Trang Chủ

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

CUỘC ĐỜI ANH HÙNG DÂN TỘC HOÀNG HOA THÁM: Tâp 3

Xem thêm

       

              Hùm xám Yên Thế (Tập 3)
                                      





Đọc nội dung
  
(BGĐT)- Dưới sự chỉ huy của Đề Thám, nghĩa quân Yên Thế trong nhiều năm đã thực sự vươn lên thành một lực lượng kháng chiến uy lực, gây nên những tổn thất nặng nề cho thực dân Pháp và tay sai. Với hệ thống đồn lũy kiên cố lại nằm ở vị trí hiểm trở, Yên Thế đã trở thành một cái gai khó nhổ đối với kẻ xâm lăng, mặc dầu chúng đã đô hộ được hầu hết nước ta. Kẻ thù đã phải tập trung rất nhiều tinh binh và sử dụng vô số những mưu ma chước quỷ nhằm dập tắt ngọn lửa yêu nước của nghĩa quân.
Đồn Hố Chuối, xã Phồn Xương (Yên Thế) là do Hoàng Hoa Thám thống lĩnh. Tại đây, vào cuối năm 1890 đầu năm 1891, nghĩa quân Yên Thế dưới sự chỉ huy của Hoàng Hoa Thám với lực lượng chỉ khoảng 150 người, đã liên tiếp đánh bại bốn cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp do các tướng Gôđanh, Tannơ, Mayơ rồi Phơrây chỉ huy cùng với 2.212 binh lính trang bị vũ khí hiện đại (gồm cả bộ binh, công binh và pháo binh, khiến cho kẻ thù khiếp đảm và phải thú nhận: "Cái đồn lũy này quả xứng đáng với cái tên Đồn của thần chết mà nhân dân địa phương đã đặt cho nó. Cuộc kháng cự đã diễn ra rất kịch liệt và người ta không thể hiểu nổi tại sao một nhóm người trong một địa bàn nhỏ hẹp lại có thể đương đầu với đại bác đặt cách không đầy 300 thước trong một thời gian khá lâu như vậy”.

Những tướng lĩnh của quân đội Pháp khi ấy cũng đã nhận xét:"Đề Thám rất can đảm…ưa hành động, chiến đấu, sự hiểu biết của ông ta về người và sự vật rất lớn, có một cảm quan nhạy bén. Sự hiểu biết về địa hình và vận dụng địa hình trong phòng ngự và tấn công, bản năng chiến đấu của ông, thật là kỳ diệu…”; "Ông ta đã gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất. Ông ta đã đánh những trận thần kì ở Yên Thế. Biết bao chiến binh dũng cảm, da trắng và da vàng, đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây!", "Ông ta có những tài năng lớn của một chiến binh. Sẽ là hèn hạ nếu không công nhận điều đó", "để có thể sống và làm chủ trong vùng rừng núi này…phải có tài năng, thậm chí phải có thiên tài; phải có một sức mạnh tinh thần và thể chất đặc biệt. Ơn trời phải hàng thế kỷ mới có một người như thế…”.
Nhận thấy phong trào Yên Thế đang ở vào tình trạng khó khăn, Đề Thám đã chủ động tạo nên tình thế để giảng hòa, buộc người Pháp phải ngừng bao vây, đồng ý cắt nhượng cho nghĩa quân bốn tổng thuộc Yên Thế. Hoàng Hoa Thám đã tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng mở những cuộc tấn công trên quy mô lớn vào Yên Thế. Trong thế giằng co và đuổi bắt lẫn nhau, đến cuối năm 1897 cuộc hòa hoãn lần thứ 2 được thực hiện.
Trong thời gian hoà hoãn, Hoàng Hoa Thám xúc tiến việc xây dựng Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến, đồng thời bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên... đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng.
Trong 10 năm hoà hoãn (từ tháng 12 năm 1897 đến ngày 29 tháng 1 năm 1909), Hoàng Hoa Thám đã quan tâm mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Trong đó có việc táo bạo chỉ đạo cuộc đầu độc của nhóm lính tập ở Hà Nội vào ngày 27 tháng 6 năm 1908 hay còn gọi là vụ "Hà thành đầu độc". Sự kiện này đã làm chấn động trong và ngoài nước. Đây là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở Hà Nội. Mục đích của họ là nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội, thêm sự tiếp ứng và chỉ đạo từ bên ngoài của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, cùng với sự tham gia của Phan Bội Châu trong việc vạch kế hoạch để tạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp. Tiếc thay kế hoạch bị bại lộ, trên 10 người của ta đã bị bắt và xử tử.
       
Ngày 29 tháng 1 năm 1909, Thống sứ Bắc Kỳ đã huy động 15.000 quân chính quy và lính khố xanh, 400 lính dõng là một lực lượng lớn nhất từ trước tới lúc đó do đại tá Batay và đại thần Lê Hoan chỉ huy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo, nhưng con ông là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Hoàng Thị Thế bị bắt. Lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới cuối 1909 bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc.
Từ năm 1909, Hoàng Hoa Thám đã phải vất vả mai danh ẩn tích để tránh khỏi sự truy sát của kẻ thù. Tuy nhiên, vòng vây của giặc ngày một thít chặt. Cho tới nay vẫn chưa có những kết luận thống nhất về những ngày cuối cùng của "Hùm thiêng Yên Thế” vì tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau về cái chết của người anh hùng.
Nhóm PV Báo Bắc Giang điện tử


Nguồn baobacgiang.com.vn                                                                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét