Trang Chủ

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Đồn Phồn Xương - Đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế


(BGĐT)- Là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, đồn Phồn Xương đã được Đề Thám và bộ chỉ huy có thời gian cư trú lâu nhất để chỉ đạo đường lối, chiến lược, chiến thuật. Đây được coi là đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế năm xưa.
Di tích đồn Phồn Xương - nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Đồn Phồn Xương nằm trong cụm di tích căn cứ Phồn Xương nay thuộc thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng năm 1892 để trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Đây chính là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu phát triển phong trào ra các địa phương lnâ cận. Tại đây, nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công trên quy mô lớn của thực dân Pháp.
 
Trước đồn là một hồ nước để bảo vệ mặt tiền, tạo sự thoáng mát. Ngày nay, phía sau đồn còn di tích doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân. Đồn có bình đồ kiến trúc gần giống hình chữ nhật nằm chạy dọc theo hướng Bắc Nam. Di tích đồn Phồn Xương còn có tên gọi đồn Gồ, đồn Cụ nằm ở phía Nam của quả đồi cao gần 20m.
Dãy tường thành nội nằm trên đỉnh ngọn đồi gần giống hình chữ nhật. Tường thành nội mặt Đông dài 71m, mặt Bắc dài 85m. Tường đắp bằng đất nện, chân dày 2m, cao 3m và trên mặt còn rộng 1m. Bên trong tường thành có ba cấp khác nhau có thể đứng hoặc quỳ đều bắn được. Xung quanh tường đều chọc lỗ châu mai. Mặt tường phía ngoài đắp dốc thoai thoải như mái nhà.
 
Đồn được bố trí ngoài cùng là các bốt gác, tiếp theo là các đồn phụ, hệ thống giao thông hào rồi lại đến vòng thành bao bọc. Khoảng cách giữa hai vòng thành chỗ rộng nhất là 20m, hẹp nhất là 10m.

Những bức tường đất bao quanh đồn giờ đã vỡ lở, đỏ ối vì màu thời gian. Nhưng đã hơn một thế kỷ qua, những lỗ châu mai nhỏ xíu, được khoét thủ công dường như vẫn còn nguyên vẹn. Những bức tường bằng đất và đá ong giờ đã lấm tấm phủ rêu xanh bên cạnh những hàng cây bạch đàn cao vút, tỏa bóng râm xanh mát…
 
Kiến trúc đồn Phồn Xương là một kiểu kiến trúc đặc biệt. Nó không những đáp ứng được yêu cầu là một đồn luỹ thành trì mà nó còn giải quyết linh hoạt việc cơ động chiến đấu và đáp ứng được cả yêu cầu là một sở chỉ huy, nơi giao dịch nghĩa quân.
 
Những lỗ châu mai được khoét thủ công trên bờ thành.
 
Đồn Phồn Xương minh chứng hào hùng về lịch sử dân tộc, nơi gắn liền với cuộc chiến đấu oai hùng của nghĩa quân Yên Thế và người anh hùng áo nâu Hoàng Hoa Thám. Trải qua mưa nắng thời gian và sự hủy hoại của thiên nhiên, đã làm mất đi gần hết dấu vết cũ. Đồn Phồn Xương đến nay chỉ còn lại dấu vết thành xây bằng đất trình.

Với những giá trị về mặt lịch sử, đồn Phồn Xương đã được Nhà nước công nhận là điểm Di tích Quốc gia đặc biệt nằm trong hệ thống Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế.
Vân Anh – Văn Vĩnh


Nguồn báo Bắc Giang điện tử                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét