Kỳ 1:
Thực hư chuyện “thần y” giúp hàng trăm người thoát khỏi nghiện ma túy
Ông Hiệp trong lễ trao cúp vàng.
Trao đổi với người dân địa phương, hầu hết mọi người đều khá bất ngờ trước thông tin ông Nguyễn Hữu Hiệp có thể chữa được bách bệnh, nhất là cai nghiện ma túy. Ngay cả ông Nguyễn Hải Lý - trưởng thôn Văn Giáp - cũng khẳng định: “Thôn có trên 10 người nghiện, đều được đi cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện của thành phố với thời gian từ 2 - 3 năm. Ở đây không có người nghiện nào tìm đến cơ sở của ông Hiệp để cai nghiện cả”.
Ai đã thổi thành “thần y”?
Từ một người tự học lang y để chữa chó mèo, rồi chuyển sang chữa bệnh thông thường cho người nhà, chỉ sau một thời gian, tiếng đồn vang ra rằng “thầy” có thể chữa được những căn bệnh mà y học hiện đại cũng bó tay như cai nghiện ma túy, chữa được cả HIV. Trong bức ảnh được “thần y” Nguyễn Hữu Hiệp treo trên tường, ông tham gia chương trình tôn vinh gia tộc lương y, lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng năm 2014. Nhìn gương mặt rạng rỡ của ông Hiệp lúc nhận cúp vàng với tràng hoa quấn cổ đủ thấy ông đã được truyền thông thổi thành “thần y” như thế nào?
Chương trình này đã được Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, Báo điện tử, Tổng Hội y học Việt Nam, phối hợp cùng Công ty cổ phần truyền thông Enter Việt Nam, Công ty tư vấn xây dựng thương hiệu Việt tổ chức vào ngày 28.6.2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp. Theo như chương trình tôn vinh gia tộc lương y, một điều khoản bắt buộc đối với mỗi lương y là phải có bản sao công chứng giấy phép hành nghề, bằng cấp, chứng chỉ của người đứng tên đăng ký tham gia chương trình và một số điều khoản khác. Nếu đầy đủ thủ tục, lương y sẽ nhận được nhận Giấy chứng nhận, được bảo trợ thông tin trên trang điện tử, được sử dụng Giấy chứng nhận trong việc quảng bá thương hiệu.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thực tế, ông Nguyễn Hữu Hiệp (ở xã Văn Bình, Thường Tín) chưa được cơ quan chức năng nào công nhận và cấp bất kỳ giấy phép, chứng chỉ hành nghề nào từ trước đến nay. Như vậy có thể khẳng định, chương trình tôn vinh này đã thổi ông Nguyễn Hữu Hiệp từ một lang băm trở thành “thần y”. Từ đó, ông Hiệp đã lợi dụng điều này để quảng bá hình ảnh, tên tuổi của mình trên các phương tiện truyền thông nhằm mục đích trục lợi.
Khi lên mạng tìm thông tin về lang y Nguyễn Hữu Hiệp, chỉ trong vài giây đã cho kết quả hàng chục bài viết về vị “lang y” này, đại loại lương y Nguyễn Hữu Hiệp chữa bệnh nghiện trong vòng 20 ngày, khắc tinh của ma túy, ông lang và phương pháp chữa bệnh nghiện, thêm một lương y trong làng lương y đất Việt…
Trong thời gian tìm hiểu về “thần y” Nguyễn Hữu Hiệp, chúng tôi đã được thầy lang Bùi Văn Tô (55 tuổi, ở xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) - người có bài thuốc gia truyền lâu đời - cung cấp về việc “tiếp thị” giải thưởng. Theo ông Tô, có một nhóm người khi đi ôtô, khi đi xe máy giới thiệu mình là cán bộ của một tạp chí ở Hà Nội và giới thiệu các gói làm giải thưởng như dự lễ tôn vinh, giao lưu trên truyền hình với giá là 30 triệu đồng, còn nhận cúp là 50 triệu đồng và được bảo trợ thông tin trên trang điện tử.
Tuy nhiên, khi ông Tô nói không làm, nhóm người này còn đe dọa sẽ yêu cầu thanh tra nọ kia vào cuộc, sẽ không cho ông hoạt động nghề. “Tôi đã nói với họ là tôi chỉ giúp mọi người ở địa phương qua bài thuốc gia truyền chứ không cần tôn vinh hay nhận cúp cờ gì cả. Mà chúng tôi ở miền núi thì lấy đâu số tiền lớn như vậy, thế nhưng họ vẫn không buông tha, hết gọi điện lại xuống trực tiếp, nhiều khi tôi phải nói đi vắng”, ông Tô nói.
Từ thông tin ông Tô cung cấp đã hé lộ việc được giấy chứng nhận kiểu Gia tộc lương y, Lương y tiêu biểu hoặc cúp vàng, bảng vàng gì đó… là quá dễ dàng. Thậm chí, cứ bỏ tiền mua thì “lăng băm” cũng được thổi thành “thần y” và tất nhiên, người bị thiệt hại ở đây chính là những gia đình có người thân nghiện ma túy.
Móc túi gia đình người nghiện
Sau khi giới thiệu một loạt thành tích của mình như “chữa cho trên 400 người khỏi nghiện, chữa bệnh HIV và chữa đa khoa… Có nhiều giải thưởng, phần thưởng, nhưng mỗi tội thầy không được cơ quan chức năng cấp phép và công nhận”, ông Hiệp còn thêm vào đó, nội dung của bảng quy ước với những từ ngữ ngây ngô, hài hước và đặc biệt là sự thờ ơ trước sức khỏe và tính mạng của người bệnh: “Đối tượng bệnh nhân có thể là Tổng thống, Quốc vương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, tỉ phú đôla, dân thường, xã hội đen, xã hội đỏ đến cơ sở đây được đối xử công bằng như nhau. Không xử nhau bằng pháp luật quốc gia, quốc tế, không xử nhau bằng xã hội đỏ, xã hội đen...”.
Phương pháp chữa bệnh tại cơ sở cũng có những sai phạm nghiêm trọng trong việc khám chữa bệnh và cấp phát thuốc theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể là tại mục 2 của bảng quy ước: “Thuốc tây y kết hợp làm tăng hiệp quả chữa bệnh”, trong khi ông Hiệp không hề được đào tạo và có kiến thức và giấy phép về cấp phát thuốc cho người bệnh.
Nực cười hơn cả khi mục 3 quy định: “Cơ sở mong muốn cứu chữa bệnh nhân được khỏi bệnh, tốt đẹp nhưng vì ngoại cảnh dịch bệnh, thực phẩm, thời tiết, kháng thể bệnh nhân quá yếu, cơ sở không kiểm soát được mà kết quả không được như mong muốn thậm chí chết người (chữa bệnh không chữa được mệnh). Mệnh hết thì bệnh viện quốc gia, quốc tế cũng bó tay (môi trường có quá nhiều bệnh đột tử). Không bắt cơ sở bồi thường người chết (sự việc không mong muốn) không kiện cáo pháp luật làm khó cơ sở. Gia đình, cơ sở cùng giải quyết hậu quả hợp tình, êm đẹp nhất cho nạn nhân…”
Sau khi nhóm phóng viên thâm nhập vào “cơ sở cai nghiện chui của thầy Hiệp”, chúng tôi đã gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm hiểu, vì sao một cơ sở chữa bệnh chui tồn tại nhiều năm mà vẫn không được xử lý, giải quyết. Tại trụ sở UBND xã Văn Bình, các cán bộ ở đây cho biết: “Quy định xử phạt hành chính từ 5 triệu - 30 triệu đồng là do cấp trên. Việc này ngoài thẩm quyền xã, xã chỉ có trách nhiệm phối hợp”. Ông Nguyễn Chí Thịnh - Phó trưởng công an xã - cho biết: “Công an huyện Thường Tín đang vào cuộc, nếu các anh cần cung cấp gì thì đến công an huyện”. Ông Thịnh cũng khẳng định, “cơ sở cai nghiện của ông Hiệp hoạt động lén lút, không được cấp phép, chúng tôi cũng không nắm rõ từ khi nào. Cũng từng xảy ra trường hợp làm mất an ninh trật tự …”. Khi đến Công an huyện Thường Tín, sau một thời gian chờ đợi, trực ban cho biết: “Các sếp đều bận họp, không có người tiếp”. Chúng tôi đến Phòng y tế huyện Thường Tín để tìm hiểu, tình trạng cũng như vậy, các cán bộ đều báo “bận họp”.
Khi chúng tôi liên hệ với Tổng hội y học Việt Nam - đơn vị cấp giấy chứng nhận cùng với việc trao cúp thương hiệu cho ông Hiệp, Phó chủ tịch thường trực TS.Trần Hữu Thăng đã trả lời: “Không có chương trình đó, tôi là phó hội thường trực, nó giả mạo đấy, cái này phải nhờ công an. Chúng tôi chả có liên quan gì cả. Anh nên nhớ nó có nhiều cái giả mạo lắm. Thế thôi nhé, tôi phải đi họp bây giờ… Văn bản nào, chúng tôi không cần phải xem, anh cứ báo ngay công an”.
Đến nay, trên thực tế, vẫn có nhiều người ngộ nhận lang băm Nguyễn Hữu Hiệp là một “thần y” cai nghiện ma túy. Để các gia đình có người thân bị nghiện không bị móc túi, các cơ quan chức năng huyện Thường Tín và TP.Hà Nội cần vào cuộc mạnh mẽ, dẹp bỏ cơ sở này và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kể cả những đơn vị đã thổi ông Hiệp từ lang băm trở thành “thần y”.
Theo laodong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét