rất nhiều yếu tố, đâu chỉ cần mỗi ý tưởng.
Nhiều bạn start-up (khởi nghiệp) cho rằng chỉ cần có ý tưởng hay thì thành công sẽ sớm gõ cửa nhà bạn. Còn câu chuyện khởi nghiệp của ông thì như thế nào?

Tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Khi đó, tôi là giám đốc điều hành với 10% cổ phần, bởi tôi chỉ là người có… ý tưởng. Số cổ phần còn lại thuộc về những người có tiền rót vốn.
Sau khi bán 10% cổ phần của mình và rút khỏi công ty, tôi dùng số tiền ấy và mua 23% cổ phần của công ty khác. Tại công ty mới, tôi cũng mang đến cho họ một ý tưởng, đó chính là ý tưởng về “tạp chí Đẹp”.
Nhưng, ý tưởng đó chỉ được định giá là 0 đồng, bởi nó không mang lại giá trị gì khi chưa thành sản phẩm.
Năm 2004, tôi thành lập một công ty xuất bản và mới thực sự phát triển tạp chí Đẹp. Và đến giờ, ý tưởng cách đây 15 năm mới mang đến những giá trị nhất định – giá trị của thương hiệu. Đã có những quỹ đầu tư, công ty, tập đoàn muốn mua tạp chí Đẹp với số tiền lớn – đó là mua giá trị thương hiệu sau 15 năm xây dựng.
Bạn thấy đó, ý tưởng ngày ấy, bây giờ mới thành tiền…
Như vậy, ý tưởng xuất phát từ đam mê, song chúng ta phải gặp được cơ hội phát triển nó. Mất thêm một quá trình xây dựng sản phẩm, gây dựng niềm tin, khẳng định khả năng, chúng ta mới có quyền bán thứ vô hình – đó là thương hiệu, khởi nguyên của nó là ý tưởng.
Đây chính là những gì cá nhân tôi đúc kết được sau bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường, là nguyên nhân dẫn tới câu nói của tôi trong buổi họp báo trên.
4 lời khuyên cho start-up

Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn khởi nghiệp không?
Thứ nhất, ý tưởng chỉ có thể kinh doanh được khi nó dựa trên một bản nghiên cứu khả thi, vững chắc, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công thì start-up cũng cần có cái nhìn xa, lường trước những rủi ro bởi nghiên cứu không hoàn toàn chính xác.
Việc khảo sát thị trường trước khi khởi nghiệp chỉ là dự đoán, nhu cầu về món hàng với khả năng chi trả cho món hàng là hai việc khác nhau và người “cung” không thể chi phối lượng “cầu”.
Khi điền bảng hỏi điều tra, lý trí sẽ điều khiển, nhưng khi mua hàng lại do cảm xúc chi phối nhiều hơn.
Điều thứ hai, start-up phải có khả năng quản lý những mảng cốt lõi của doanh nghiệp như: tài chính, nhân sự, sản xuất… Có ý tưởng nhưng không biết cách vận hành doanh nghiệp thì sẽ rất dễ chết yểu.
Nếu bạn không có khả năng quản lý thì hãy liên kết với những người có khả năng làm việc đó – họ có thể trở thành người cộng sự, cố vấn, nhân viên… và cùng bạn biến ý tưởng thành doanh nghiệp thực tế.
Điều thứ ba là marketing. Bạn có ý tưởng, có khả năng quản lý, có thể sản xuất ra những sản phẩm tốt mà không biết marketing thì sản phẩm đó cũng không thể phát triển.
Làm kinh doanh mà không quảng bá, thì khác gì bạn đứng trong bóng tối và nháy mắt với một cô gái đẹp.
Điều thứ tư, đó là việc gọi vốn đầu tư. Khi có trong tay một bản kế hoạch kinh doanh, start-up cần vốn để phát triển nó thành hiện thực. Có những dự án không cần nhiều vốn, đó là điều may mắn. Nhưng đa phần những dự án kinh doanh đều cần một khoản tiền lớn để khởi động.
Tóm lại, ý tưởng chỉ là một bước đi nhỏ trong hành trình khởi nghiệp kinh doanh. Như ở Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo VCE do tôi sáng lập, là nơi tập hợp các nhà kinh doanh có rất nhiều ý tưởng hay ho, nhưng trong đó chỉ có 1% các ý tưởng thành công.
Theo Huy Nam – Vneconomy

Xem thêm>> 

Đạo Phật Trong Kinh Doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét