Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

CUỘC ĐỜI ANH HÙNG DÂN TỘC HOÀNG HOA THÁM - Tập 2 : Hoàng Hoa Thám- Côi cút, lưu lạc từ thuở lên 6


                                            Hoàng Hoa Thám- Côi cút, lưu lạc từ thuở lên 6






Đọc nội dung
  
Làng Trũng, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên là nơi Hoàng Hoa Thám đã sống thời niên thiếu của mình.
(BGĐT)- Đã không có nhiều tư liệu cụ thể xác thực về gia tộc của Hoàng Hoa Thám. Tiểu sử của ông đã được xây dựng chủ yếu nhờ những câu chuyện truyền miệng mang đậm màu dã sử mà thành. Theo đó, thủ lĩnh của khởi nghĩa Yên Thế tên thật là Trương Văn Thám, sinh ra vào khoảng năm 1836 với tuổi thơ côi cút, cực khổ. 
Quê gốc của ông ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, rồi di chuyển lên xứ Đoài (Sơn Tây), rồi lên huyện Yên Thế hạ (nay thuộc huyện Tên Yên) và sau cùng định cư ở Yên Thế (tỉnh Bắc Giang). Làng Trũng, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên là nơi Hoàng Hoa Thám đã sống thời niên thiếu của mình. Mẹ ông vì gia cảnh khó khăn phải nương tựa vào gia đình nhà họ Hoàng và vì thế, ông đã được đổi sang họ của cha nuôi. Khi Hoàng Hoa Thám lên sáu tuổi thì mẹ ông cũng mất.

Trong tác phẩm Chân Tướng quân, nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã kể về thời thơ ấu của "quan lớn” (chữ mà người dân địa phương quen dùng để nói về Đề Thám) như sau: "Hồi còn nhỏ, tính nết hết sức đặc biệt, người khỏe mạnh béo tốt, sức mạnh như hổ, khi chơi đùa đánh nhau với trẻ chăn trâu thì có thể đánh nổi vài chục đứa. Hễ gây chuyện đánh nhau thì bọn trẻ phải chịu thua, không dám chống lại, vì chúng rất sợ. Nhưng quan lớn ngài rất ôn hòa, được anh em yêu mến, anh em trẻ chăn trâu cần gì, ngài cũng cung ứng cho. Anh em trẻ chăn trâu thấy vậy càng cảm phục, đi đứng chơi bời họ đều theo sự chỉ huy của quan lớn. Trong đám người tầm thường bỗng nhiên có một cảnh tượng của ông vua mục đồng thì cũng là việc rất là kỳ lạ…”.

Các giai thoại đương thời cũng truyền lại rằng, cả cha mẹ đẻ lẫn cha nuôi của Hoàng Hoa Thám đều là những người trọng nghĩa khí và rất nồng nàn tinh thần yêu nước. Bởi vậy nên không có gì lạ khi mới 15-16 tuổi, Hoàng Hoa Thám đã "vứt bỏ roi trâu cởi áo tơi” gia nhập phong trào chống Pháp làm người lính chân đất. Người anh hùng nông dân đã rất mau lẹ chứng minh được những tài năng vượt trội của mình: "Khi gặp địch thì xông lên chém được nhiều giặc. Chưa đầy nửa năm đã được thăng lên chức Đầu mục. Một năm sau được thăng lên chức Bang tá, có thể tự chỉ huy một cánh quân; gặp giặc giao chiến một mình có thể đảm đương được một mặt phòng ngự…”.
          
Trong bối cảnh thế giặc lúc đó mạnh như chẻ tre, còn bên ta thì các phong trào khởi nghĩa đều nhỏ lẻ và yếu ớt  nên rất dễ bị đàn áp. Vì thế, Hoàng Hoa Thám đã phải liên tục nay đây mai đó tìm nơi dụng võ. Khi quân Pháp chiếm thành Bắc Ninh tháng 3/1884, Hoàng Hoa Thám tiếp tục chiến đấu trong đội quân của Trần Xuân Soạn, lãnh binh Bắc Ninh. Hiện nay, tại làng Thọ Hạc, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa vẫn còn ngôi miếu thờ Trần Xuân Soạn.
          
Một năm sau đó, ông lại tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh, tức Hoàng Đình Kinh ở Lạng Giang. Khi Cai Kinh chết, Hoàng Hoa Thám lại tới nhập dưới cờ của nghĩa quân do Đề Nắm (Lương Văn Nắm) chỉ huy. Và chính trong lực lượng này, ông đã trở thành một vị tướng xuất sắc, rất được ba quân khâm phục. 
            
Cuối mùa xuân năm 1892, khi Đề Nắm bị Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám đã được suy tôn làm thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế để tiếp tục duy trì và phát triển cuộc khởi nghĩa do Đề Nắm phát động. Theo đó, Đề Thám cùng 400 binh sỹ đã làm lễ tế cờ tại Đình Đông, thị trấn Bích Động, huyện Việt yên để quy tụ lực lượng không chỉ từ dư binh của Đề Nắm để lại mà còn cả những toán quân khởi nghĩa khác trong vùng. Và cũng từ đây, quy mô, tính chất của cuộc khởi nghĩa Yên Thế được đẩy lên một bước tiến mới mạnh mẽ hơn.
Nhóm PV Báo Bắc Giang điện tử



                       Nguồn Báo Bắc Giang điện tử ( baobacgiang.com.vn)



Không có nhận xét nào: