Mặc dù 93 tuổi, nhưng cụ Lê Thi (ở Xa La, P.Phúc La, Q.Hà Đông, Hà Nội) vẫn chơi facebook, vẽ tranh và viết tiểu thuyết.
Cụ bà “xì- tin”
Đến Xa La, hỏi nhà cụ Lê Thi thì ai cũng biết và thân mật gọi cụ bằng những cái tên “cụ bà facebook”, “cụ bà xì - tin” hay “bà còng Xa La”. Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ dùng máy tính, điện thoại, chơi facebook như giới trẻ.
Nơi ở của cụ Thi là căn phòng rộng rãi, thoáng mát, chứa đầy những bức tranh sơn dầu lớn nhỏ, giấy, bút, màu vẽ... Thân hình nhỏ bé, cái lưng còng rạp, mái tóc bạc như cước, cụ ngồi trên giường cùng chiếc máy tính HP, gõ bàn phím tanh tách…Bàn phím của cụ chỉ đặc biệt hơn một chút, là được sơn bằng bút dạ màu trắng, để làm nổi bật những con chữ. Điều thú vị là cụ dùng máy tính, đọc sách… mà không cần đeo kính.
Cụ Thi cho biết, lý do sử dụng máy tính là do…tuổi cao. “Vào năm 84 tuổi, vì tuổi tác cao, tôi run tay không cầm được bút, chữ viết không được rõ ràng, nên dùng máy tính viết. Một phần nữa vì tôi có cháu trai đang du học bên Nga, mỗi lần gọi điện thoại về, tôi rất khó nghe. Nó còn muốn nhìn thấy cả hình tôi, nên khuyên tôi dùng máy tính”, cụ Thi kể. Từ đó cụ bắt đầu sử dụng máy tính. “Bây giờ máy tính rất cần với tôi, nó như là người bạn. Tôi dùng máy tính để tìm tài liệu, tra cứu thông tin, đọc báo, viết sách…”, cụ chia sẻ. Đặc biệt, cụ còn dùng máy tính để chơi facebook. Trước khi dùng facebook, cụ Thi được con cháu trong nhà cài phần mềm Skype (nói chuyện trực tiếp trên máy tính) để dễ dàng liên lạc với mọi người.
Thời gian đầu, cụ dùng facebook, chỉ để nói chuyện, liên lạc với những đứa cháu của mình, đặc biệt là cháu nội đang học tập ở nước ngoài. Nhưng từ vài tháng trở lại đây, cụ lên facebook thường xuyên hơn, công khai kết bạn, viết, chia sẻ những tâm tư lên dòng thời gian. Đồng thời cũng “còm” cũng “like” với bạn bè trên facebook.
Hiện tại, trên trang facebook của cụ có địa chỉ là Lê Thi, được rất nhiều người kết bạn và theo dõi, trong đó có nhiều người xa lạ, cụ cũng chấp nhận. Theo cụ, “mục đích dùng facebook là để chia sẻ những quan điểm sống, những sở thích, cũng như để biết nhiều hơn về cuộc sống hiện nay của giới trẻ”.
Nói về chuyện lên facebook của cụ, chị Phạm Thi Phương Thanh (39 tuổi), cháu nội cụ kể: “Lần đầu tiên dùng facebook, cụ viết lên dòng thời gian của tôi hỏi: “Có ăn cơm không”, làm tôi cũng như bạn bè, đồng nghiệp không nhịn được cười. Mọi người thấy thú vị “nhảy” vào like, “còm” toán loạn…Cũng từ đấy, nhiều người biết cụ chơi face”.
Viết tiểu thuyết và vẽ tranh
|
Sau Cách mạng tháng Tám, cụ tham gia nhiều hoạt động, giữ nhiều cương vị, từng là Thường vụ Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Phụ nữ nhiều huyện ở Thanh Hóa, Chủ nhiệm hợp tác xã, hộ sinh, cán bộ chăn nuôi…
Cụ vốn yêu văn chương từ nhỏ nhưng không có cơ hội theo đuổi. Năm 52 tuổi, cụ quyết định viết hồi ký, tiểu thuyết nhưng viết dở dang thì phải gác lại vì còn bận mưu sinh. Cho đến năm 84 tuổi, cụ mới toàn tâm, toàn ý viết tiếp và sau 2 năm ròng rã, cụ đã viết xong tiểu thuyết đầu tay có tên “Ngược dòng”. Cuốn truyện là kể về những ký ức của người con gái nông thôn vùng quê Thanh Hóa (chính là bóng hình cụ), thích học hỏi, văn chương, vẽ tranh… nhưng bị chế độ phong kiến kìm hãm, trù dập và lao đao trước dòng xoáy cuộc đời. Cuốn tiểu thuyết dài hơn 600 trang đã được Nhà xuất bản Lao Động ấn hành vào năm 2010, với 1.000 cuốn, và được đông đảo bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ đón nhận.
Với thành công tiểu thuyết đầu tay, cụ Thi có dự định viết tác phẩm thứ hai, nhưng không thành. Cụ nuối tiếc: “Sau khi xuất bản xong tiểu thuyết “Ngược dòng”, tôi đã lập đề cương chi tiết lên đến 20 trang với tựa đề “Dòng xoáy cuộc đời”, viết tiếp về 60 năm cuộc đời của mình nhưng tuổi đã xế chiều, tôi là “nhà văn” mà chỉ có duy nhất một tác phẩm”.
Chia tay với văn chương cụ lại miệt mài vẽ tranh. Với sở thích và ước mơ vẽ tranh từ bé, mặc cho gia đình can ngăn, chửi mắng nhưng cụ vẫn âm thầm học và đến già mới có cơ hội thể hiện ước mơ. Cụ bắt đầu vẽ nhiều và được nhiều người biết đến những tác phẩm tranh sơn dầu của mình vào năm 72 tuổi. Sau đó, năm 74 tuổi, có một bài báo viết về tranh của cụ, nhiều người biết đến, nhiều họa sĩ có tiếng đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về các tác phẩm của “họa sĩ già” này. Khi đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Khoa Điềm đã đích thân đến nhà thăm, tặng bằng khen và tổ chức một buổi triển lãm riêng cho cụ tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Hiện tại sau 20 năm, với tình yêu nghệ thuật, cụ Thi đã có hơn 2.000 bức tranh sơn dầu lớn nhỏ, với những bức có giá từ 2 – 3 triệu đồng. Đa số khách tự tìm đến tận nhà cụ để mua, đặt tranh.
Bà Trương Thị Chức 70 tuổi, con dâu cụ cho biết: “Cụ là một người làm không biết mệt mỏi, từ dệt vải, làm ruộng, xe chiếu, vẽ tranh, viết truyện…Tất cả con cháu không bao giờ phản đối việc làm, sự yêu thích nghề nghiệp của cụ. Mọi người đều khuyến khích, động viên và chỉ góp ý để cụ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, đảm bảo sức khỏe”...
“Kết luận” về cuộc đời mình, cụ Thi trầm ngâm, triết lý: “Cuộc đời mình như con cá bơi ngược dòng, càng bơi lên thì dòng nước càng đẩy xuống, nhưng dù chầy da, xước vẩy, nó vẫn cứ bơi lên”.
Trần Hồ
Theo thanhnien.com.vnTin Khác:
Voi giết quản tượng, bỏ chạy với 3 khách trên lưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét