TS Doanh bày tỏ, ông Lý Quang Diệu đã nhiệt thành hoan nghênh công cuộc đổi mới, hội nhập của Việt Nam, ủng hộ nước ta gia nhập ASEAN và mong chúng ta phồn thịnh.
Luôn ủng hộ Việt Nam
Chia sẻ về sự ra đi của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, đây là sự mất mát lớn của không chỉ người dân Singapore mà còn cả nhân dân thế giới.
Theo TS Doanh, ông Lý Quang Diệu là một người lãnh đạo xuất sắc, nhà lãnh đạo có đóng góp hết sức to lớn đối với Singapore, ASEAN và châu Á.
Ông đã thành công đưa đất nước Singapore từ một mảnh đất nghèo nàn, không có tài nguyên và thậm chí không có cả đủ nước sinh hoạt trở thành một đất nước rất giàu có, cường thịnh, được quốc tế nể trọng.
Cũng theo TS Doanh, trong cuộc đời mình, ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần nói về mơ ước có một đất nước như Việt Nam.
"Ông Diệu đánh giá rất cao Việt Nam có một vị thế chiến lược, là một dân tộc cần cù, thông minh, ham học. Ông luôn nhắc đến sinh viên Việt Nam ở nước ngoài luôn là những người học giỏi nhất.
Ông mơ ước có một đất nước cường thịnh như Việt Nam và ông đã từng nói, nếu như có một nước nào mà giàu có, cường thịnh nhất châu Á thì đó chính là Việt Nam", TS Doanh cho hay.
TS Doanh cũng nhấn mạnh thêm, chính ông Lý Quang Diệu đã ủng hộ Việt Nam gia nhập tổ chức ASEAN trong khi một số nước khác phản đối.
Ông Diệu cũng đã là người bạn hết sức chân thành và gần gũi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời ông sang Việt Nam góp ý kiến, ông đã rất hào hứng, ủng hộ và mong Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường, phồn vinh.
Bởi theo ông, một Việt Nam hùng cường và phồn vinh sẽ đóng góp lớn cho hòa bình, ổn định ở châu Á, đồng thời có lợi cho Singapore.
TS Doanh cũng nhắc lại sự ủng hộ của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đối với quá trình đổi mới, cải cách ở Việt Nam.
Theo đó, ông Lý Quang Diệu luôn mong Việt Nam xây dựng một Nhà nước trọng dụng nhân tài, trong sạch, không có tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
TS Doanh nói: "Ông là người cũng rất ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế.
Trong những năm cuối đời, ông đã phát hiện ra Việt Nam tiến chậm, cải cách chậm và chưa thực sự lắng nghe những lời đóng góp ý kiến của ông. Vì thế, ông đã chỉ rõ ra những yếu kém của Việt Nam.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là một người bạn tốt của Việt Nam bởi chỉ có người bạn tốt mới chỉ ra được yếu kém của mình".
TS Lê Đăng Doanh.
Câu trả lời không bao giờ quên của ông Lý Quang Diệu
Với giọng trầm ngâm hơn, TS Lê Đăng Doanh cũng nhớ lại những kỷ niệm của cá nhân ông trong những lần được gặp, làm việc với cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
"Tôi có gặp ông Lý Quang Diệu nhiều lần và chính tôi là người đã cung cấp các số liệu, phân tích kinh tế bằng tiếng Anh khi ông sang thăm Việt Nam lần đầu tiên.
Mỗi lần, ông sang thăm Việt Nam đều có mời và trao đổi trực tiếp với tôi. Cá nhân tôi cũng đã có dịp sang Singapore hội thảo với ông và đã ngồi bên cạnh, trao đổi với ông", TS Doanh kể.
TS Doanh cũng nhắc thêm về kỷ niệm về một lần ông đã hỏi ông Lý Quang Diệu về câu chuyện, ông là một nhà chính trị có nhiều quyết sách vậy ông đã xử lý như thế nào đối với người phản đối ông (?).
"Khi đó, ông Lý Quang Diệu có nhìn tôi và nói, ông là một nhà khoa học, tôi là một nhà chính trị, nếu không có người nào phản đối thì làm sao mà có thể làm khoa học, chính trị được.
Đương nhiên là họ sẽ phản đối mình và chỉ có khi nào chúng ta chết thì họ mới thôi phản đối, cho nên, ông phải biết điều đó, sẵn sàng đối với với điều đó. Đây là điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn ghi nhớ.
Và với tôi, ông Lý Quang Diệu là một con người xuất sắc, rất sáng suốt và nguyên tắc của ông là trung thực đối với bản thân, đất nước, luôn luôn lấy lợi ích của đất nước làm thước đo cho hành động", TS Doanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Doanh cũng cho rằng, Việt Nam chúng ta sẽ phải học rất nhiều từ đất nước Singapore mà ông Lý Quang Diệu đã góp công lớn xây dựng lên.
"Đó là trọng dụng nhân tài, không tham nhũng và đất nước Singapore là một đất nước có nền giáo dục rất phát triển. Một điều nữa có thể kể đến, đất nước Singapore hẹp như vậy nhưng họ có 2 triệu cây và họ không chặt một cây nào cả.
Với Hà Nội của chúng ta nên nhân dịp ông Lý Quang Diệu mất này để xem lại việc chặt cây của mình", TS Doanh đề nghị.
Theo ttvn.vn ( Tri thức trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét