Ngày 21/8, công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản đã thông báo tìm thấy mỏ dầu khí mới ngoài khơi Việt Nam.
Theo bản tin của Reuters, công ty này cho biết việc phát hiện đã được xác nhận dựa trên những vụ khoan thử nghiệm thực hiện hồi tháng 5 và tháng 8, ngoài các cuộc phát hiện ra dầu khí tại các giếng khác đã được khoan trong hai lô vừa kể.
Hãng tin AP cũng đã trích dẫn một thông báo của công ty Idemitsu cho biết các cuộc xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định trữ lượng của mỏ dầu khí mới này.
Công ty Idemitsu và công ty khai thác Dầu Khí JX Nippon của Nhật sở hữu 35% cổ phần mỗi công ty tại các lô này, trong khi một công ty khác là Inpex Corp nắm giữ 30%.
Giàn khoan dầu khí của Việt Nam
|
Tập đoàn công ty X Nippon Oil & Energy đang tìm cách xây dựng các nhà máy lọc dầu và các trạm xăng tại Indonesia và Việt Nam, giữa lúc mức tiêu thụ nhiên liệu sút giảm trong nội địa. Đây được coi là dự án đầu tư chủ yếu đầu tiên trong lĩnh vực khai thác dầu bên ngoài Nhật Bản.
Mức tiêu thụ dầu của Nhật Bản đã giảm 1/5 trong thập niên qua, và được dự báo sẽ sụt giảm thêm 8% trong 5 năm tới, dựa trên một phúc trình do một ủy ban về năng lượng của chính phủ Nhật Bản đưa ra hồi tháng Ba năm nay.
Trong khi đó tại Indonesia và Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tăng từ 1% tới 2% một năm, hai nước này với dân số lần lượt lên tới 240 triệu và 90 triệu, đang tìm cách gia tăng khả năng lọc dầu để giảm thiểu xăng dầu nhập cảng rất tốn kém. Một công ty lọc dầu Nhật Bản khác hiện đang giúp xây nhà máy lọc dầu thứ nhì của Việt Nam.
Nền kinh tế của Indonesia và Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức trên 5% trong năm nay.
Trong một diễn biến khác, ngày 22/8, công ty Gazprom Neft (Nga) vừa đề xuất mở rộng, nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm với số vốn đầu tư tối đa 3 tỷ USD.
Đề xuất này được đưa ra khi khi đoàn công tác của Gazprom Neft do Tổng giám đốc A.B.Dyukov dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) về việc hợp tác đầu tư dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất hồi giữa tháng 6/2014.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), ông Nguyễn Hoài Giang, hiện Gazprom Neft đã có kế hoạch mua 49% cổ phần và đề xuất phương án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư khoảng 1,5 - 3 tỷ USD.
Theo ông Giang, việc nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất chế biến từ 6,5 triệu tấn lên khoảng 10 triệu tấn/năm sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nhiên liệu xăng, dầu cả nước.
Thuộc tập đoàn Gazprom, hiện Gazprom Neft là một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga. Gazprom đang sở hữu trên 70 giấy phép khai thác dầu ở Nga với sản lượng đạt trên 60 triệu tấn/năm và có 5 nhà máy lọc dầu với công suất 40 triệu tấn/năm.
Trước đó, ngày 10/6, trong buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga Yury P. Sentyurin, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ cũng khẳng định: "Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng với mục tiêu không chỉ phục vụ cho ngành năng lượng trong nước mà còn với thềm lục địa giàu tiềm năng và lợi thế có nhiều cảng nước sâu.Việt Nam phấn đấu trở thành một trung tâm lọc hóa dầu trong khu vực".
Đồng tình với hướng đi của VN, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga cũng bày tỏ quan điểm: "Liên bang Nga sẵn sàng chia sẻ để phát triển ngành dầu khí của Việt Nam. Chính phủ Nga nói chung và Bộ Năng lượng Nga sẽ dành sự ưu tiên ủng hộ lớn cho các dự án và hợp tác năng lượng với Việt Nam”.
Trong một diễn biến có liên quan, nhà thầu JGC (Nhật Bản) cũng đang tiếp tục xem xét, dự kiến đến đầu tháng 9 tới sẽ công bố phương án cuối cùng về việc nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thái Linh (Tổng hợp)
Theo baodatviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét