“Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách khách quan, đánh giá tác động của rượu bia”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Chiều 23.2, Bộ Y tế có báo cáo về tình hình khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán trên cả nước. Theo đó, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 chiều tối 2.3.2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Văn Nên cho biết, phần lớn nguyên nhân đánh nhau do rượu.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 chiều tối 2.3.2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Văn Nên cho biết, phần lớn nguyên nhân đánh nhau do rượu.
Xung quanh vấn đề này, bên lề buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, phóng viên có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Thưa Thứ trưởng, theo thống kê của Bộ Y tế, phần lớn nguyên nhân đánh nhau nhập viện dịp Tết do bia rượu. Được biết, tại Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế biên soạn có đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h đến 6 giờ sáng hôm sau. Vậy, từ lý do đánh nhau do bia rượu, xin hỏi Thứ trưởng, đề xuất này sẽ được nghiên cứu xem xét như thế nào trong thời gian tới?
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia đòi hỏi áp dụng nhiều giải pháp tổng thể mới mang lại hiệu quả chứ không thể chỉ một vài biện pháp riêng lẻ.
Cấm bán rượu bia vào một khoảng thời gian trong ngày là một trong các biện pháp hiệu quả hạn chế tính sẵn có của rượu, bia theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Hiện có 68/168 quốc gia (có 9 quốc gia ASEAN) có quy định thời gian cấm bán rượu, bia. Gần đây nhất, ngày 31/1/2015, Singapore đã ban hành luật cấm bán rượu, bia từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Qua công tác rà soát cho thấy, sử dụng rượu bia trong khoảng thời gian từ sau 22 giờ dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh, mất an toàn giao thông (nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra sau thời gian này), ảnh hưởng đến công việc, năng suất lao động và là một trong những nguyên nhân phạm tội, gây thương tích.
Do đó, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ Y tế đã nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp dự kiến quy định trong Lluật, trong đó có quy định trên để đưa ra xin ý kiến rộng rãi. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, còn có những phản hồi, băn khoăn của người dân về tính khả thi.
Là những người thầy thuốc, chúng tôi đặt lợi ích sức khỏe của mỗi người dân lên trên hết. Chúng tôi hiểu và thông cảm với nỗi bức xúc của người dân, của dư luận và xác định rõ trách nhiệm phải nghiên cứu, ban hành những quy định phù hợp với lòng dân, với điều kiện kinh tế, văn hóa của người Việt và bảo đảm tính khả thi.
Theo ông, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Lạm dụng rượu bia có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và các vấn đề xã hội, thưa ông?
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh và đang ở mức báo động.
Tổng kết năm 2015, ngành rượu bia đạt sản lượng 3,17 tỷ lít bia và khoảng 360 triệu lít rượu. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%, có đến 90% nam giới Việt Nam uống rượu, bia; trong đó, 1/4 trong số này sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.
Theo thông kê tại Việt Nam, các rối loạn do lạm dụng rượu (14%) là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật ở nam giới, tiếp đến là trầm cảm (11%) và tai nạn giao thông (8%). Khoảng 60% các vụ bạo lực gia đình, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội và gần 70% vụ tai nạn giao thông là do sử dụng rượu, bia. 15% số giường ở bệnh viện tâm thần là dành cho người nghiện rượu. Đây là những con số đáng báo động.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Trong đó, có các biện pháp hiệu quả như tăng thuế, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia (cấm bán tại một số địa điểm và thời gian nhất định, đăng ký, cấp phép…), cấm và hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, cấm sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc, cấm lái xe có sử dụng rượu, bia…
Có ý kiến cho rằng, đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h đêm đi vào cuộc sống sẽ giảm được số lượng người đánh nhau dịp Tết. Ông nghĩ sao?
Mặc dù các nước đã áp dụng quy định cấm bán rượu bia sau 22h đêm rất hiệu quả nhưng ở Việt Nam, việc tổ chức thực hiện pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật còn có khó khăn nhất định.
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách khách quan, đánh giá tác động của rượu bia.
Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ đề xuất những quy định thực sự phù hợp kèm theo các biện pháp về tổ chức thực hiện để bảo đảm tính khả thi. Chúng tôi cũng mong người dân cùng ngành y tế vận động, tuyên truyền và giám sát việc chấp hành pháp luật để góp phần phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia vì sức khoẻ nhân dân.
Theo Bộ Y tế, hàng nghìn vụ đánh nhau dịp Tết có nguyên nhân chủ yếu từ sử dụng rượu bia. Vậy thời gian tới, Bộ Y tế có giải pháp gì để phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia?
Bên cạnh biện pháp quan trọng hàng đầu là truyền thông về tác hại của lạm dụng rượu, bia và hướng dẫn người dân sử dụng rượu, bia một cách phù hợp. Bộ Y tế đã và đang triển khai các biện pháp quan trọng khác như bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia.
Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an kiểm tra chủ động nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, nghiêm cấm công chức, viên chức trong ngành sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc…
Tuy nhiên, nếu chỉ riêng nỗ lực của ngành y tế thì sẽ khó thực hiện thành công. Bởi vì, lạm dụng rượu bia không chỉ là một vấn đề y tế mà là vấn đề xã hội nên cần những giải pháp tổng thể, lâu dài cần phối hợp liên ngành và sự chung sức của toàn xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét