Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

H7N9 có thể lây giữa người trong gia đình

H7N9 có thể lây giữa người trong gia đình (18/04/2013)
Click để xem ảnh
Trường hợp đầu tiên nhiễm H7N9 tại Bắc Kinh đã khỏi bệnh

 Virus H7N9 có thể lây từ người sang người trong “phạm vi hẹp”.
Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc khẳng định hôm nay (18/4), hiện tại, Trung Quốc đã phát hiện 2 trường hợp những người trong một gia đình cùng nhiễm virus H7N9 tại Thượng Hải. Do vậy, không loại trừ khả năng virus H7N9 có thể lây từ người sang người trong “phạm vi hẹp”.

Khả năng lây qua người trong gia đình

Theo báo cáo của ủy ban này, cho tới hiện tại, Thượng Hải đã phát hiện 2 trường hợp những người trong một gia đình cùng nhiễm virus H7N9, Tân Hoa Xã đưa tin.
Trường hợp thứ nhất là 3 cha con một người đàn ông họ Lý, sống tại Thượng Hải, là một trong 3 người đầu tiên bị phát hiện nhiễm virus H7N9. Ông Lý đã tử vong vào ngày 31/3 do viêm phổi nặng.
Trước khi ông Lý phát bệnh, hai người con trai của ông cũng nhập viện với những triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, người con cả đã được trị khỏi và xuất viện còn người con trai thứ cũng tử vong vì viêm phổi nặng giống như cha mình.
Theo Tân Hoa Xã, từ cuối tháng 3, các mẫu xét nghiệm của cả 3 cha con ông Lý đã được gửi Phòng xét nghiệm cúm quốc gia Trung Quốc để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, người ta chỉ phát hiện thấy virus H7N9 mới trong mẫu xét nghiệm của ông Lý. Vì vậy, vào ngày 31/3, chỉ mình ông Lý được xác định là nhiễm virus H7N9.
Sau này, các chuyên gia của Trung Quốc đã xác định, người con cả đã từng nhiễm virus H7N9 và được chữa khỏi. Trong khi người con thứ thì không thể xác định được do đã chết.
Trước đó, cũng tại Thượng Hải đã xuất hiện trường hợp cả 2 vợ chồng cùng bị nhiễm virus H7N9.
Trước những trường hợp nói trên, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình ngày hôm qua đã khẳng định, không loại trừ khả năng virus H7N9 có thể lây lan từ người sang người trong “phạm vi hẹp”. Tuy nhiên, ủy ban này cũng nhấn mạnh, cũng có thể  do họ cùng xuất hiện tại những môi trường có virus H7N9 hoặc tiếp xúc với các loại gia cầm mang H7N9.
Đại diện của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình cũng khẳng định, việc một số các ca bệnh gia đình xuất hiện không đồng nghĩa với việc virus đang biến đổi. H7N9 vẫn là một virus cúm gia cầm và con đường lây lan chủ yếu vẫn là từ gia cầm sang người. Do vậy, cho tới hiện tại vẫn chưa thể khẳng định, H7N9 có thể lây lan từ người sang người ở “phạm vi rộng”.

Tamiflu chi có tác dụng nếu phát hiện sớm

Ngày hôm nay, 18/4, truyền thông Trung Quốc đã cố gắng để giúp người dân phân biệt rõ hai “khái niệm” nói trên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hết sức lo lắng về khả năng lây lan từ người sang người của virus H7N9.
Cho đến chiều ngày 17/4, số bệnh nhân nhiễm virus H7N9 đã tăng lên 82 người, trong đó có 17 người tử vong. Tuy nhiên, 5 trong số 82 trường hợp nhiễm bệnh đã được chữa khỏi và xuất viện.
Hầu hết các trường hợp khỏi bệnh đều là những trường hợp được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Lý Hưng Vượng, giám đốc Trung tâm Điều trị các bệnh lây nhiễm thuộc Bệnh viện Địa Đàn Bắc Kinh cho biết: “Hiện tại, một số nghiên cứu cũng như thực tiễn lâm sàng đã chứng minh, Tamiflu có tác dụng trong việc điều trị cho những người nhiễm H7N9. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tốt nhất là trong vòng 36 giờ và không quá 48 giờ kể từ khi phát bệnh thì mới có hiệu quả. Nếu quá thời gian này thì hiệu quả chẳng còn lại bao nhiêu”.
Ông Lý cho biết, trường hợp cô bé 7 tuổi phát hiện nhiễm virus H7N9 đã được xuất viện hôm 17/4 cũng là do phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng Tamiflu. 

Theo vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào: