Xem thêm >>
Gần 100 năm sau cái chết của cụ Đề, chuyện mộ phần của cụ hiện nằm ở đâu vẫn là một dấu hỏi lớn.
Kỳ 1: Những bí ẩn chưa từng biết tới trong núi rừng Yên Thế
Với những thông tin nghi vấn về dấu tích mộ cụ Hoàng Hoa Thám được xác định ở Mai Trung (Hiệp Hòa) rồi Hố Lẩy hay làng Trủng (xã Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang)... đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận và các nhà nghiên cứu lịch sử. Cho tới nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng, chính xác dựa trên những chứng cứ khoa học về nơi cụ Đề Thám yên nghỉ.
Bí ẩn lời sấm truyền trong rừng thiêng Yên Thế
Dường như biết được cái chết của mình, cụ Đề đã để lại lời sấm truyền cho hậu thế mà có lẽ đến nay vẫn còn ứng nghiệm với thực tế: "Ta chết chỉ có trời biết, đất biết và quạ biết". Có lẽ do có sự trùng hợp với lời sấm truyền này mà cho đến nay bí ẩn về ngôi mộ và cái chết của thủ lĩnh Đề Thám vẫn chưa thể có lý giải nào hợp lý.
Về không gian những nơi có thể được coi là nơi Hoàng Hoa Thám tạ thế, những chuyện thêu dệt kỳ bí ngày một nhiều và được lan rộng. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm, tính đến ngày 1/12/1909, ngày bà Ba Cẩn bị bắt, Hoàng Hoa Thám chỉ còn hai thủ hạ đi theo (theo lời cung của 4 nghĩa quân Yên Thế ra hàng Bonifacy ngày 6/12/1909). Ông đã bí mật về nương náu tại mỏm cao 28 mà nhân dân địa phương quen gọi là Ngàn Ván hoặc đồi Yên Lễ (nay thuộc xã Dương Lâm, Tân Yên, Bắc Giang), tạm ngừng tất cả các hoạt động về quân sự...
Tượng đài Hoàng Hoa Thám sừng sững trong khu di tích Yên Thế. |
Năm 1913, Bang tá Lạng Sơn Vi Văn Định 35 tuổi, được nhà cầm quyền Pháp thông báo về việc đã sát hại được Hoàng Hoa Thám, đầu đem bêu ở Yên Thế, nhờ đó đã xua tan được mối nghi ngờ trong đám quan lại người Việt và dân chúng. Nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt cũng đã đề cập đến chi tiết được Vi Văn Định kể lại sự việc này trong cuốn Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám (Sở Văn hóa- Thông tin Hà Bắc (cũ) xuất bản năm 1984). Ngay thời đó, ông Định và nhiều quan lại người Việt khác đều cho rằng, đấy là một cái đầu của ai đó, còn Hoàng Hoa Thám thì đã qua đời từ trước rồi. Giới cầm quyền Pháp lúc đầu cũng tin chiếc đầu đem nộp là đầu của Hoàng Hoa Thám nên đã cử người của sở Căn cước tên là Latalette và Brault lên Nhã Nam chụp hình để lập hồ sơ và công bố trên báo chí như vụ Hà Thành đầu độc diễn ra năm 1908. Khi phát hiện bị đánh lừa, việc trưng bày thủ cấp từ 3 ngày đã rút xuống còn 2 ngày, các gương ảnh bị thu hồi, cấm phổ biến. Vì đã trót làm rùm beng sự việc nên Thống sứ Bắc Kỳ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vẫn đưa các nhân chứng về Hà Nội lập khẩu cung, phát tiền thưởng và thăng cho Lương Văn Phúc từ Hậu bổ lên thẳng Tri phủ phủ Quảng Oai.
Đồng hành với các sự kiện trên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, trong trận Ngàn Ván xảy ra đêm 21/11/1911, tuy Hoàng Hoa Thám và 2 cận vệ thoát ra ngoài nhờ trận mưa đột ngột nhưng cả ba thầy trò đều bị thương, bị bỏng rất nặng rồi qua đời khoảng mùa đông năm 1911. Tuy nhiên, các tài liệu của Bouchet, Paul Charle được ghi lại trong Lịch sử Quân sự Đông Dương vẫn cho thấy, các hoạt động của cụ Đề tại Bằng Cục (1/1912), Ngọc Cục, Ngọc Châu, Thúy Cầu, Dĩnh Thép, Lèo (tháng 2 và 3/1912) mà nổi bật là việc trừng trị Phó đội Liên ở Dĩnh Thép (19/11/1912) và Đồng Cửu ở Lục Giới (24/12/1912). Nhiều người không chắc chắn, đây có phải là những hoạt động của cụ Đề hay không, nhưng có vẻ nó không ăn nhập gì so với sự kiện Hố Lẩy năm 1913 cho lắm, bởi một tướng quân dạn dày kinh nghiệm chiến đấu như cụ Đề không thể bị hai kẻ cận vệ nửa đêm lẻn vào dùng cuốc đập chết được. Lời sấm truyền của cụ Đề Thám lúc sống lại càng trở nên bí hiểm hơn bao giờ hết. Và, tất nhiên cho đến nay, tìm được ngày tháng, địa điểm Hoàng Hoa Thám qua đời, yên nghỉ là việc khó như mò kim đáy biển.
Pháp đã mất hơn 2000 quân viễn chinh nhưng không tiêu diệt được Hoàng Hoa Thám. |
Thủ cấp của vị sư trụ trì?
Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu, chứng cứ đủ thuyết phục để lý giải rằng Hoàng Hoa Thám (sinh năm 1858, mất năm 1913) đã rơi vào tay của giặc Pháp và bị chặt đầu, bêu tại chợ Nhã Nam. Đến nay, mọi nghiên cứu của các nhà sử học đều căn cứ vào những tài liệu của Pháp ghi lại. Một trong những tài liệu có lẽ đủ sức thuyết phục nhất, đó chính là các bản hỏi cung của chính quyền thực dân Pháp đối với hai tên gian tế - nhưng kẻ đã trực tiếp giết hại cụ Đề - sau khi đột nhập được vào hàng ngũ của cụ. Tuy nhiên, những lời khai này đều chứng tỏ mâu thuẫn, được giới nghiên cứu phân tích và bác bỏ giá trị lịch sử, cho rằng, đây là kịch bản dàn dựng của người Pháp.
Nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt cho rằng, sau khi giết được cụ Đề, lẽ ra quân Pháp phải chụp ảnh thủ cấp đăng tải lên báo chí, vì việc đó rất có lợi cho chúng trong việc "khủng bố" tinh thần của nhân dân. Đằng này, chúng đã nhanh chóng cho tịch thu các bức ảnh lại và cho đến nay, người ta cũng không tài nào tìm thấy những bức ảnh đó. Chắc chắn rằng, thực dân Pháp đã phát hiện ra, đó không phải là thủ cấp của Hoàng Hoa Thám.
Cũng theo nhà nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám, TS. Khổng Đức Khiêm trong cuốn sách của mình đề cập đến việc ông Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám sau khi đi xem về nói với con cháu rằng, ông thường cắt tóc cho thủ lĩnh nên biết đầu của thủ lĩnh có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu. Ông Giáp Văn Phúc, còn gọi là Cai Cờ, cũng xác nhận với con cháu hôm 29 tháng Chạp năm Duy Tân lục niên (4/12/1913), Hoàng Hoa Thám còn về làng Lục Giới bảo hộ một món tiền của mấy gia đình (ông Thiện 50 đồng, bà Tám và bà Lộc mỗi người 10 đồng), hẹn khi nào khôi phục xong sẽ trả. Do đó, thời gian xảy ra sự việc trên, thủ lĩnh không có mặt ở Yên Thế.
Câu chuyện từ làng Lèo đều cho rằng, cái đầu mà thực dân Pháp treo tại chợ Nhã Nam kia thực chất là của vị sư trụ trì ở chùa làng. Vị Sư này có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám, cùng với đó, tuy treo thưởng cho hai kẻ giết được Hoàng Hoa Thám nhưng không thấy thông tin gì. Nhiều tài liệu ghi, quan lại của chính quyền phong kiến lúc đó cũng cho rằng, Hoàng Hoa Thám không thể bị giết tại Hố Lẩy mà có thể đã qua đời trước đó, do bị thương hoặc ốm đau, bệnh tật. Đa số người dân cho rằng, Hoàng Hoa Thám vẫn còn sống trong vùng rừng núi Yên Thế, mãi sau này mới chết vì già yếu. Việc nhà cầm quyền Pháp chỉ cho bêu đầu tại Nhã Nam có hai ngày rồi vội vã cho tẩm dầu, đốt thành tro đem đổ xuống ao hay việc họ không cho công bố ảnh thủ cấp những người chống lại bị chém giết khiến cho mối ngờ vực ngày càng tăng thêm. Điều này, trái ngược hoàn toàn với việc thường lệ của thực dân Pháp khi bắt hay giết được bất kỳ thủ lĩnh nào của nghĩa quân Yên Thế, chúng đều cho phóng viên chụp lại ảnh để gửi về Pháp chứng minh cho sự thắng lợi của chúng trước "kẻ thù cứng cựa nhất" của mình.
Còn các tài liệu của Pháp đều cho rằng, sau khi giết được cụ Đề, chúng đã cắt thủ cấp của cụ và vùi xác ở Hố Lẩy, Tổ Cú, cách Nhã Nam 2km. Nếu đúng là như vậy thì tại sao, mãi đến tận ngày nay vẫn không ai có thể biết được xác cụ Đề ở đâu. Có lẽ chỉ có một sự thật duy nhất là cụ đã mất ở một nơi bí mật nào đó...
Tướng quân trung thành của nước Việt
"Tôi ở đất nước tôi, đất của tổ tiên tôi. Chúng tôi đây, những thần dân trung thành của nước Việt. Chúng tôi vô cùng thiết tha với phong tục trong nước, không bao giờ chịu dời bỏ phong tục đó, cho dù đứng trước cái chết, vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Trời Đất, thần linh phù hộ cho chúng tôi làm tròn sứ mệnh".
(Thư cụ Đề gửi quân Pháp trong trận đánh Hố Chuối ngày 22/ 12/1890)
|
TRẦN PHƯƠNG - ĐỖ HUỆ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét