Kiêng chúc Tết người đang nằm ngủ
Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mùng một, thấy vẫn có người nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa. Đã đến nhà người ta thì phải xởi lởi mà chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó. Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm li bì trên giường bệnh.
Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.
Kiêng quét nhà
Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.
Theo một điển tích của Trung Quốc, trong “Sưu thần ký”, có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh. Khi ông đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần thương ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày thương gia này đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm là giàu to.
Một hôm Như Nguyệt phạm lỗi, Âu Minh không kiềm được cơn giận đã ra tay đánh cậu bé. qNhư Nguyệt hoảng sợ chui vào đống rác và biến mất, từ đó nhà Âu Minh làm ăn sa sút, buôn bán không được nên nghèo kiết xác. Dân làng cho đó là một vị thần mang lại sự giàu có mà nhà Âu không biết quý trọng. Kể từ đó mọi người kiêng không dám quét nhà đổ rác trong mấy ngày Tết.
Vì có tục kiêng quét nhà đổ rác 3 ngày Tết, sợ rằng sẽ quét hết tiền bạc, vận đỏ ra khỏi nhà, nên ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi. Ở Nam Bộ, sau khi quét dọn người ta thường cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ở nông thôn, ngày Tết nhà nào cũng rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.
Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen
Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân phải rực rỡ sắc màu thể hiện sức sống vạn vật và con đàn cháu đống nên đầu năm thì phải mặc trang phục màu sắc sặc sỡ( hồng, đỏ, vàng, xanh...), tạo nên sự hứng khởi tươi vui. Chính vì vậy các màu tẻ nhạt u trầm thường kiêng, đặc biệt hai màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, bị kiêng triệt để.
Kiêng khóc lóc, buồn tủi, bực tức
Điều này thật dễ hiểu, vì đây là những hành động không hay mà bất cứ ai cũng không muốn làm vào dịp Tết. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui, chúng ta nên cố gắng kìm chế để hưởng thụ một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè, gia đình.
Và đặc biệt trong ngày Tết nếu ai khóc, buồn bã và bực tức thì cả năm sẽ phải khóc, có nhiều chuyện buồn, lo lắng, suy nghĩ. Vì thế người ta kiêng kỵ điều này để tránh gặp phải xui xẻo cả năm.
Kỵ mai táng
Tết Nguyên đán được gọi là “Tết Cả”, là ngày vui nhất của một năm, có ý nghĩa thiêng liêng mở đầu cho một vận hội mới của đất trời, của con người và dân tộc. Vì thế dù gia đình có tang cũng phải tạm gác chuyện buồn để hòa chung với niềm vui của cả dân tộc.
Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết, là nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, còn ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh đó.
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp ngày đó. Đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Còn nếu qua đời đúng mùng 1 Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng 2 làm lễ phát tang
Kiêng đánh thức người khác trong ngày mùng 1 Tết
Gặp trường hợp đi chúc Tết nhà người ta, muốn dành lời chúc cho người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt nhất là vị khách nên chờ dịp khác chứ không được đánh thức anh ta dậy. Không chỉ khách, ngay cả người nhà cũng không nên đánh thức ai trong ngày này, mà phải để người ta tự dậy. Nếu không, người nằm ngủ đó sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.
Kiêng về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết
Theo tục lệ xưa, con gái và con rể chỉ được về nhà ngoại chúc Tết vào mùng 2 hoặc mùng 3, kiêng các ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 5. Nguyên nhân là ngày mùng 1 – ngày quan trọng nhất, họ có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội. Ngoài ra còn có quan niệm rằng phải về nhà vợ vào những ngày kể trên thì mới đem lại vận may cho gia đình bên ngoại.
Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2
Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.
Kiêng mở tủ vào mùng 1
Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.
Kỵ vay mượn, trả nợ ngày đầu năm
Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Và đây là vấn đề khá tế nhị mà người Việt luôn quan tâm, chú ý để tránh mất lòng nhau.
Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác.
Trong gia đình, ông bà, cha mẹ thường răn dạy con cháu trong dịp tết không nên vay tiền hay mượn đồ đạc của người khác, để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không may mắn trong công việc, làm ăn.
Kiêng cho nước, lửa