Trang Chủ

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Bản án tử hình Hồ Duy Hải có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Chỉ còn hai tuần nữa TAND tối cao và Viện KSND tối cao kết luận tòa án hai cấp tuyên án tử hình bị cáo Hồ Duy Hải có oan hay không.


Đến nay tử tù Hồ Duy Hải ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) được tạm hoãn thi hành án hai tuần. Chỉ còn hai tuần nữa TAND tối cao và Viện KSND tối cao sẽ đưa ra kết luận tòa án hai cấp tuyên án tử hình bị cáo này có oan hay không.
Với trách nhiệm là một tổ chức hành nghề luật quan tâm đến vấn đề này, luật sư Trịnh Minh Tân (văn phòng luật sư Trịnh Minh Tân - Đoàn luật sư TP.HCM) vừa có văn bản gửi chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao về các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong bản án phúc thẩm xét xử Hồ Duy Hải tội giết người, cướp tài sản tại bưu cục Cầu Voi.

“Lý do tôi gửi văn bản TAND tối cao và Viện KSND tối cao là vì Bộ luật tố tụng hình sự có quy định việc phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Cụ thể, điều 274 nêu rõ người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại điều 275 của bộ luật này” - ông Tân nói.
Luật sư Tân cho biết ông đã nghiên cứu rất kỹ cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An ngày 1-10-2008, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An ngày 28-11 và 2-12-2008, bản án phúc thẩm của TAND tối cao ngày 28-4-2009 và các kiến nghị của luật sư trợ giúp pháp lý cho Hồ Duy Hải, cũng như tham khảo ý kiến của chuyên gia. Từ đó ông đã phát hiện có một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong bản án phúc thẩm.
Thứ nhất, kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, chỉ căn cứ vào duy nhất lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra. Những lời khai đó bị án đã phủ nhận tại phiên tòa phúc thẩm. Vật chứng được coi là chứng cứ để buộc tội bị án Hồ Duy Hải không xác thực.
Thứ hai, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó, cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, đó là việc đưa các dân phòng tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
Luật sư Trịnh Minh Tân cho rằng con dao là hung khí dùng cắt cổ nạn nhân không thu giữ được mà thực tế chỉ là mô tả qua các lời khai của đội viên dân phòng. Do đó không thể coi là vật chứng được. Ngay cả thớt tròn cũng không được thu giữ, không có mô tả kích thước thì trong trường hợp này cũng không thể coi là vật chứng của vụ án được. Tuy nhiên, chi tiết bị coi là vi phạm nghiêm trọng nhất trong bản án phúc thẩm chính là việc xác định các đội viên dân phòng được thuê dọn dẹp hiện trường là nhân chứng trong vụ án.
Ông Tân nói: “Khoản 1, điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự quy định người nào biết được các tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Các đội viên dân phòng tìm thấy con dao sau khi đã khám nghiệm hiện trường (dao không có vết máu, cũng không được thu giữ) không thể coi là những người đã biết được những tình tiết liên quan đến vụ án nên không thể là nhân chứng trong vụ này được”.
Từ những phát hiện trên, luật sư Trịnh Minh Tân đã đề nghị TAND tối cao và Viện KSND tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.
Viện KSND tối cao đang xem xét
Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Viện KSND tối cao cho biết hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải đã được viện này giao cho bộ phận chức năng xem xét lại, tại thời điểm này Viện KSND tối cao chưa thể có ý kiến gì về vụ án.
Theo nguồn tin, do vụ việc diễn ra đã lâu và Viện KSND tối cao đã có quyết định không kháng nghị và Chủ tịch nước cũng bác đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải nhưng nay Chủ tịch nước yêu cầu xem xét lại thì Viện KSND tối cao cần phải xem xét rất kỹ toàn bộ hồ sơ, bút lục và chứng cứ để có quyết định cuối cùng.
Được biết, TAND tối cao cũng đã giao bộ phận chuyên môn rút hồ sơ để xem xét lại toàn bộ vụ án.
H.ĐIỆP
THEO TUOITRE.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét