Nguồn video Báo Bắc Giang điện tử
Ngày 16-3, Huyện ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ huyện Yên Thế (Bắc Giang) long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 131 năm khởi nghĩa Yên Thế tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (thị trấn Cầu Gồ).
Dự khai mạc có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, TP và một số huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Sơn La; Hội đồng hương Yên Thế tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cùng hàng nghìn nhân dân, du khách thập phương...
Tái hiện lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám |
Năm nay thời tiết thuận lợi, ngay từ sáng sớm, các đoàn người nườm nượp đổ về trung tâm lễ hội. Khởi đầu buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu đã làm lễ dâng hương tại đền Thề và đền thờ Bà Ba, tiếp đến là màn trống hội hào hùng, sôi động.
Trong không khí trang trọng, thiêng liêng của buổi lễ, thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện trình bày diễn văn khai mạc, trong đó nêu bật lịch sử hào hùng, vẻ vang, tinh thần bất khuất của nghĩa quân Yên Thế do Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp suốt gần 30 năm (1884-1913). Khởi nghĩa Yên Thế được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc chống thực dân xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo. Cuộc chiến đấu vô cùng kiên cường, bất khuất mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng đã cổ vũ sức mạnh và sự bất diệt của khát vọng độc lập, tự do.
Ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế là Di tích Quốc gia đặc biệt; năm 2013 lễ hội Yên Thế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại đền thờ Bà Ba. |
Phát huy thuyền thống thượng võ, anh hùng của mảnh đất Yên Thế, đến nay địa phương đã không ngừng đoàn kết, năng động và gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển KT - XH, an ninh, quốc phòng. Nhiều người biết đến nơi đây với những sản phẩm đặc trưng như: Gà đồi Yên Thế, mật ong hoa rừng, chè sạch bản Ven...
Sau diễn văn khai mạc là chương trình nghệ thuật quy mô lớn có chủ đề “Khởi nghĩa Yên Thế - truyền thống hội tụ” với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nhạc công Nhà hát Chèo Bắc Giang, học sinh Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Với thời lượng 90 phút, chương trình đã tái hiện một cách chân thực, giàu hình ảnh tinh thần thượng võ, ý chí đấu tranh quật cường của nghĩa quân Yên Thế năm xưa. Trong đó điểm nhấn là lễ tế cờ, phóng ngư của Hoàng Hoa Thám, các tiết mục văn nghệ giàu bản sắc dân tộc.
Các đại biểu tham dự lễ hội. Ảnh: Văn Vĩnh |
Trước đó, chiều 15-3, đã diễn ra lễ dâng hương và tế trước tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, lễ phóng ngư tại hồ sinh thái huyện với sự tham gia của lãnh đạo, nhân dân các xã, thị trấn trong toàn huyện. Ngoài ra, nằm trong khuôn khổ Ngày hội còn có nhiều trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: Hội trại thanh niên, thi nấu cơm niêu, trưng bày ẩm thực, trưng bày sinh vật cảnh, hội chợ thương mại, đập niêu, ném còn, kéo co, bắn nỏ, bịt mắt bắt dê, nghệ thuật rối nước, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người mặc trang phục dân tộc đẹp, giải bóng đá nam của huyện; giải vô địch đẩy gậy tỉnh Bắc Giang; giải bóng bàn, cờ tướng huyện Yên Thế mở rộng…
Từ năm 1984, lễ hội Yên Thế được tổ chức thường niên vào ngày 16-3 nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và tưởng nhớ Anh hùng Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám cùng các nghĩa sĩ đã dũng cảm đứng lên chống ách đô hộ thực dân Pháp. Qua đó khơi dậy, phát huy tinh thần thượng võ, lòng tự hào dân tộc, giá trị di sản văn hóa trên quê hương Yên Thế Anh hùng.
Theo kế hoạch, lễ hội Yên Thế diễn ra đến hết ngày 17-3.
Nguyễn Hưởng
Theo baobacgiang.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét