Đi chữa bệnh miễn phí, suýt ngã suối
Nói về cái tên "lương y từ thiện" mà mọi người gọi mình, anh Dũng chia sẻ: “Người ta gọi vui vậy, chắc vì hay đi theo vợ làm từ thiện. Vợ tôi làm ở phòng Thương binh xã hội của thị trấn, tiếp xúc với các gia đình có hoàn cảnh, về thủ thỉ với tôi hàng ngày, nên mỗi dịp lễ Tết, gia đình tôi thường tặng bánh chưng hoặc suất quà từ 300- 500 ngàn đồng cho các hộ nghèo. Ai có bệnh đến nhà chữa được thì chữa, có tiền trả tiền, không có tiền thì tôi chữa từ thiện, giảm giá thuốc, cho thuốc”.
Những người dân vẫn nhớ câu chuyện về bà Hồi ở xóm Hố Chuối, xã Phồn Xương, Yên Thế, nhà rất nghèo, bị tai biến không nói được đã gần một năm. Tình cờ biết chuyện, anh đạp xe qua nhà chữa bệnh cho bà cả tháng trời không lấy đồng nào. Đường đến nhà bà phải qua chiếc cầu tre bắc qua suối, nhỏ đến mức có lần “thầy lang từ thiện” suýt ngã xuống suối.
Khi nhắc đến chuyện này, lương y Thế Dũng chợt à một tiếng, rồi cười nói: “Tôi còn nhớ lúc ấn vào huyệt á môn và hỏi có đau không. Bà trả lời “đau”, và mừng quá tự nói: “Thế là tôi đã nói được”. Tôi vừa phải châm cứu, vừa cắt thuốc cho bà uống mới khỏi bệnh".
Đến nay, anh đã chữa, cho thuốc hàng trăm người nghèo, cũng như cùng bạn bè hỗ trợ tiền cho hàng nghìn gia đình ở Yên Thế và miền Trung. Nhờ tấm lòng “lương y như từ mẫu”, anh đã lấy được người vợ duyên dáng, nết na Mai Thị Nhàn. Bà con ở thị trấn Cầu Gồ còn nói đùa rằng, bà Nguyễn Thị An, mẹ vợ anh, chữa bệnh không có tiền nên “gán” con gái. Thực ra, bà bị tai biến, liệt không đi lại được. Cô con gái nghe đồn có lương y giỏi, nên đến nhờ thầy chữa bệnh cho mẹ. Cảm phục sự nhiệt tình chữa trị, mẹ lại khỏi bệnh, nên con gái bà đem lòng yêu, rồi thành vợ thành chồng.
20 năm tìm thuốc quý
Lương y Trương Thế Dũng bộc bạch, anh vừa học xong trường Trung cấp y Bắc Giang, thì mẹ anh bị bệnh tim, gia đình đưa bà xuống chữa tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô nhưng không khỏi. Thế là anh đưa mẹ về nhà và tự đi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cứ nghe nơi nào có lương y chữa bệnh giỏi, anh lại đến cắt thuốc, rồi về phân tích từng thang thuốc. Anh đã lặn lội tới Bắc Cạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh hóa… Mỗi khi vất vả leo lên bản, lên núi để có được những bài thuốc hay, những cây thuốc quý, anh lại nghĩ đến người mẹ bị bệnh tim ở nhà, bao vất vả, gian nan đều tan biến. Anh cũng theo người bán cây thuốc lên tận núi để tìm hiểu, kết hợp biện chứng luận trị của Đông y và thực tế, anh đã học được nhiều bài thuốc hay để chữa bệnh cho mẹ và người dân.
Chưa hết tuần trà, ông bạn Vũ Hồng Kiên, một doanh nhân Bắc Ninh nhưng lại say mê trồng cây thuốc, cùng lương y Nguyễn Văn Bình ở Hà Nội đã kéo anh ra vườn để trao đổi với nhau về những cây thuốc Nam quý.