Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Hàng loạt doanh nghiệp 'chết' vì... cầm đồ

Không chỉ những nhà dân khốn khổ, mất nhà cửa vì cửa hiệu cầm đồ cho vay nặng lãi, hàng loạt doanh nghiệp tại Lâm Thao (Phú Thọ) cũng điêu đứng trước cảnh lãi mẹ đẻ lãi con.


Khi doanh nghiệp bị chủ cầm đồ siết nợ
Ở địa bàn trung du, có nhà máy công nghiệp vào loại lớn nhất cả nước (nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao); lại là “cửa ngõ” thông thương với các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái – những địa phương có thế mạnh về lâm sản…; nhiều lĩnh vực khác như cát sỏi, vật liệu xây dựng, phân bón…, nhiều người dân ở thị trấn Lâm Thao đã mạnh dạn tận dụng thế mạnh này để thành lập công ty sản xuất hoặc vận tải hàng thuê. Đó là lý do, trên địa bàn huyện Lâm Thao có tới hàng trăm doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ hoạt động từ nhiều năm nay.
Hàng loạt doanh nghiệp 'chết' vì... cầm đồ - Ảnh 1

Thửa đất của vợ chồng chị Hồ Thị Vân Thùy đang bị vợ chồng chủ hiệu cầm đồ chiếm giữ sổ đỏ trái phép.

Nhưng, cũng có một câu chuyện khác, là không ít các doanh nghiệp này, vì thiếu vốn làm ăn, cũng trở thành nạn nhân của vợ chồng chủ hiệu cầm đồ Hiền – Hợp. Vợ chồng anh Phạm Thế Anh (SN 1975) và chị Hồ Thị Vân Thùy (SN 1979); vợ chồng chị Việt – Đạt cùng hộ khẩu thường trú tại khu Tiến Mới, thị trấn Lâm Thao cũng đang là những nạn nhân của bĩ cực đi vay nặng lãi.
Vợ chồng anh Thế Anh trước đây là công nhân nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Sau đó, anh chị xin ra ngoài để mở kinh doanh vận tải. Từ cuối năm 2011, do nhu cầu mở rộng kinh doanh, được mách bảo, anh chị đã đến vay mượn của vợ chồng Hiền – Hợp tiền để làm ăn với lãi suất rất lớn 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Vẫn bằng hình thức viết giấy khế ước vay nợ không cần tài sản thế chấp; cách tính lãi theo ngày… nhân lên, anh chị đã phải trả riêng số tiền lãi đã lên đến hàng tỷ đồng.
Trước đó, để có tiền làm ăn, vợ chồng Thế Anh cũng đã mang sổ đỏ thửa đất 332,2m2 tại thị trấn Tiến Mới thế chấp Ngân hàng Quân đội Chi nhánh Lâm Thao để vay số tiền 700 triệu đồng. “Không biết lý do gì, chủ hiệu cầm đồ Hiền - Hợp lại biết việc này. Khoảng đầu tháng 6/2013, chị Hiền gọi điện cho tôi bảo: Vợ chồng tôi không có giấy phép Kinh doanh nên không vay được nhiều tiền, muốn vay được nhiều hơn, bà Hiền sẽ vay giúp. Nếu rút bìa đỏ từ Ngân hàng Quân đội ra, bà Hiền sẽ vay hộ chúng tôi bên Ngân hàng NN&PTNT được nhiều tiền hơn, để trả bớt nợ cho bà Hiền, giảm tiền lãi phải trả hàng tháng quá cao…”, chị Thùy kể.
Nghe lời Hiền, chị Thùy viết giấy bảo lãnh cho vợ chồng Hiền – Hợp vay 1 tỷ đồng ở Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Lâm Thao, thế chấp bằng bìa đỏ của vợ chồng chị Thùy.
“Khi vay được một tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT, bà Hiền cầm số tiền này, sau đó bà Hiền tính toán trừ khoản nợ 740 triệu mà bà đưa cho tôi để trả khoản vay của Ngân hàng Quôn đội trước đó. Số còn lại, bà Hiền mang các khế ước vay nợ ra tính lãi dồn, theo cách tính lãi theo ngày, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Số tiền lãi mà ngày 07/6 tôi đưa cho bà Hiền là 260 triệu đồng. Số nợ còn lại, chị Hiền lại tự động tính theo cách của chị, chúng tôi phải cõng món nợ mới là 1,7 tỷ đồng”, chị Thùy cho biết.
Trong thời gian từ giữa năm 2013 đến thời điểm hiện tại 2014, vợ chồng chị Thùy đã phải oằn lưng trả tiền lãi lến đến hơn 1 tỷ đồng; ngày 24/8/2013, chồng chị Thùy là Phạm Thế Anh đã phải mang 800 triệu tiền mặt để trả lãi cho tiệm cầm đồ Hiền – Hợp.
“Mãi sau này, tôi mới biết được, tất cả đã được bà Hiền lên kế hoạch từ trước, kết hợp với nhân viên Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT để đưa vợ chồng tôi vào bẫy, tìm cách chiếm đoạt mảnh đất của vợ chồng tôi đang ở”, anh Thế Anh cho hay.
Ngày 06/5/2014, vợ chồng chị Thùy bất ngờ nhận được thông báo của TAND huyện Lâm Thao về việc là bị đơn trong Đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu Hiền.  Vì chưa đến hạn trả nợ như trong khế ước vay nợ, chị Thùy viết đơn lên TAND huyện Lâm Thao thắc mắc về việc tòa vi phạm pháp luật, thụ lý vụ án khi chưa đủ căn cứ, cơ sở…, vợ chồng Hiền – Hợp tiếp tục đưa đơn phương ra yêu cầu TAND huyện Lâm Thao kiểm kê tài sản; áp dụng biện pháp khẩn cấp phong tỏa tài sản vợ chồng chị Thùy.
Chưa hết, chi cục Thi hành án, Tòa án huyện Lâm Thao mang giấy phong tỏa tài sản này dán khắp nơi trong thị trấn, ở chỗ đông người… “Đi đến đâu chúng tôi cũng bị đồn thổi là vỡ nợ, xấu hổ lắm. Với thủ đoạn cho vay nặng lãi rồi dụ dỗ cầm sổ đỏ vay ngân hàng giúp, hàng loạt gia đình ở Lâm Thao đã trở thành nạn nhân của vợ chồng nhà Hiền – Hợp”. 
Hàng loạt doanh nghiệp 'chết' vì... cầm đồ - Ảnh 2

Các nạn nhân của vợ chồng chủ hiệu cầm đồ Hiền – Hợp đang bị chủ nợ khởi kiện ra tòa, dù chưa đến hạn trả nợ.

“Sổ kế toán” như... mạng nhện!
Câu chuyện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Việt (DN tư nhân Việt Châu tại thị trấn Lâm Thao) lại bi đát theo một hướng khác.
Cũng do thiếu vốn làm ăn, anh chị phải đi vay lãi suất ngày của vợ chồng chủ hiệu cầm đồ Hợp – Hiền với lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày. Phương thức thanh toán được chốt vào cuối tháng. Nếu trả chậm, tiền lãi sẽ được cộng dồn vào tiền gốc, tính lãi tiếp.
Vay số tiền hơn 700 triệu, vợ chồng chị Việt đã kẽo kẹt trả nợ riêng tiền lãi cho chủ nợ hơn 1 tỉ đồng. Số nợ gốc hiện tại vẫn lên đến hơn 1 tỉ (do những tháng nộp chậm, tiền lãi được tính thành tiền gốc). Những lần vay mượn, vợ chồng chị Việt ký tên vào giấy khế ước do chủ hiệu cầm đồ cung cấp. Trên những khế ước này, chủ nợ chỉ ghi tên người vay, số tiền vay, số dư nợ (do chủ nợ tính). Ngoài ra, không có bất kỳ thông tin gì khác về đồ thế chấp…
Mặt sau của tờ khế ước là chi chít những dòng tính nợ (theo các đợt do người vay đến thanh toán. Số tiền trả lãi được kê theo cách tổng số ngày x số tiền gốc vay x tiền lãi ngày (từ 1.500 – 2.000 đồng/triệu/ngày).
Theo những dòng liệt kê này, có thời điểm vợ chồng chị Việt trả tiền lãi lên đến gần 50 triệu đồng. “Việc của chúng tôi chưa thấm vào đâu cả. Có những người, có lần mang vài tỉ đồng đi trả nợ tiền lãi. Xót lắm, nhưng ai cũng phải nín nhịn”, anh Đạt cho hay. 
Số tiền vay của anh vợ chồng anh Đạt cũng không ghi hạn trả nợ. Ngày 2/4/2014, vợ chồng Nguyễn Hữu Hợp gửi đơn khởi kiện ra TAND huyện Lâm Thao, yêu cầu tòa “đòi nợ” số tiền 1,1 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi cho vợ chồng mình.
“Vợ chồng tôi không đồng ý với cách tính nợ của vợ chồng Hợp – Hiền. Việc chốt nợ, tính nợ vợ chồng đó tự tính và người vay tự phải trả tiền, không được cầm bất kỳ giấy tờ gì. Ngay cả việc đâm đơn kiện, họ cũng “đâm sau lưng” và TAND cứ thế thụ lý, gọi chúng tôi đến xử”, anh Đạt bức xúc.
Hiện tại, vợ chồng anh Phạm Thế Anh và vợ chồng anh Nguyễn Quang Đạt đang có đơn gửi cơ quan Công an huyện Lâm Thao tố cáo hành vi cho vay nặng lãi, chiếm đoạt tài sản của vợ chồng chủ hiệu cầm đồ; đơn tố cáo hành vi bao che, tiếp tay của một số cán bộ TAND huyện Lâm Thao, chi cục Thi hành án huyện Lâm Thao tiếp tay, bao che cho việc làm ép nợ để chiếm đoạt tài sản của vợ chồng Hiền – Hợp.
Không riêng các doanh nghiệp nhỏ như hai trường hợp nêu trên, các doanh nghiệp “có tên tuổi” của Lâm Thao cũng điêu đứng vì trót vay nợ vợ chồng chủ hiệu cầm đồ này… (Còn tiếp)
Thùy An
Theo nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào: