Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Cưỡng chế khách sạn lớn nhất Đồng Nai

Hàng trăm người thực thi công vụ đã có mặt tại khách sạn Wooshu Plaza - một khách sạn lớn nhất Đồng Nai để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.


Ngày 23/5, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã cưỡng chế thi hành án, buộc Công ty TNHH Vĩnh Tường phải giao tài sản là khách sạn Wooshu Plaza (đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa) cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai theo bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM.
Theo bản án, năm 2011, Công ty Vĩnh Tường vay ngân hàng 188 tỷ đồng, thế chấp khối tài sản (gồm hai thửa đất rộng gần 4.000 m2 và tài sản gắn liền trên đất là một nhà hàng - khách sạn Wooshu Plaza 16 tầng). Thông qua mối quen biết, công ty này nhờ bà Nguyễn Thị Bích Hạnh hỗ trợ, tìm nguồn tài chính giải quyết khó khăn.
Sau khi được bầu làm Phó giám đốc Công ty Vĩnh Tường, bà Hạnh thuyết phục Công ty Orient Industry Investment LTD (Anh Quốc) cho công ty Vĩnh Tường vay 10 triệu USD (hơn 209 tỷ đồng) trong thời hạn 9 tháng, lãi suất 1%/tháng.
Khách sạn Wooshu 16 tầng bị Cục thi hành án Đồng Nai thực hiện cưỡng chế.
Khách sạn Wooshu 16 tầng bị Cục thi hành án Đồng Nai cưỡng chế.
Số tiền này đã được Vĩnh Tường sử dụng trả vốn, lãi vay ngân hàng, còn dư 280 triệu đồng chuyển vào tài khoản Công ty Vĩnh Tường. Trả nợ ngân hàng xong, bà Hạnh giữ toàn bộ giấy tờ đất và Hội đồng thành viên Công ty Vĩnh Tường còn ký ủy quyền cho bà Hạnh được quản lý, sử dụng, cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng đối với khối tài sản trên.
Tuy nhiên khi quá hạn vay, Công ty Vĩnh Tường không trả tiền gốc và lãi, nên tháng 7/2012, bà Hạnh căn cứ vào hợp đồng ủy quyền bán khối tài sản trên cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai với giá 228 tỷ đồng. Do Công ty Vĩnh Tường chưa thực hiện nghĩa vụ giao tài sản và nghĩa vụ liên quan, nên Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai đã khởi kiện, yêu cầu Công ty Vĩnh Tường giao đất và tài sản gắn liền đất.
Lúc này, Công ty Vĩnh Tường tuyên bố không vay số tiền 10 triệu USD của Công ty Orient và tố bà Hạnh lợi dụng việc ủy quyền để ký hợp đồng vay 10 triệu USD “khống” dù thực tế bà Hạnh đã vay tiền và trả hết khoản nợ gần 200 tỷ cho Ngân hàng Nam Á.
Với những chứng cứ về việc chuyển tiền, Vĩnh Tường cho rằng số tiền này là do Orient chuyển để thực hiện “Hợp đồng hợp tác kinh doanh trò trơi đánh bạc tại khách sạn Wooshu Plaza”.
Trong quá trình giải quyết vụ kiện, Công ty Orient đã khẳng định không ký hợp đồng hợp tác kinh doanh trò chơi đánh bạc với Công ty Vĩnh Tường. Hơn thế nữa, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng đã giám định chữ ký của đại diện Công ty Orient trong bản “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” mà Công ty Vĩnh Tường nộp cho tòa án và xác định, chữ ký trong hợp đồng không phải là chữ ký thật.
Xử sơ thẩm, tòa buộc Công ty Vĩnh Tường có nghĩa vụ giao toàn bộ khối tài sản cho Vĩnh Thiện và chịu các khoản thuế liên quan. Không chấp nhận, Công ty Vĩnh Tường kháng cáo.
Ngày 14/10/2013, tại phiên xử phúc thẩm, Công ty Vĩnh Tường thừa nhận có việc nhận 10 triệu USD và dùng tiền này thanh toán nợ ngân hàng nhưng cho rằng đây là khoản tiền Orient hợp tác kinh doanh trò chơi có thưởng. Tuy nhiên khi trả lời phần xét hỏi của tòa, Công ty Vĩnh Tường thừa nhận không có giấy phép kinh doanh trò chơi có thưởng, chưa được cơ quan nào cấp phép.
Vì vậy, TAND Tối cao tuyên bác kháng cáo của Công ty TNHH Vĩnh Tường, y án sơ thẩm buộc Vĩnh Tường có nghĩa vụ giao toàn bộ khối tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai và chịu các khoản thuế liên quan.
Sau khi bản án của Tòa phúc thẩm có hiệu lực, Cục Thi hành án Dân sự Đồng Nai đã quyết định thi hành bản án nhưng đương sự không tự giác chấp hành. Đến nay, sau khi hết thời gian tự nguyện chấp hành, nhưng không được, buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

                                                           Theo zing.vn

Không có nhận xét nào: